Dân Việt

Nhà báo Nguyễn Như Phong: "Chạy án 3" không thể theo kiểu hàng chợ!

Thanh Hà (thực hiện) 23/08/2016 06:26 GMT+7
Về việc phim "Chạy án 3 – Đặc biệt nguy hiểm" bị nhà sản xuất chỉnh sửa thay bối cảnh, con người, sự kiện từ ngoài Bắc thành trong Nam, nhà báo Nguyễn Như Phong - tác giả kịch bản bộ phim cho rằng đó là cách làm "cẩu thả" và "có vẻ như đạo diễn và ê kíp hay thực hiện theo kiểu “hàng chợ”!

img

Nhà báo Nguyễn Như Phong

Thưa anh, sau phản ứng dữ dội của anh khi biết kịch bản bộ phim  "Chạy án 3 – Đặc biệt nguy hiểm" đã bị thay đổi kịch bản, thì phía nhà sản xuất đã có động thái phản hồi như thế nào với anh?

- Họ vừa liên hệ với tôi và họ nói xin gặp tôi. Nội dung trao đổi cụ thể họ chưa nói, nhưng họ thông báo cho tôi họ đã dừng làm phim. Tôi cũng đã nói rõ quan điểm với họ, muốn bàn gì thì bàn nhưng phải trung thành với kịch bản.

Nói như vậy, họ không được phép chọn bối cảnh trong Nam?

- Đúng rồi, bối cảnh trong kịch bản ở ngoài Bắc, họ sẽ phải quay ngoài Bắc chứ không được phép quay trong Nam. Vì câu chuyện của tôi, từ đầu tới cuối là câu chuyện được xảy ra ở ngoài Bắc, thì họ bắt buộc phải tôn trọng.

Nếu họ quay trong Nam thì tôi lại phải viết lại kịch bản, câu chuyện hoàn toàn bị thay đổi rồi. Với cách làm phim của đoàn làm phim này, tôi nghĩ mình sẽ không có sự thỏa hiệp. Trong cuộc trao đổi với họ, ngoài chuyện không được phép thay đổi bối cảnh của bộ phim, tôi sẽ còn yêu cầu họ giữ nguyên lời thoại trong kịch bản. Không có bất cứ sự thay đổi nào dù nhỏ bởi bộ phim "Chạy án 3 – Đặc biệt nguy hiểm" là một bộ phim “đậm đặc” nói về ngành công an, lời thoại liên quan tới công an cũng cần phải được để ý và xem xét kỹ.

img

Đạo diễn Minh Quang chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên "Chạy án 3". Ảnh: I.T

Cho đến lúc này, anh đã biết đạo diễn phim cũng như ê kíp thực hiện bộ phim là ai chưa?

Bộ phim Chạy án phần 3, với tựa đề “Kẻ đặc biệt nguy hiểm” của nhà báo, nhà viết kịch Nguyễn Như Phong bán cho Truyền hình Công an nhân dân (ANTV). Bộ phim có sự tham gia của các diễn viên trong Nam như: Trương Minh Quốc Thái, Anh Thư, Nguyệt Ánh, Cao Thái Hà, Lâm Minh Thắng, Mai Sơn Lâm, Linh Miu…

Đây là bộ phim nói về cuộc đời một doanh nhân tên là Phạm Bình, sinh ra trong một gia đình nghèo, bị cuộc đời xô đẩy, không may phạm tội giết người và bị kết án tù 10 năm. Ở trong tù, Bình đã được các giám thị, quản giáo cảm hóa, giáo dục trở thành một thợ giỏi…

- Chưa. Tôi cũng không biết là ai. Khi phóng viên của tôi (Nhà báo Nguyễn Như Phong hiện là TBT báo Năng Lượng Mới) vào tận TP.HCM tìm hiểu thì được biết đạo diễn tên là Minh Quang. Còn khi phóng viên phỏng vấn, thì họ trả lời. Mặc dù mang kịch bản phim vào trong Nam quay nhưng họ cũng không thay đổi gì đến nội dung kịch bản. Thực sự tôi không hiểu họ làm kiểu gì, đạo diễn ra sao, khi thay đổi hoàn toàn bối cảnh mà lại bảo là vẫn giữ đúng nội dung kịch bản?

