Có những thủ khoa tốt nghiệp đại học nhưng ra trường rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc tìm được những công việc không như mong đợi; có những người tìm cho mình những suất học bổng du học danh giá nhưng sau quá trình du học, thay vì trở về quê hương cống hiến, họ định cư tại nước ngoài để tiếp tục học tập và làm việc.
Đó là những câu chuyện không mới thậm chí là những vấn đề rất xưa rồi nhưng tại sao vẫn tồn tại và tiếp diễn? Đây là câu hỏi mà GS. TSKH Vũ Minh Giang – nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội đặt ra.
GS. TSKH Vũ Minh Giang.
Ông cũng cho rằng, câu chuyện này đơn giản nhưng mọi người hay đổ lỗi cho giáo dục. Sự đổ lỗi đó là điều không thực tế vì thực tế là không có việc làm, không có chỗ để số sinh viên tốt nghiệp đại học có chỗ làm.
Giáo sư tiếp tục đặt ra câu hỏi: “Tại sao không có chỗ làm?”. Và ông đưa ra những lý do để giải đáp cho câu hỏi này.
Đầu tiên phải nói tới là do sự phát triển nền kinh tế Việt Nam chưa thực sự tương hợp với quy mô đào tạo đại học của chúng ta hiện nay.
Theo phân tích của GS. TSKH Vũ Minh Giang, chúng ta làm phân luồng gần như không đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.
“Do không có định hướng nghề nghiệp từ phổ thông nên dẫn tới việc, có những bạn trẻ biết năng lực của mình chỉ dừng lại ở những trường trung học dạy nghề nhưng vẫn thi vào đại học; hay có những người học đại học xong lại quay sang học nghề để mong tìm được công việc có thu nhập.
Xảy ra những điều này là do quản lý Nhà nước mà có lẽ ta đang bắt đầu điều chỉnh”, GS. TSKH Vũ Minh Giang nhấn mạnh.
Và từ chuyện xã hội đó tạo ra luồng hình ống, học sinh học xong phổ thông gần như 100% thi đại học. Các trường đại học mở cửa đón thí sinh vào, trượt cũng nhiều đỗ cũng cao nhưng tạo ra hiện thực không tương thích.
“Số người học đại học tốt nghiệp ra quá nhiều. Lấy chuyện dân số để làm nguyên nhân chỉ là cách tính. Nền sản xuất của Việt Nam hiện tại không cần nhiều cử nhân đến thế. Đó chính là điều bất hợp lý”, GS. Giang nói thêm.
Thứ 2, thêm hiện tượng rất phổ biến đó là, chỗ làm việc giống như một cái bình chứa. Ở đó gần như đã đầy. Có những người có nhiều quan hệ, nhiều phương thức họ ngồi vào chỗ làm việc ấy nhưng cũng chẳng có tấm bằng đại học, cũng chẳng phải thủ khoa. Sau đó, họ mới tìm cách học lấy bằng đại học.
“Đó là những người có quan hệ đặc biệt với thủ trưởng cơ quan, những người có đường đi rất đặc biệt trong tình hình hiện nay. Số ấy hiện nay không ít dẫn tới năng lực của cán bộ trong bộ máy Nhà nước không hiệu quả.
Nếu các sinh viên ra trường cứ ỉ vào bằng thủ khoa mà không có những động tác cần thiết chưa chắc đã có việc làm. Đây được coi là bài toán của những mặt trái cũng như những hiện tượng tiêu cực trong tuyển chọn cán bộ mà chúng ta đang cố gắng khắc phục”, GS. TSKH Vũ Minh Giang chia sẻ.
Thêm một điều được Giáo sư chia sẻ là lỗi trong hệ thống đào tạo của chúng ta, đặc biệt là giáo dục bậc cao. Đào tạo ra những người chỉ biết rèn luyện kĩ năng máy tính, ngoại ngữ để đi phỏng vấn kiếm việc làm.
Điều ấy đồng nghĩa việc, chúng ta nói nhiều đến làm chủ, khởi nghiệp nhưng các chương trình đào tạo của ta chỉ là hướng tới đi làm thuê, đào tạo ra những cử nhân chỉ chăm chăm đi xin việc ở đâu đó, làm thuê dưới các hình thức khác nhau như làm thuê cho Nhà nước, làm thuê cho doanh nghiệp nước ngoài...
“Chương trình đào tạo chuẩn bị kĩ năng đi làm thuê mà không dậy cho sinh viên tinh thần ra trường bản thân mình cũng phải tạo việc làm cho người khác. Do đó hệ thống việc làm cứ loay hoay ở những chỗ đang có. Đó là lỗi của hệ thống giáo dục mà năm nào cũng có rất nhiều sinh viên ra trường nên môi trường việc làm sẽ chật chội.
Đáng lẽ ra, trường đại học phải là trung tâm sáng tạo dậy sinh viên có tư tưởng sáng tạo, ra trường họ phải tạo công ăn việc làm cho người khác chứ không phải chăm chăm tranh việc làm với ai”, GS. Giang phân tích.
Đồng thời ông cũng nói lên quan điểm của mình khi chia sẻ, trong thời đại tin học, thông tin như hiện tại, người đi học vẫn theo “hiệu ứng đàn vịt”, chạy theo “đàn” mà không có sự cân nhắc.
Bởi lẽ trên thực tế có những ngành vẫn thiếu người nhưng các bạn trẻ lại không học vì các bạn nghĩ, phải học quản trị kinh doanh, kinh tế, ngân hàng... mới mang lại thu nhập cao sau này. Và ngẫu nhiên điểm đầu vào của các ngành đó, các trường đó sẽ được đẩy lên cao vì có đông người chọn. Nhưng cuối cùng, chính “hiệu ứng đàn vịt” ấy tạo ra tình rạng ứ thừa ở một số ngành tưởng là hot, là hay nhưng thực tế lại không như thế.
“Tôi từng giao lưu với các bạn thủ khoa các trường đại học và tôi nói với các bạn rằng, thủ khoa chưa là gì. Thủ khoa mới chứng tỏ bạn học giỏi theo hệ thống học vẹt. Thuộc bài nhanh chưa chắc đã là những người có sáng tạo nhiều. Đó mới chỉ được coi là điểm bắt đầu.
Lễ tốt nghiệp hay lễ phát bằng thạc sỹ, tiến sỹ các nước khác gọi là lễ của sự khởi nghiệp bắt đầu chứ không phải cái gì ghê gớm.
Hãy quên ngay mình là thủ khoa đi và phải tìm cách sáng tạo hơn chút nữa. Tôi biết khi nói ra điều này các bạn thủ khoa sẽ buồn nhưng thực trạng là như thế. Cũng như bản thân tôi, năm 1986 tôi về nước và là tiến sỹ khoa học trẻ nhất Việt Nam lúc bấy giờ nhưng cũng chẳng nói lên được điều gì.
Với những người có sáng tạo phải tính chuyện khởi nghiệp hay tạo dựng ra những môi trường mới, công việc làm mới”, GS. TSKH Vũ Minh Giang nói.