Dân Việt

Mỹ tăng hiện diện quân sự trước "cửa nhà" Trung Quốc

Phương Đăng (theo RT) 30/08/2016 12:00 GMT+7
Mỹ và Ấn Độ vừa ký thỏa thuận quân sự sử dụng căn cứ quân sự của nhau, giúp Mỹ tăng cường hiện diện ngay trước "cửa nhà" Trung Quốc và tạo điều kiện thuận lợi cho Washington trong việc thúc đẩy các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông.

img

Việc ký kết Thỏa thuận trao đổi hậu cần (LEMOA) diễn ra ngày 29.8 nhân chuyến thăm kéo dài 3 ngày của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar tới Mỹ. Cả hai nước đã chuẩn bị ký thỏa thuận này suốt hơn 10 năm qua.

Theo tinh thần cam kết chung, hai bên sẽ được phép sử dụng các căn cứ hải, lục, không quân của nhau để tiếp nhiên liệu và sửa chữa trang thiết bị quân sự trong các cuộc diễn tập quân sự, các sứ mệnh nhân đạo hoặc cứu trợ thảm họa. Tuy nhiên, thỏa thuận không nhắc tới việc triển khai binh lính. Washington và New Delhi sẽ phải tìm kiếm thỏa thuận khác cho việc này. 

Thỏa thuận này được xem là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng quan hệ quốc phòng giữa Ấn Độ và Mỹ nhằm kiềm chế sự bành trướng hung hăng trên biển của Trung Quốc.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp người đồng cấp Ấn Độ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ca ngợi LEMOA sẽ giúp "an ninh hàng hải" và góp phần vào "tự do hàng hải" trên thế giới.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ấn Độ Parrikar nhấn mạnh: “Ấn Độ và Mỹ cùng chia sẻ mối quan tâm về vấn đề tự do hàng hải và hàng không cũng như việc giao thương không bị cản trở, như một phần trong việc duy trì trật tự pháp quyền tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Theo đó, thỏa thuận mới được ký kết sẽ giúp Washington tăng cường hiện diện ở Biển Đông. Washington đã nhiều lần đưa máy bay quân sự và tàu chiến tuần tra xung quanh các vùng biển mà Bắc Kinh tranh chấp chủ quyền với các nước Đông Nam Á. 

Ông Joseph Cheng, Giáo sư về chính trị đã nghỉ hưu tại Hong Kong cho biết LEMOA còn giúp Mỹ tăng cường kiểm soát hàng hải từ Đông Á đến vịnh Ba Tư. Mặt khác, Biển Đông là tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, và Mỹ không muốn phải xin phép mỗi khi đi qua các hòn đảo ở đây. Theo ôÔng Cheng cho rằng Mỹ đang sử dụng các tranh chấp ở Biển Đông để thực hiện chiến lược "trở lại châu Á".

Về phần mình, Trung Quốc lâu nay vẫn luôn phản đối các hoạt động tuần tra bảo đảm tự do hàng hải và hàng không của Mỹ tại Biển Đông, đặc biệt là ở gần các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép trên vùng biển này.