Dân Việt

Nước mắt dạy thêm

Nhàn Đàm 26/08/2016 15:38 GMT+7
Học thêm, dạy thêm liệu có thực sự xấu xa đến mức khiến người ta phải ra hẳn một quy định cấm đoán tuyệt đối giống như một căn bệnh dịch gây nguy hiểm cho xã hội như thế?

img

Một vấn đề nhận được sự quan tâm lớn từ phía cộng đồng giáo dục cũng như những người quan tâm đến nền giáo dục nước nhà, đó là tình hình dạy thêm học thêm. Tại buổi khảo sát của Ban Văn hóa - Giáo dục (HĐND TP.HCM) ngày 23.8, ông Nguyễn Văn Lợi, Hiệu trưởng Trường trung học Thực hành sư phạm Phan Đình Phùng đặt câu hỏi: “Tại sao bác sĩ được mở phòng khám ngoài giờ, ca sĩ được chạy sô kiếm tiền... mà giáo viên lại không thể sống bằng chính nghề của mình? Còn nỗi buồn nào hơn?”. Những giọt nước mắt của ông Lợi sau khi nêu trăn trở ấy có lẽ cũng là nước mắt của những ai đang theo nghề giáo, những người đang bị đối xử theo cách trái ngược với sự tôn vinh nghề này. Học thêm, dạy thêm liệu có thực sự xấu xa đến mức khiến người ta phải ra hẳn một quy định cấm đoán tuyệt đối giống như một căn bệnh dịch gây nguy hiểm cho xã hội như thế?

Câu hỏi đầy cay đắng mà ông Lợi đặt ra trong buổi khảo sát về tình hình dạy thêm và học thêm chiều 23.8 có lẽ là một trong những câu hỏi nhức nhối nhất, không chỉ về vấn đề dạy thêm học thêm, mà còn về thân phận và vị trí người giáo viên trong xã hội Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Lẽ dĩ nhiên, câu hỏi ấy được đưa ra là để xem xét lại việc nghiêm cấm dạy thêm, học thêm có thực sự hợp lý hay không, khi mà nhu cầu dạy thêm và học thêm là một nhu cầu có thực và thậm chí rất lớn. Học sinh luôn có nhu cầu học thêm, dù là bất cứ cấp học nào và ở bất cứ quốc gia nào chăng nữa; còn giáo viên cũng luôn có nhu cầu dạy thêm, một phần là để đáp ứng đòi hỏi của người học, phần khác để nâng cao thu nhập, nhất là khi đồng lương của nghề giáo còn đang thấp. Bằng cách nghiêm cấm học thêm và dạy thêm, xã hội đang tước đi những nhu cầu và lợi ích chính đáng của cả học sinh lẫn giáo viên trong nền giáo dục Việt Nam hiện nay.

Nhìn lại những gì đã diễn ra trong ngành giáo dục, đặc biệt là trong vấn đề dạy thêm và học thêm vài năm trở lại đây, chúng ta sẽ nhận ra rằng cách đối xử với nghề giáo ẩn chứa không ít sự bạc bẽo. Liệu có bao nhiêu nghề nghiệp trong xã hội mà người hành nghề bị cấm đoán như ngành giáo dục, khi mà rõ ràng nhu cầu xã hội là có thực, thậm chí rất lớn? Để hạn chế những tác động tiêu cực và biến tướng của dạy thêm học thêm, chúng ta đã vội vã và thiếu cẩn trọng đến mức đưa ra những biện pháp cấm đoán khắt khe. Còn sự xúc phạm và bạc bẽo nào lớn hơn thế dành cho nghề giáo – cái nghề mà xã hội vẫn mặc định là cao quý, nhưng lại đối xử với nó theo một chiều hướng ngược lại.

Nếu nhìn sang các quốc gia trong khu vực, có lẽ chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra nhu cầu học thêm và dạy thêm trong nền giáo dục và trong xã hội các quốc gia đó là có thực và lớn đến mức nào. Thậm chí, nó còn có thể cung cấp cho Việt Nam những kinh nghiệm cần thiết và quý báu để có thể giải quyết dứt điểm vấn đề tương tự ở Việt Nam.

Có thể nhìn sang Nhật Bản, nơi các giáo viên không được phép dạy thêm ở nhà riêng, và có thể sẽ bị lãnh đạo nhà trường cho thôi việc nếu như phát hiện ra đã tổ chức dạy thêm ở nhà, đến mức trừ những trường hợp đặc biệt thì việc giáo viên cho phép học sinh đến nhà hỏi bài cũng là điều hạn chế tối đa. Tuy nhiên, các trung tâm dạy thêm, học thêm lại được cho phép mở cửa và hoạt động rộng rãi ở Nhật Bản, nơi bất cứ giáo viên nào cũng có thể đến giảng dạy miễn là đạt yêu cầu về chất lượng do trung tâm đề ra. Các trung tâm không cấm việc học sinh tại trường của giáo viên đó đến đăng ký theo học, nhưng nếu có dấu hiệu của sự ép buộc thì giáo viên sẽ bị trung tâm sa thải, và cũng sẽ bị nhà trường cảnh cáo, thậm chí cho thôi việc.

Có lẽ, chính vì ở Việt Nam chúng ta gán cho nhà giáo những danh hiệu cao quý nhưng lại không kém phần hư vinh, đã khiến cho nghề giáo vô tình lại trở thành tù nhân của những sự đối xử bạc bẽo. Có lẽ, một phần nguyên nhân khiến chúng ta ban hành những quy định khắt khe và thiếu cẩn trọng như thông tư 17 (về việc nghiêm cấm tuyệt đối các hình thức dạy thêm, học thêm) lại chính là vì những hư vinh mà chúng ta đã đặt lên trên vai người giáo viên trong rất nhiều năm qua.

Đã đến lúc Việt Nam cần đưa nghề giáo trở lại vị trí vốn có, trước hết nó phải là một nghề nghiệp như bao nghề nghiệp khác trong xã hội một cách công bằng và bình đẳng. Sự cao quý của nghề giáo, nếu có, nó sẽ tự phát lộ ra và nhận được sự yêu quý và tin cậy của xã hội mà không cần bất cứ một hành động tôn vinh một cách hư danh và thiếu suy nghĩ nào. Một cây nếu đầy hoa thơm và trái ngọt, thì đừng rào nó lại.