Trong một bài phỏng vấn gần đây, anh đã trả lời, thông thường khi ký kết hợp đồng mua bán kịch bản với nhà sản xuất, bao giờ cũng có điều khoản nhà sản xuất muốn thay đổi kịch bản, sẽ phải yêu cầu tác giả chỉnh sửa? Vậy với kịch bản của anh khi ký hợp đồng có điều khoản đó?

- Có chứ, trong hợp đồng ghi rõ bên A (tức bên tôi) chịu trách nhiệm sửa kịch bản, nếu như bên B có yêu cầu. Thế nhưng khi bộ phim được quay trong Nam thì không một ai từ nhà sản xuất tới đạo diễn hỏi tôi nửa lời rằng, chúng tôi muốn sửa kịch bản, chọn bối cảnh trong Nam.Vì vậy, khi thông tin đó được biết qua mạng, tôi bức xúc, và tự hỏi không hiểu tại sao người ta lại có thể làm việc một cách cẩu thả đến như thế. Vừa cẩu thả, thiếu chuyên nghiệp. Hai là vô trách nhiệm với kịch bản và tác giả kịch bản.

Tôi nghĩ có vẻ như đạo diễn và ê kíp hay thực hiện theo kiểu “hàng chợ”, nên tùy tiện thích làm gì là làm. Hay là họ nghĩ, khi tôi đã bán kịch bản thì họ có quyền làm gì kịch bản là tùy họ, theo kiểu “cưa đứt đục suốt”.

Nếu cuộc thương thảo không đi đến hồi ngã ngũ, thì liệu anh sẽ xử lý như thế nào? Anh có trả lại tiền và lấy lại kịch bản?

- Hồi đầu khi tôi bán kịch bản cho Phát thanh Truyền hình Công an Nhân dân và một thời gian không thấy họ làm gì, tôi đã có ý định trả lại tiền và lấy kịch bản về nhưng thấy họ làm tôi mới thôi. Và nếu giờ họ không đồng ý với những gì tôi đưa ra thì chỉ còn một cách, đó là đưa nhau ra tòa.

Thực ra câu chuyện này cũng đơn giản, tôi cũng hiểu tâm lý đoàn làm phim là làm phía trong Nam cho đỡ tốn kém nhưng làm việc kiểu này thì nguy hiểm, bởi toàn bộ bối cảnh, nhân vật đều ở ngoài Bắc.

Xin cám ơn nhà báo Nguyễn Như Phong!

Ông Nguyễn Quang Vinh – Phó Giám đốc Trung tâm Phát thanh Truyền hình điện ảnh Công an Nhân dân cho biết, kịch bản bộ phim Chạy án 3 được Nhà văn Nguyễn Như Phong giao cho Thiếu tướng Dương Như Hồng - Giám đốc Trung tâm Phát thanh - Truyền hình - Điện ảnh CAND. Việc bộ phim được mang vào Nam quay chưa có sự bàn bạc trong Ban giám đốc.

Ông vinh nói: "Quan điểm cá nhân của tôi, một kịch bản phim dù đã được mua bản quyền cũng không nên coi đó chỉ là hàng hóa, mà đó còn là sản phẩm nghệ thuật. Vì vậy, không thể nghĩ rằng đã mua kịch bản thì có toàn quyền sử dụng, chỉnh sửa thay đổi mà không cần hỏi ý kiến tác giả.

Tôi là người chịu trách nhiệm biên tập cả 42 tập kịch bản; thế nhưng chính tôi cũng không được hỏi ý kiến về việc thay đổi bối cảnh, địa bàn thực hiện phim. Tôi là người đã trao đổi nhiều với anh Như Phong về kịch bản này trong thời gian khá dài, nên hiểu rất rõ câu chuyện, nội dung của bộ phim và tôi  thấy việc chọn bối cảnh trong Nam để quay là không nên. Bởi, nhân vật, câu chuyện, ngôn ngữ, nét văn hóa, sinh hoạt suốt cả một thời kỳ từ bao cấp cho đến hiện tại xảy ở ngoài Bắc. Và nhân vật trong phim là nhân vật có thật ngoài đời đã được anh Nguyễn Như Phong lấy đó làm hình mẫu. Vì vậy nếu chọn bối cảnh trong Nam thì câu chuyện, nhân vật sẽ khác đi. Có phải cứ chọn diễn viên nổi tiếng, hot là có thể tạo nên thành công cho bộ phim đâu?".