Dân Việt

Nguồn tài nguyên lớn nhất ở Biển Đông sắp biến mất

Quang Minh - NG 30/08/2016 19:55 GMT+7
Nếu không có biện pháp bảo vệ kịp thời, nguồn tài nguyên từng mang lại 22 tỉ USD mỗi năm ở Biển Đông sẽ chỉ tồn tại trong sách vở và ảnh minh họa.

img

Lấy cá ngừ khỏi tàu cá Trung Quốc ở cảng General Santos, Philippines. Lượng cá ngừ đang sụt giảm nghiêm trọng thời gian qua.

Vài năm trước, Christoper Tubo có thể bắt được 300kg cá marlin xanh một cách dễ dàng ở Biển Đông. Giờ đây, việc này là bất khả, Tubo nói. Những chuyến ra khơi trong quá khứ mang về một thuyền ngập cá tôm và những hải sản có giá trị khác.

img

Cảng General Santos được gọi là "thủ phủ cá ngừ của Philippines". Trong ảnh là một công nhân đang khuân cá ngư vào bến.

“Giờ đây chẳng còn gì”, Tubo nói, buồn bã nhìn về biển Sulu, Philippines, nơi anh đã đánh bắt suốt 4 năm qua. Hai con thuyền truyền thống của anh đang neo gần bờ. Hai chiếc vừa được sơn lại bộ cánh mới.

Tubo ngồi trên chiếc ghế gỗ trước hiên nhà, nhìn ra vịnh. Một trong bốn đứa con của anh ôm chặt lấy bố. Những chiếc áo phông sờn rách và quần đùi lâu năm bay phất phơ trên dây treo phía sau.

img

Ngư dân Philippines trút cá sardine khỏi lưới.

Biển Đông là nơi cá ngừ vây vàng sinh trưởng và có lượng cá ngừ nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, đánh bắt quá mức đang đẩy ngành này tới bờ vực hủy diệt.

Tubo, liếc mắt nhìn vợ mình, chị Leah và đứa con, nói: “Giờ việc đủ ăn chỉ dựa vào may mắn mà thôi”. Gia đình Tubo sống ở Puerto Princesa, một thành phố 255.000 dân ở đảo Palawan, nằm ở phía tây Biển Đông. Tubo là một trong số 320.000 ngư dân trên toàn Philippines sống dựa vào nguồn lợi hải sản ở Biển Đông.

img

Hệ thống đèn pha cực mạnh trên tàu Melissa nhằm thu hút cá ngừ. Ảnh chụp trong một trận bão đổ vào biển Philippines.

Tuy nhiên việc đánh bắt ngày càng khó khăn hơn khi năm 2012, Trung Quốc ngang ngược chiếm bãi cạn Scarborough, xây dựng trái phép và dùng tàu hải giám đe dọa tàu cá Philippines. Khi một người bạn khác của Tubo bị tàu hải giám Trung Quốc phun súng nước tấn công, Tubo quyết định không đánh bắt cá ở Biển Đông nữa.

“Cứ một chốc lại thấy máy bay hay tàu chiến Trung Quốc trong khu vực”, Tubo kể về việc Trung Quốc ngăn cản ngư dân các nước khác vào khu vực tranh chấp để đánh bắt cá. “Nếu chúng tôi tới đó, tôi sợ rằng sợ không thể về nhà với gia đình”.

img

Hai người ngồi trước hiên nhà ở thành phố Quezon, Philippines. Cư dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá.

Henru Terosio, ủy viên hội đồng làng chài ở Puerto Princesa, nói: “Trung Quốc tới chiếm đảo và giờ người Philippines bị cấm cửa hoàn toàn”. Ngư dân Việt Nam cũng chịu cảnh tương tự. Ít nhất 200 người Việt Nam xuất phát từ đảo Lý Sơn cũng bị tàu Trung Quốc tấn công trong năm 2015.

img

Ngư dân Philippines nghỉ ngơi trước giờ ra khơi.

Quyết định bỏ nghề cá của Tubo xuất hiện trong bối cảnh khu vực leo thang căng thẳng và một cuộc chiến khốc liệt với nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông gia tăng. Với diện tích 3,7 triệu km2, Biển Đông có vai trò quan trọng về môi trường, quân sự và kinh tế. Mỗi năm, lưu lượng thương mại chảy qua khu vực này lên tới 5,3 nghìn tỉ USD.

