1. Tinh thần Olympic từ VĐV "đại tiện" đầy ra quần
Ở nội dung đi bộ 50km của nam, ứng cử viên cho chiếc HCV Yohann Diniz đã lâm vào một trong những tình huống "dở khóc, dở cười" nhất lịch sử Olympic.
Giữa lúc đang dẫn đầu ở 15km đầu tiên, một cơn đau bụng bất thường đã khiến nhà VĐTG người Pháp "bĩnh" đầy ra quần. Thậm chí, Yohann Diniz đã bị ngất ngay sau đó.
Nhưng trong lúc tất cả nghĩ rằng với Yohann Diniz, cuộc đua coi như chấm dứt ở đây thì VĐV 38 tuổi này đã đứng dậy và hoàn thành nốt quãng đường 35km còn lại với thành tích 3 giờ 46 phút 43 giây, xếp ở vị trí thứ 11 chung cuộc.
Dù không thể đạt được chiếc HCV, Yohann Diniz đã mang tới hình ảnh của một người hùng Olympic đích thực. Rất nhiều tờ báo uy tín hàng đầu nhận xét hành động của Yohann Diniz chính là ứng cử viên nặng ký cho huy chương Pierre de Coubertin, bên cạnh hành động giúp đỡ nhau của hai VĐV Abbey D'Agostino và Nikki Hamblin tại đường chạy 5.000 nữ.
2. Xe đạp Vương quốc Anh thắng lớn do... để lông mu?
Các nữ cua-rơ của đoàn thể thao Vương quốc Anh đã có một kỳ Olympic thành công ngoài mong đợi với tấm HCV ở nội dung xe đạp lòng chảo 3.000m pursuit đồng đội nữ. Ngoài sự nỗ lực của các thành viên, chiến thắng này còn đến từ "sáng kiến" độc đáo của các chuyên gia xứ sở sương mù.
Cách đây không lâu, các nữ cua-rơ của Vương quốc Anh đã phàn nàn về việc họ cảm thấy khó chịu và đau rát "chỗ kín" khi ngồi trên yên xe trong một thời gian dài. Chính vì vậy, Liên đoàn Xe đạp Vương quốc Anh đã tổ chức một cuộc họp với các chuyên gia hàng đầu nhằm tìm kiếm giải pháp.
Kết luận là để giải quyết triệt để vấn đề này, các cua-rơ không được phép... cạo lông mu trong suốt thời gian thi đấu tại Rio 2016. "Việc để lông mu sẽ giúp cho các VĐV không còn cảm giác ê buốt, thậm chí, chúng còn giúp cho mồ hôi được thoát ra nhanh hơn", ông Phil Burt - chuyên gia trị liệu của Liên đoàn Xe đạp Vương quốc Anh cho biết.
3. Bị loại vì... "cậu nhỏ" vướng xà
Tại vòng loại nội dung nhảy sào nam, "cậu nhỏ" của VĐV người Nhật Bản Hiroki Ogita đã khiến anh thất bại ngay trong lần nhảy đầu tiên. Ngay cả khi vượt qua trong lần nhảy thứ hai, Ogita vẫn không đủ điều kiện để vượt qua vòng loại do anh chỉ xếp ở vị trí 21.
Vấn đề ở chỗ là đoạn băng ghi hình sự cố của Ogita đã trở thành một đề tài nóng trên các trang mạng xã hội. Điều này khiến cho VĐV người Nhật Bản phải đăng đàn phân trần và kêu gọi mọi người đừng đem anh ra làm trò hề thêm lần nào nữa.
4. Kiếm thủ rơi điện thoại trong lúc thi đấu
Một sự cố hy hữu đã xảy ra trong môn đấu kiếm tại Rio 2016 khi kiếm thủ người Pháp Enzo Lefort đã làm rơi chiếc điện thoại di động trong trận đấu với Peter Joppich.
Không rõ Lefort buộc phải mang điện thoại vào một trận đấu quan trọng như vậy để làm gì. Nhiều người đoán rằng có lẽ anh này mang vào để bắt Pokemon hay phát live trận đấu trên facebook để bà con, cô bác ở nhà xem mình thi đấu. Nhưng cũng có thể đó là bùa hộ mệnh của Lefort bởi sau khi bị trọng tài tịch thu chiếc điện thoại, anh để cho đối thủ thắng ngược với tỷ số 15-13.
5. Một HCĐ hay hai HCĐ?
Olympic 2016 có tổng cộng 812 HCV và 812 HCB được trao cho các VĐV, nhưng lại có tới 864 HCĐ. Tại sao vậy?
