Theo các hãng tin, trong cuộc tập trận chung này, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga cùng với Hải quân Trung Quốc sẽ diễn tập hoạt động phòng thủ cũng như triển khai binh sĩ trên Biển Đông.
Kế hoạch này đã được hai bên thống nhất trong cuộc họp bàn về công tác chuẩn bị tại Trạm Giang, Trung Quốc. Hai bên trước đây từng tiến hành nhiều cuộc diễn tập hải quân, song đây là lần đầu tiên kể từ khi Tòa Trọng tài Liên Hợp Quốc ra phán quyết bác bỏ đường lưỡi bò phi lỹ của Bắc Kinh.
Kể từ sau phán quyết, Trung Quốc đã tổ chức một loạt các cuộc tập trận, trong đó có tập trận bắn đạn thật của hải quân và hơn 300 tàu đã được điều động trong các cuộc tập trận này. Hải quân Trung Quốc hôm 22.8 đã bắt đầu tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật kéo dài đến ngày 24.8 ở Vịnh Bắc Bộ.
Hình ảnh một cuộc tập trận của Trung Quốc ở biển Hoa Đông.
Các cuộc tập trận chung mới nhất giữa Nga và Trung Quốc được tiến hành tháng 5 năm 2015, tại vùng biển Địa Trung Hải ngoài khơi bờ biển Syria cũng như vùng biển Nhật Bản.
Tháng trước, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố đây là cuộc tập trận “thường lệ” và “không nhắm vào bất kỳ quốc gia thứ ba nào”.
Theo hãng tin News.com.au, trong cuộc tập trận này, Nga sẽ cử đội quân tàu chiến tham gia các hoạt động luyện tập cùng lực lượng hải quân của Trung Quốc.
Hãng tin Tass của Nga cũng cho biết, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga sẽ tham gia vào cuộc diễn tập được thiết kế để thử nghiệm chiến thuật và trang thiết bị trong cuộc tập trận đổ bộ lên các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép.
Cuộc tập trận này diễn ra cùng tháng Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) ở Trung Quốc mà nước chủ nhà tuyên bố không muốn vấn đề Biển Đông được đề cập.
Moscow đã tích cực tăng cường quan hệ với Trung Quốc kể từ khi mối quan hệ giữa Nga với phương Tây trở nên căng thẳng sau khi Nga lấy Crimea và can thiệp quân sự ở Ukraine.
Quan hệ của Bắc Kinh với phương Tây cũng đã trở nên xấu đi đáng kể từ khi Bắc Kinh bị phát hiện xây dựng đảo nhân tạo, căn cứ không quân trái phép, xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới đều lên tiếng kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế và nghiêm túc thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài, không dùng vũ lực và các hành vi trái pháp luật để đẩy căng thẳng Biển Đông lên cao.
Đối với Nga, cuộc tập trận chung trên Biển Đông lần này sẽ có một chút khó khăn hơn. Nga không chỉ có quan hệ với Trung Quốc, mà Nga còn là đối tác, là bạn bè thân hữu của các nước có liên quan đến Biển Đông.
Chưa kể đến việc Nga hiện đang trong quá trình cung cấp hai tàu khu trục và sáu tàu ngầm cho Việt Nam - mà chắc chắn sẽ được sử dụng để tuần tra lãnh thổ và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông.
Vậy mưu tính thực sự của Nga trong việc đồng ý tập trận chung với Trung Quốc trên Biển Đông là gì?
Trước đó tờ The Diplomat bình luận, lý do chính đằng sau cuộc tập trận chung Nga- Trung trên Biển Đông sẽ là chính trị chứ không phải nhu cầu thực tế.