Dương Quỳnh Tâm
Phụ nữ sau đổ vỡ thường có cảm giác e ngại tái hôn, còn bạn thì sao, những suy nghĩ nào khiến Tâm tiếp tục dấn bước vào cuộc sống hôn nhân?
- Trước đây khi mới chia tay, mình đã từng xác định có thể sẽ không tái hôn nữa vì lúc đó tâm trạng đang rất chông chênh, mất niềm tin rất nhiều vào hôn nhân và cuộc sống. Nhưng sau đó, duyên số đưa mình gặp được anh xã bây giờ, qua một thời gian tìm hiểu khá lâu mới quyết định tái hôn. Khi đó cũng có nhiều băn khoăn và lưỡng lự nhưng cuối cùng cũng vẫn ổn thỏa. Con trai mình ở cùng bà nội và bố vì theo hộ khẩu sẽ tiện cho đi học đúng tuyến các trường ngay gần nhà bà. Mình cũng ở gần đó để tiện đi lại thăm con. Khi phải sang nước ngoài thì mình gọi điện hỏi thăm con, mỗi lần về Việt Nam thì mình vẫn qua lại đón con như bình thường.
Ly hôn mà làm thế nào để con mình vẫn có cảm giác hạnh phúc luôn là mối quan tâm của các bậc cha mẹ. Đó là một chuyện, còn sau khi cả hai cùng tái hôn nữa xem ra còn khó hơn...
Dù mình chia tay nhưng quan điểm của mình rất rõ ràng, chuyện người lớn là chuyện người lớn, hết duyên hết phận thì chia tay. Còn trẻ con nó không có tội gì thì phải cùng nhau chăm sóc và dạy dỗ, không vì chút giận dỗi ích kỷ cá nhân mà làm ảnh hưởng mối quan hệ con cái. Chính vì vậy, bao nhiêu ức chế, thù ghét mình đều bỏ qua hết, buông bỏ cho thanh thản cho mình và thanh thản cho chính con mình.
Chính cách đối xử của mình đã cho con trai mình sự vui vẻ, yên tâm và không có cảm giác bị mất mát. Con trai mình ý thức rất sớm việc bố mẹ chia tay nhưng mình có giải thích cho con hiểu, dù lúc đó chỉ mấy tuổi thôi nhưng đã vui vẻ chấp nhận.
Dương Quỳnh Tâm bên con trai yêu.
Mình nói sau này cả bố và mẹ đều xây dựng gia đình riêng, thế là con có 2 bố, 2 mẹ, mọi người đều yêu con. Vậy là cậu bé vui vẻ gật đầu. Thời gian đầu mình cố gắng thường xuyên về thăm con cho con đỡ hụt hẫng. Sau đó mình đi nước ngoài, con cũng quen dần với việc không ở cùng mẹ và cũng đã tự lập mọi thứ hơn. Sau đó bố cháu cũng lập gia đình mới và có thêm 2 bé gái. Mình vẫn qua lại và đối xử với các bé như là con cháu mình vậy. Mua quà gì cho con mình thì cũng mua luôn cho cả 2 bé kia. Và mình cũng luôn dạy dỗ con trai mình phải yêu thương gia đình mới và yêu thương các em. Chưa bao giờ mình dạy cho con tính ghen tị hay ích kỷ vớ vẩn. Thế nên con trai mình phát triển tâm lý không bị lệch lạc và mẹ mới của con mình cũng là người hiểu chuyện nên có chuyện gì cũng tâm sự để mình biết về tình trạng của con mình tốt hơn. Có gì ngon thì mình cũng hay mang qua cho con trai và tiện thể cho luôn các bé bên đó. Mình chẳng hẹp hòi bao giờ nên con trai mình cảm thấy thoải mái lắm.
Sau khi tái hôn, làm thế nào để chồng hiện tại và con ruột mình không có cảm giác ghen tị về việc phân chia tình cảm có là điều khó?
- Còn chuyện chồng mới của mình và con trai thì ngay từ đầu mình cũng đã lật bài ngửa để chồng mình biết tất cả về hoàn cảnh của mình, để tuỳ anh ấy quyết định, sau này khỏi phải trách móc nhau. Nhưng anh ấy quyết định vẫn lấy mình và hứa sẽ thương yêu con mình.
Sau tái hôn, Tâm có thể hạnh phúc bên chồng mới vì con của mình tâm lý ổn định và đang cảm thấy vui vẻ.
Là 1 người phụ nữ, mình cũng hiểu tâm lý đàn ông, chẳng có người đàn ông nào trên đời này thật lòng thương yêu con riêng của vợ 1 cách đắm đuối như thương con ruột cả. Vì vậy có những việc làm mình cũng ý tứ hơn để chồng mình đỡ bị cảm giác ghen tị, ví dụ như mua quà hay đi chơi với con trai hoặc các khoản chi tiêu cho con trai mình thì không cần và không nên báo cáo với họ. Mình không thể ép người đàn ông phải thương con mình được, đó là thứ tình cảm tự nhiên, còn bắt họ phải diễn thì mệt mỏi lắm. Mình cứ xác định thế cho nhanh. Đàn ông có thể họ không nói ra nhưng sẽ luôn luôn có khoảng cách giữa con riêng và họ. Mình ngầm hiểu để cư xử cho khéo là được.