Thông thường ở một số nội dung, ví dụ như các nội dung đánh đôi ở môn cầu lông, chỉ có duy nhất một cặp giành được HCĐ. Do đó, hai cặp thất bại trong các trận bán kết phải thi đấu với nhau để chọn ra người giành vị trí thứ 3 chung cuộc.
Tuy nhiên, trận tranh hạng 3 sẽ không tồn tại ở một số nội dung khác như quyền Anh, judo, taekwondo và vật. Chính vì vậy, các VĐV thất bại ở bán kết đều giành được HCĐ.
6. Muốn khiếu nại thì phải nộp tiền
Ở môn thể dục dụng cụ, các HLV sẽ phải nộp lệ phí nếu như muốn khiếu nại về các quyết định chấm điểm của ban giám khảo.
Cụ thể, ở nội dung biểu diễn thể dục nghệ thuật, lệ phí khiếu nại sẽ là 300 USD. Con số này sẽ tăng lên 500 USD ở lần khiếu nại thứ hai và 1.000 USD ở lần ba. Theo lý giải của BTC, các quy định này được đưa ra nhằm hạn chế việc các HLV khiếu nại "bừa", không có căn cứ.
Ngược lại, trong môn quyền Anh, dù các đoàn thể thao có nhiều tiền đến mấy thì cũng không được phép khiếu nại. Chuyên gia môn quyền Anh của BBC Steve Bunce cho biết, đã có ít nhất 2 quyết định của các giám khảo cần được khiếu nại tại Rio 2016.
Vì vậy, VĐV nhảy cao của Vương quốc Anh Robbie Grabarz có lẽ là người hạnh phúc hơn cả khi anh vừa khiếu nại thành công mà chẳng mất một đồng nào.
7. Các cua-rơ bị kiểm tra từ... cách đi bít tất
Hình ảnh các quan chức kiểm tra đôi bít tất của các VĐV xe đạp là một trong những câu chuyện kỳ lạ của Rio 2016.
Tuy nhiên, điều này dựa trên nguyên tắc của Liên đoàn Xe đạp Quốc tế. Theo đó, các VĐV không được kéo bít tất vượt quá khoảng giữa mắt cá chân và đầu gối. Quy định này nhằm nghiêm cấm các VĐV sử dụng bít tất áp lực (compression socks) - một phương tiện giúp cho các cua-rơ hồi phục chấn thương và gia tăng hiệu quả khi thi đấu.
8. Trang phục TDDC Mỹ được trang trí bằng hàng nghìn viên pha lê
Xu hướng gắn pha lê lên trang phục bắt đầu nở rộ cách đây gần một thập kỷ. Tại Bắc Kinh 2008, VĐV Nastia Liukin xuất hiện với bộ trang phục gồm 184 viên pha lê. Sau 8 năm, con số này đã tăng lên gần 50 lần.
Với hơn 5.000 viên pha lê Swarovski được gắn trên trang phục thi đấu, các nữ VĐV thể dục dụng cụ Mỹ đã tỏa sáng tại Rio 2016 theo đúng nghĩa đen của nó.
“Trang phục lấp lánh không ảnh hưởng tới việc chấm điểm của các giám khảo”, cựu VĐV Samantha Peszek cho biết. “Tuy nhiên, chúng là một phần để giúp cho các VĐV trông ưa nhìn hơn, tự tin hơn và thi đấu tốt hơn”.
Theo tiết lộ của nhà sản xuất, trang phục thi đấu của các VĐV thể dục dụng cụ Mỹ có giá 1.200 USD/bộ.
9. Đồ ăn nhanh lên ngôi tại Olympic
Đồ ăn nhanh chưa bao giờ được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích các VĐV sử dụng. Thế nhưng, Rio 2016 đang giúp cho McDonald's kiếm bộn tiền do nhu cầu quá lớn của các VĐV có mặt tại đây. Thậm chí, các cửa hàng này còn phải quy định mỗi VĐV chỉ được mua tối đa 20 gói đồ ăn trong một lần thanh toán.
Trong thời gian diễn ra Rio 2016, Làng VĐV chỉ chủ yếu phục vụ các món ăn Brazil. Việc không hợp khẩu vị với các món ăn của nước chủ nhà là nguyên nhân chính khiến cho các VĐV tìm đến McDonald's như là một giải pháp thay thế.
Thậm chí, dù mới bị loại khỏi nội dung đơn nam môn cầu lông, tay vợt Sawan Serasinghe ngay lập tức đăng tải một bức ảnh lên trang cá nhân với tiêu đề: "Cuối cùng đã thi đấu xong. Tận hưởng McDonald's sau bao ngày kiêng khem nào!"