Đa dạng sinh học biển ở đây được ví với sự dồi dào của rừng rậm Amazon. Cá, tôm tại Biển Đông là nguồn lương thực cho hàng trăm triệu người sinh sống ven biển, thậm chí được đánh giá là nguồn tài nguyên được thèm khát hơn cả dầu mỏ.

Bối cảnh khu vực leo thang rất đáng báo động, tuy nhiên một thực trạng khác cũng nan giải không kém: đánh bắt cá vô tội vạ. Đây là một trong những ngư trường lớn và quan trọng nhất thế giới với 3,7 triệu lao động thường xuyên và mang về 22 tỉ USD mỗi năm. Tuy nhiên sau hàng thập kỷ đánh bắt tự do, lượng cá ở đây đã suy giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới an ninh lương thực và phát triển kinh tế của những quốc gia phụ thuộc.

img

Một ngư dân mang cá từ tàu vào bến.

Cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia với lượng cá dồi dào càng khiến tranh chấp khu vực leo thang. Căng thẳng chính trị khiến cuộc chiến cá tôm càng trở nên khốc liệt. Một số khu vực ở Biển Đông chỉ còn lại 1/10 lượng cá từng có cách đây 50 năm. Những loài cá có giá trị kinh tế cao như cá mú, cá ngừ đang ngày càng ít dần.

“Chúng ta đang chứng kiến một trong những sự suy giảm và hủy hoại nghề cá nghiêm trọng nhất lịch sử toàn cầu”, John McManus, chuyên gia hàng hải ở trường Rosenstiel thuộc đại học Miami chia sẻ. “Chúng ta nói tới hàng trăm loài sinh vật biển đang bị hủy hoại và có nguy cơ biến mất nhanh chóng”.

Ngư dân ở tiền tuyến

img

Ngư dân ở cảng cá Navotas lớn nhất Philippines.

Khi nguồn cá gần biển biến mất, ngư dân buộc phải giong buồm xa khơi để đánh bắt và tiến vào các vùng biển “dậy sóng”. Trung Quốc đã nhân cơ hội này hỗ trợ lực lượng tàu cá trong nước bằng cách cấp tiền để đóng mới và nâng công suất tàu cũ. Thậm chí, những ngư dân Trung Quốc đánh bắt trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam được nhận số tiền trợ cấp lên tới 400 triệu đồng.

img

Cá ngừ đông lạnh chất thành đống trong khoang tàu. Mỗi chuyến ra khơi, ngư dân mất tới 2 tháng trên biển.

“Lí do duy nhất tàu cá Trung Quốc tới Trường Sa là bởi họ được trả tiền để ra đó”, Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á, nói. Áp lực này càng khiến lượng cá ở Biển Đông sụt giảm đáng kể.

Ngoài ra, hoạt động xây dựng trái phép đảo nhân tạo và cơ sở hạ tầng quân sự là một bước đi đầy tính toán của Trung Quốc nhằm hỗ trợ lực lượng tàu cá nước này. Zachary Abuza, chuyên gia về chính trị Đông Nam Á, nói: “Trung Quốc đang ngang ngược áp đặt chủ quyền thông qua các hành động xây đảo trái phép và ngăn cản nước khác tiếp cận nguồn lợi trên biển”.

img

Một phụ nữ có bầu đi lại gần cảng cá Navotas.

Eugenito Bito-onon, thị trưởng thành phố Kalayaan, Philippines nói: “Trong 3 năm qua, tàu cá Trung Quốc luôn xuất hiện ở đây. Tàu này đi thì tàu khác lại tới, ngày đêm không nghỉ”.

Gilbert Elefane, thuyền trưởng tàu săn cá ngừ người Philippines ở thành phố Quezon, đảo Palawan nói rằng mỗi ngày ông thấy hơn trăm tàu cá Trung Quốc ở Biển Đông. Cách đây mấy năm, Gilbert nói chỉ có hơn 30 tàu Trung Quốc xuất hiện trong khu vực.