Thế nhưng thực tế câu chuyện khó xử nào về mối quan hệ giữa gia đình mới của vợ hay chồng, làm thế nào để chia tay văn minh vẫn là bài toán khó cho nhiều người sau đổ vỡ?
- Mình và vợ mới của chồng cũ cũng hay nói chuyện như 2 chị em, có gì khúc mắc mà mình chia sẻ được thì mình cũng rất sẵn sàng chia sẻ với em ấy. Chia tay văn minh là cần thiết , làm bạn được thì tốt , không thể làm bạn được thì cũng nên giữ mối quan hệ không quá căng thẳng.
Tình huống khó xử thì cũng có nhưng không nhiều. Sau li hôn mình vẫn giữ mối quan hệ bình thường với gia đình cũ, không muốn căng thẳng, 2 bên vui vẻ bình thường. Biết mình lấy chồng, mọi người bên đó còn động viên mình sinh con sớm đi.
Chỉ có duy nhất một lần mình đã khóc và ân hận vô cùng vì có lần mình gọi điện cho con bảo là tối mẹ về đón con nhé, lúc đó nó mới 3 tuổi. Thế là hôm đó có việc đột xuất đi làm về muộn, mệt quá cũng ngủ quên mất, chỉ nghĩ là sáng ra sang đón con cũng được. Thế mà con cứ ngồi chờ đến tận 1-2 giờ đêm, bà bắt đi ngủ cũng không đi. Cứ ngồi góc giường ngóng mẹ: "Mẹ cháu bảo tối nay mẹ cháu về đón cháu". Nghe mà thương vô cùng. Từ đó về sau mình chỉ dám hứa với con điều gì chắc chắn thôi. Vì mình hiểu sự mong ngóng, chờ đợi và hụt hẫng của trẻ con khiến chúng rất buồn.
Bây giờ thì khác rồi, con mình đã biết nhắn tin gọi điện, nhớ mẹ lúc nào là nhắn tin hay gọi facetime cho mẹ ngay.
Làm bạn với mẹ kế của con, thậm chí được đến mức như 2 chị em, chuyện đó không phải dễ tìm...
- Mới đầu thì em hay về thăm con em thì gặp em ấy, chào hỏi bình thường. Vì giữa chồng cũ và mình không còn 1 chút tình cảm nào nên em ấy cũng dễ thông cảm. Lúc em ấy đẻ thì em cũng qua thăm, cho quà con nó như bình thường. Em xác định mình nên cư xử đàng hoàng thì chẳng có gì phải sợ cả và mọi mối quan hệ cũng sẽ nhẹ nhàng hơn. Ngược lại, mẹ kế của con mình cũng trẻ nhưng hiểu chuyện, có chuyện gì cũng thỉnh thoảng tâm sự với mình. Nên tất cả những chuyện con mình như thế nào mình đều biết hết.
Tâm bên con trai và con riêng của chồng.
Những đứa trẻ rất vui vẻ với nhau.
Nhiều lúc ai nói xấu em ấy thì mình cũng toàn gạt đi, không vào hùa với họ bao giờ. Mình cũng không bao giờ dạy con mình ghét mẹ kế hay là ích kỷ với các em. Mình bênh em ấy nhiều hơn vì cùng phận phụ nữ mình cũng hiểu những gì em ấy phải trải qua, nên thông cảm hơn là móc mói nhau
Và duy trì được mối quan hệ tốt đẹp giữa mẹ đẻ và mẹ kế chắc hẳn con bạn là người được hưởng lợi?
- Đương nhiên là thế chứ. Con mình được ở trong môi trường không căng thẳng, tâm lý không bị bất ổn, mà sự hoà thuận giữa các thành viên anh em trong gia đình là gốc rễ của 1 mái ấm. Hơn nữa làm bạn với mẹ kế của con mình là văn minh thôi. Không lôi các mối quan hệ cũ vào thì thấy nó bình thường thôi mà khi mỗi người có 1 cuộc sống riêng rồi.
Có những gia đình vợ chồng không hạnh phúc nhưng vẫn duy trì hôn nhân với ý nghĩ là... vì con cái. Theo bạn, luận điểm này ở thời nay có còn hoàn toàn đúng?
- Nhiều gia đình không còn hạnh phúc mà vẫn duy trì hôn nhân thì nếu bình thường thì không sao. Chứ cãi nhau, lôi nhau ra chửi rủa thì con cái ở giữa hứng chịu còn khổ hơn. Cha mẹ ly hôn, thậm chí tái hôn mà con vẫn hạnh phúc là điều hoàn toàn có thể.
Cha mẹ tái hôn mà con vẫn hạnh phúc điều này hoàn toàn có thể? Bí quyết của bạn là gì?
- Bí quyết của mình chẳng có nhiều, chỉ cần hạ bớt cái tôi của mình xuống, chịu thiệt 1 tí, buông xả mọi hận thù cũ, cùng có trách nhiệm với con. Và nhất là sau khi ly hôn thì không nên đi nói xấu người cũ cho thiên hạ biết. Tiếng bấc ném qua sẽ có tiếng chì ném lại. Nên tốt nhất là không hợp nhau thì cả 2 cùng im lặng, không nên nói móc nói máy dễ gây ức chế cho cả 2. Nếu như có điều gì quá thâm sâu mà hận nhau nhưng hãy nghĩ làm điều đó vì con chắc chắn bạn sẽ làm được thôi.