Dân Việt

Hội đồng Hiến pháp chưa đủ chức năng “bảo hiến”

08/01/2013 07:09 GMT+7
(Dân Việt) - “Với lời văn của bản dự thảo lần này, Hiến pháp vẫn chưa được bảo vệ. Theo tôi, cần có tư duy dứt khoát và triệt để về cơ chế “bảo hiến” và cần có một chế định Hiến pháp về bảo vệ Hiến pháp”.

GS-TSKH Phan Xuân Sơn nhận định về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

img
GS-TSKH Phan Xuân Sơn (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh).

Thay đổi nào theo ông là quan trọng nhất trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp?

- Trước hết nói về vai trò lãnh đạo của Đảng. Điểm mới của dự thảo lần này chính là mục 2 của Điều 4. Hiến pháp chế định rằng: “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Về Nhà nước: Có thể nói về cơ bản quan niệm về Nhà nước, mô hình tổ chức nhà nước không thay đổi.

Nhưng có một số điểm đáng chú ý sau: Với Quốc hội, dự thảo lần này ghi rõ: “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp”, bỏ quy định “là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến” trong Hiến pháp 1992. Đối với Chính phủ, dự thảo ghi rõ Chính phủ “thực hiện quyền hành pháp”.

Tương tự như vậy, TAND và Viện KSND là các cơ quan “thực hiện quyền tư pháp”. Điều này thoạt nghe có vẻ bình thường và hiển nhiên, nhưng đối với nước ta đây là một bước tiến về tổ chức thực thi quyền lực nhà nước. Sự “phân công” thực thi quyền lực nhà nước đã bắt đầu rõ ràng hơn…

img Dự thảo lần này vẫn chưa có bước tiến. Trưng cầu dân ý (quyền phúc quyết của nhân dân) là quyền hiến định, cần được chế định (được ghi) vào Hiến pháp. Dự thảo lần này vẫn dành quyền này cho Quốc hội quyết định. img

GS-TSKH Phan Xuân Sơn

Ông sẽ góp ý vào những vấn đề cụ thể nào của dự thảo?

- Tôi sẽ tập trung vào những vấn đề mà theo tôi dự thảo cần hoàn thiện, cụ thể:

Thứ nhất: “Lời nói đầu” chưa khái quát, chưa thể hiện được tinh thần của một bản Hiến pháp Việt Nam trong một thời kỳ mới. Có thể nói “Lời nói đầu” chưa hay.

Thứ hai: Cần chế định triệt để hơn việc “phân công” (hay phân quyền, phân cấp) trong tổ chức quyền lực nhà nước.

Thứ ba: Viết khái quát hơn chương II: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Cần làm rõ hai quyền này, mối quan hệ giữa chúng và không được chế định lẫn lộn hai quyền này. Các quyền này là hiến định, do đó Nhà nước phải thực thi.

Tuy nhiên, để thực thi, Nhà nước phải ban hành luật. Việc thực thi các quyền này sẽ phụ thuộc vào nội dung các đạo luật, chứ không phụ thuộc vào việc có ban hành luật hay không. Trong dự thảo, có nhiều quyền, trong đó có quyền con người và quyền công dân được ghi đơn giản là “thực hiện theo pháp luật”. Như vậy đã giới hạn việc thực thi Hiến pháp vào việc có ban hành một luật cụ thể nào đó hay không.

Thứ tư: Chương III: Kinh tế, văn hóa, xã hội, giao dục, khoa học công nghệ và môi trường. Trong chương này, có nhiều nội dung mới về kinh tế. Tuy nhiên, một số điều trong chương này, nhất là phần kinh tế chưa thật khái quát, giống với những chủ trương, mong muốn hơn là một chế định của Hiến pháp.

Thứ năm: Về trưng cầu dân ý dự thảo lần này vẫn chưa có bước tiến. Trưng cầu dân ý (quyền phúc quyết của nhân dân) là quyền hiến định, cần được chế định (được ghi) vào Hiến pháp. Dự thảo lần này vẫn dành quyền này cho Quốc hội quyết định.

Về quy định Hội đồng Hiến pháp, ông có nhận định gì?

- Bản thân tên gọi Hội đồng chưa nói lên điều gì. Hơn nữa, theo mục 2 dự thảo, chức năng chủ yếu của Hội đồng này là “kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật” của một số cơ quan nhà nước và “yêu cầu” các cơ quan nhà nước ấy “sửa đổi hoặc hủy bỏ”. Với nhiệm vụ ấy, chưa đủ để nói rằng Hội đồng Hiến pháp có chức năng “bảo hiến”. Mặt khác, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Hội đồng Hiến pháp lại do luật định.

Như vậy, Hội đồng này vẫn chưa được chế định rõ cả chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn. Xin lưu ý rằng, trong lời văn của Dự thảo, chỉ có HĐND ở các địa phương mới có nhiệm vụ thi hành hiến pháp và pháp luật, các cơ quan nhà nước khác chỉ được ghi “thực thi pháp luật”. Với lời văn của bản Dự thảo lần này, Hiến pháp vẫn chưa được bảo vệ. Theo tôi, cần có tư duy dứt khoát và triệt để về cơ chế “bảo hiến” và cần có một chế định hiến pháp về bảo vệ Hiến pháp.

Xin cảm ơn giáo sư!