Bắc Kinh cũng tập huấn quân sự và cung cấp các trang thiết bị định vị, liên lạc hiện đại cho ngư dân nhằm gọi lực lượng hải giám khi cần. Nếu xảy ra sự đụng độ với cơ quan hành pháp quốc gia khác, tàu cá Trung Quốc sẽ gửi tín hiệu cấp cứu tức thì và tàu hải giám sẽ xuất hiện ngăn cản tàu chấp pháp các nước khác.

img

Phân loại cá ở cảng Navotas sau chuyến đánh bắt dài ngày ngoài Biển Đông.

San hô bị tàn phá

Hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc và săn bắt trai tượng khổng lồ đã khiến hệ sinh thái san hô ở Biển Đông bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ít nhất 163 km2 rạn san hô đã bị hủy hoại không thể phục hồi.

img

Một ngư dân khuân cá ngừ ở cảng cá General Santos.

Để tạo lớp nền xây đảo, Trung Quốc nghiền nát san hô và bồi đắp lên các lớp đá nhân tạo. Các ống hút cát và trầm tích khiến tầng san hô cạnh đó cũng chết ngạt. Hút cát tạo cảng nước sâu để lại hậu quả môi trường tương tự. Hoạt động cào trai tượng cũng tàn phá san hô và đáy biển khiến cá, tôm mất đi môi trường sống.

“Chúng ta đang chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng khoảng ½ diện tích san hô ở Biển Đông”, John McManus nói. “Nếu xảy ra, đây sẽ là thảm họa môi trường vô cùng tồi tệ”.

img

Phân loại trai ở cảng Natovas.

Nếu rạn san hô bị phá nát, hệ sinh thái cũng bị hủy hoại. Cá sống trong san hô mất môi trường sống và cá ngừ cũng mất đi nguồn thức ăn quan trọng. Chưa kể san hô ở Biển Đông kết nối với nhau thành chuỗi. Cá con sẽ di chuyển từ vùng san hô này sang địa điểm khác nếu khu vực đó bị phá hủy. Nếu san hô không còn, cá con cũng biến mất và sự tận diệt cá sẽ thực sự xảy ra.

McManus nói rằng nhiều khu vực bị tàn phá có thể khôi phục sau 10 tới 20 năm nếu hoạt động xây đảo trái phép và bắt trai tượng chấm dứt. Chuyên gia hàng hải này đề xuất phương án “công viên hòa bình”, một dạng khu vực biển được bảo vệ chặt chẽ và cấm mọi quốc gia có hoạt động tổn hại môi trường.

img

Một gánh hàng rong gần cảng cá Natovas. Khoảng 320.000 dân Philippines dựa vào nghề cá để sinh sống.

Các chuyên gia cũng đang nỗ lực hợp tác khu vực nhằm giúp nghề cá Biển Đông bền vững hơn. Số tàu cá sẽ phải cắt giảm, cách thức bắt cá bằng tàu to hay ánh sáng mạnh thu hút cá ngừ sẽ phải loại bỏ. Đây là biện pháp sống còn giúp ngư dân bám biển thành công trong tương lai.

Nếu có một chiến dịch bảo vệ bền vững, cá ngừ và cá thu sẽ tăng thêm 17 lần vào năm 2045, theo báo cáo của Rashid Sumaila và William Cheung tại đại học British Columbia. Cá ở rạn san hô khôi phục 15% và giá trị đánh bắt sẽ tăng lên nhiều. Cá mập và cá mú sẽ quay trở lại.

img

Một cậu bé câu cá ở Quezon. Nguồn lợi hải sản ở Biển Đông đang suy giảm từng ngày vì đánh bắt quá mức.

Tuy nhiên chuyên gia Poiling từ Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á rất nghi ngờ một kế hoạch bảo tồn biển như trên sẽ được thực hiện: “Điều quan trọng là gạt bỏ tranh chấp chủ quyền. Muốn có một hệ thống quản lý chung thành công, bước đầu tiên là thống nhất quan điểm sẽ bàn”. Nếu Trung Quốc cứ bám dính lấy cái gọi là đường lưỡi bò 9 đoạn trong khi các nước khác muốn dựa vào luật quốc tế, thỏa thuận cuối cùng sẽ không thể đạt được.