Đa số các ý kiến đại diện các sở LĐTBXH cho rằng: “Chính phủ nên xem xét lại chính sách hỗ trợ, không nên hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, quà, lo nhà ở… cho người nghèo như hiện nay. Chỉ cần tạo “cần câu”, giúp họ đi câu là đủ. Tránh việc người nghèo ỷ lại, không chịu vươn lên thoát nghèo”. Hiện Bộ LĐTBXH đang tổng hợp, đánh giá về kết quả rà soát hộ nghèo năm 2012 (sẽ công bố trong quý I/2013).
Tạo việc làm cho 1,6 triệu người.
Tăng số lao động tham gia BHXH lên 11,146 triệu.
Tuyển mới dạy nghề cho 1,9 triệu người.
Giảm 2% hộ nghèo cả nước...?
Về công tác xóa đói giảm nghèo, bà Phạm Thị Hải Chuyền – Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết: “Tới cuối năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 10%, giảm 1,76%, thấp hơn mục tiêu đề ra là giảm 2%. Trong đó: Đông Bắc 18,31%; Tây Bắc 28,87%; đồng bằng sông Hồng 5,42%; Bắc Trung Bộ 15,51%; Tây Nguyên 16,62%; Đông Nam Bộ 1,48%; ĐBSCL 10%...”.
Tuy nhiên, bà Chuyền lo lắng công tác giảm nghèo chưa bền vững, một số địa phương giảm nghèo còn nặng về hình thức, chưa sát thực tế. Ví như Hoà Bình tỷ lệ giảm nghèo lên tới 17% (gấp 10 lần tỷ lệ chung). Hiện Bộ LĐTBXH đang thanh tra lại tỷ lệ giảm nghèo cao bất thường này.
Theo ông Ngô Trường Thi – Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Chánh Văn phòng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo: “Hiện các địa phương đã chủ động thực hiện các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo như: Hỗ trợ giáo dục - đào tạo; mua thẻ BHYT cho hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ nhà ở; đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn; hỗ trợ XKLĐ đối với lao động ở các huyện nghèo; chính sách cho vay tín dụng ưu đãi, hướng dẫn cách làm ăn và khuyến nông lâm ngư…”.
Minh Nguyệt - Quốc Hải