Dân Việt

Tái canh cà phê: Nói hay, làm dở!

Ngọc Vũ 24/08/2016 11:14 GMT+7
Sáng 23.8 Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội thảo “Tái canh và phát triển bền vững cây cà phê trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”. Tham dự chương trình có đại diện UBND tỉnh, Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, người dân…

img

Chất lượng, năng suất cà phê Quảng Trị ngày càng kém vì cà phê đã quá già cỗi. Ảnh: N.V

Đại diện Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện nay địa bàn có 4.675ha cà phê, chiếm 1/7 tổng diện tích cà phê chè cả nước. Cà phê là 1 trong 3 cây công nghiệp chủ lực của tỉnh, chiếm hơn 20% tổng diện tích cây công nghiệp dài ngày. Tuy nhiên, sản lượng cà phê của tỉnh hiện nay rất thấp do diện tích cây cà phê già cỗi tăng cao (53% diện tích cà phê chè trồng trước năm 2000), nhiễm sâu bệnh, sản xuất, thu hoạch cẩu thả khiến giá cà phê xuống thấp. Từ đó, đời sống nhân dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều ở huyện miền núi biên giới hết sức khó khăn.

Việc tái canh cây cà phê là hết sức cấp thiết cho nên Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị đã xây dựng đề án với 3 phương án. Tại hội thảo đa số các đại biểu đồng tình với phương án 2 là phân kỳ tái canh bình quân cho giai đoạn 2017-2025 với diện tích 200 ha/năm vì phương án phù hợp với nguồn lực của địa phương, mỗi năm chỉ bỏ ra 30 tỷ đồng để tái canh.

Tuy nhiên, phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thiết – Trưởng đại diện Tổ chức chứng nhận cà phê toàn cầu UTZ – certified Việt Nam cho rằng: “Hội thảo chỉ nói cho hay, nói cho nhiều nhưng chúng ta đang làm mò mẫm, không có một quy trình nào cả. Quảng Trị nên tiên phong xây dựng một quy trình cho cà phê chè Arabica để lấy tiền đề làm chuẩn trên toàn quốc”.

Là khách mời tại hội thảo, ông Dave D’haeze – Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn về cây cà phê Văn phòng đại diện châu Á Thái Bình Dương, thẳng thắn cho biết: “Tôi đã nghe việc tái canh cà phê ở Quảng Trị cách đây 15 năm trước nhưng nói thẳng ra là chúng ta chưa đạt kết quả gì”.

Ông Hồ Sỹ Trọng – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Trị tỏ ra xót xa bởi trước đây thương hiệu cà phê Khe Sanh (Quảng Trị) nổi tiếng khắp thế giới nhưng nay chỉ là dĩ vãng. Theo ông Trọng, việc tái canh cây cà phê là cấp thiết nhưng phải có bộ quy trình rõ ràng về khoa học kỹ thuật… nhằm đảm bảo việc tái canh thành công thì ngân hàng mới dám cho vay vốn, hỗ trợ. “Nếu không có quy trình rõ ràng, đến khi trồng tái canh mà cà phê chết thì nông dẫn sẽ chết, nông dân chết thì ngân hàng cho vay cũng chết theo” – ông Trọng nói.