Vận động nhà vườn áp dụng quy trình sản xuất theo GAP, nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn với việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Xoài cát Chu Cao Lãnh” và “Xoài Cao Lãnh” và đưa trái xoài xuất khẩu ra nước ngoài.
Xoài cát Chu được Đồng Tháp đẩy mạnh xuất khẩu. Ảnh: I.T
Ngành hàng xoài là một trong 5 ngành hàng tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp. Tỉnh Đồng Tháp có 2 nhóm giống xoài, nhóm xoài địa phương, như xoài cát Chu, xoài cát Hoà Lộc, xoài Bưởi, xoài Thanh Ca...; nhóm giống xoài nhập nội như xoài Đài Loan, xoài Thái. Tuy nhiên, giống xoài cát Chu chiếm 70% và xoài cát Hoà Lộc chiếm 20%.
Hiện nay hơn 80% nhà vườn trồng xoài áp dụng kỹ thuật bao trái, giúp trái xoài nâng cao chất lượng. Hiện nay toàn tỉnh có hơn 50% diện tích trồng xoài áp dụng phương pháp bao trái bằng túi xốp bình quân lãi thêm hơn 60 triệu đồng/ha do trái đẹp, dễ xuất khẩu. Tỉnh Đồng Tháp còn có 33,6ha xoài sản xuất đạt chứng nhận GlobalGAP và 48ha xoài đạt chứng nhận VietGAP. Ông Võ Hữu Hiền ở Hợp tác xã xoài Mỹ Xương cho biết, sản xuất xoài theo tiêu chuẩn GlobalGap đã giảm được 80% các loại hóa chất, năng suất từ 15 tấn trái/ha sau khi áp dụng GlobalGAP đạt hơn 20 tấn trái/ha.
Vừa qua Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hoá “Xoài cát Chu Cao Lãnh và Xoài Cao Lãnh” cho huyện Cao Lãnh. Ông Nguyễn Thành Tài – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết, để ngành hàng xoài chất lượng xuất khẩu, tỉnh đã xây dựng 2 điểm thực hành sản xuất xoài rải vụ theo hướng an toàn ở huyện Cao Lãnh và TP.Cao Lãnh với diện tích 205ha và hỗ trợ 100ha bao trái. Kết quả thực hiện xoài rải vụ, đáp ứng xuất khẩu, mỗi ha xoài cát Hòa Lộc lãi gần 140 triệu đồng và xoài cát Chu lãi hơn 63 triệu đồng. Từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện Cao Lãnh và TP.Cao Lãnh có các công ty liên kết tiêu thụ xoài và đã cung cấp cho thị trường trong nước và nước ngoài hơn 14.000 tấn.