Sáng 22.8, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức họp báo về kế hoạch biểu diễn các chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu tại Nhà hát Lớn Hà Nội thời gian tới. Theo chủ trương của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, từ 30.8, các chương trình nghệ thuật diễn ra định kỳ tại đây. Chủ trương này đồng nghĩa "thánh đường nghệ thuật" được mở rộng cho các đơn vị vào biểu diễn dưới sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa, chứ không chỉ là nơi kinh doanh thương mại.
Nhà hát có lịch sử hơn 100 năm sẽ là nơi thường xuyên diễn ra các vở kịch, các chương trình nghệ thuật sân khấu truyền thống.
Các đơn vị nghệ thuật trực thuộc ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch - có tác phẩm được duyệt vào diễn tại Nhà hát Lớn - sẽ không phải lo về mặt bán vé hay quảng bá chương trình. Điều này sẽ do Nhà hát Lớn thực hiện. Bộ Văn hóa sẽ chủ trì về mặt tài chính, trong đó nguồn kinh phí lấy từ các đơn vị tài trợ và tiền bán vé.
Nhà hát Lớn Hà Nội có bề dày lịch sử, văn hóa, vốn được thiết kế với các tiêu chuẩn dành cho nghệ thuật đỉnh cao. Đây cũng là nơi chứng kiến hàng loạt vở diễn sân khấu cháy vé những năm 1980 nhưng nhiều năm qua, nơi này trở thành địa điểm cho thuê để tổ chức biểu diễn. Với giá thuê được đánh giá cao ngất ngưởng, đa phần chương trình diễn ra ở đây dành cho những đơn vị có nhiều tiền như các công ty giải trí, tổ chức kinh tế, doanh nhân... Việc bước chân vào Nhà hát Lớn đối với các nhà hát có những vở sân khấu nghệ thuật truyền thống là điều xa xỉ.
Chủ trương của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khiến giới làm sân khấu hoan hỉ.
Tham dự buổi họp báo, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ bà ủng hộ kế hoạch mới. "Tôi ủng hộ Bộ trưởng với hành động mang tính chiến lược, để tất cả tác phẩm đỉnh cao của nghệ thuật truyền thống được vào Nhà hát Lớn. Chiến lược này tháo gỡ khủng hoảng về mặt người xem, khủng hoảng của sân khấu nghệ thuật nói chung". Bà Minh Thái cho rằng chủ trương này giúp cứu sân khấu "vì sân khấu đang ngập ngụa trong khủng hoảng, cả về đối nội và đối ngoại".
Theo nữ tiến sĩ, nghệ sĩ và khán giả được nhiều thứ từ việc xã hội hóa này. Bởi "các đơn vị chỉ lo biểu diễn nghệ thuật, còn khán giả không phải bận tâm cần có khoảng một triệu đồng mới mua được vé vào xem chương trình nghệ thuật ở Nhà hát Lớn", bà nói.
Mới đây, trong đêm diễn chia tay NSND Lan Hương của Nhà hát Kịch, vở diễn Tai biến được đưa lên sân khấu Nhà hát Lớn. NSND Lan Hương chia sẻ cô đã diễn vở này nhiều lần nhưng phải đến khi vào Nhà hát Lớn, với sự cộng hưởng của sân khấu, âm thanh, ánh sáng và khách mời... cô cùng các diễn viên mới cảm thấy thăng hoa đến vậy.
NSND Lan Hương cho rằng quyết định của Bộ trưởng khiến các nghệ sĩ sân khấu cảm thấy hạnh phúc vì nghệ thuật sân khấu đã được đặt ở vị trí xứng tầm.
Theo ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, những tác phẩm đưa vào Nhà hát Lớn cần phải có chất lượng cao. Đại diện Bộ Văn hóa gồm Bộ trưởng và Thứ trưởng Vương Duy Biên sẽ chịu trách nhiệm thẩm định. Ngoài tác phẩm do các Nhà hát, đơn vị nghệ thuật đề xuất, Bộ cũng đặt hàng các chương trình biểu diễn tại đây.
Trong đợt đầu tiên, nhân kỷ niệm 71 năm Quốc khánh (2.9.1945 - 2.9.2016), ba chương trình nghệ thuật mở màn cho dự án gồm: Chương trình "Hòa nhạc giao hưởng đặc biệt 1" do Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam biểu diễn vào tối 30.8, vở kịch nói Biệt đội báo đen của nhà văn Chu Lai do Nhà hát Kịch Việt Nam thực hiện vào tối 31.8 và chương trình "Âm nhạc và các trích đoạn chèo truyền thống mẫu mực" của Nhà hát Chèo Việt Nam vào 1.9.
Hiện, kế hoạch biểu diễn của các đơn vị tại Nhà hát Lớn đã hoàn tất cho đến hết tháng 12.