Từng phỏng vấn bà nhiều lần tại các sự kiện, hội nghị nhưng đây là lần đầu tôi phỏng vấn bà tại trụ sở của Quỹ Hoà bình và Phát triển Việt Nam trên phố Bà Triệu, Hà Nội. Vẫn vẻ đĩnh đạc và giọng nói trầm ấm, dứt khoát của một nhà lãnh đạo kỳ cựu, nhà ngoại giao lão làng, bà nói: Năm nay, tôi tròn 90 tuổi nhưng “sức chiến đấu” vẫn không kém gì các đồng chí phóng viên trẻ đâu nhé. Đúng 8 giờ sáng, tôi lên cơ quan, 11 giờ 30 thì về ăn cơm với gia đình. Buổi chiều tôi làm việc từ 14 giờ tới 17 giờ 30. Ngày nào cũng đều như vậy”.
Cuộc đàm phán dài nhất lịch sử ngoại giao
Bà Nguyễn Thị Bình (lúc ấy là Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa
miền Nam Việt Nam) ký Hiệp định Paris. Ảnh: Tư liệu
Khi tôi đặt bút ký vào bản hiệp định chiến thắng, tôi nghĩ đến những đồng bào, đồng chí ngã xuống - những người không còn có thể biết được sự kiện trọng đại này, mắt tôi bỗng nhòe ướt. Trong cuộc đời tôi, đây là vinh dự rất lớn vì được thay mặt nhân dân, các chiến sĩ cách mạng để đấu tranh trực diện với kẻ thù xâm lược ngay tại Paris, được đặt bút ký vào bản hiệp định chiến thắng sau 18 năm cả nước tiến hành cuộc chiến đấu chính nghĩa đầy hy sinh gian khổ. Đó là thời điểm sâu sắc nhất, khó quên nhất trong cuộc đời ngoại giao của tôi”. Bà Nguyễn Thị Bình |
Khi biết tôi muốn tìm hiểu thêm những câu chuyện phía sau bản Hiệp định Paris, không cần suy nghĩ, bà vào “đề” ngay: “Năm 1960, khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam được thành lập thì tôi được cử làm Uỷ viên Trung ương Mặt trận phụ trách về đối ngoại. Trong giai đoạn từ 1962 đến 1967, tôi cũng đã tham gia vào nhiều hoạt động liên quan tới lĩnh vực này. Các đồng chí lãnh đạo đã quyết định cử tôi tham gia đoàn đàm phán Hiệp định Paris với tư cách là Trưởng đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Khi nhận được quyết định này, tôi cảm thấy rất vinh dự, song cũng rất lo lắng bởi đây là một nhiệm vụ, trọng trách nặng nề. Song với quyết tâm, tôi nghĩ mình có thể làm được và phải cố gắng làm tốt nhiệm vụ mà Tổ quốc giao”.
Theo lời bà Bình, đàm phán Paris diễn ra trong 4 năm 8 tháng 16 ngày - là cuộc đàm phán dài nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, với 202 phiên họp công khai diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Kléber (thủ đô Paris) từ ngày 13.5.1968 đến ngày 27.1.1973 và 36 phiên gặp riêng cấp cao tại nhiều địa điểm khác nhau. Cuộc đàm phán chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn đầu từ ngày 13.5.1968 đến hết tháng 10.1968, giai đoạn 2 từ ngày 25.1.1969 đến ngày 27.1.1973.
... Nhắc tới đây, có lẽ những ký ức, kỷ niệm không thể nào quên của quãng thời gian đàm phán cam go và quyết liệt ùa về, giọng bà Bình rưng rưng, xúc động. Bà cho hay, bước ngoặt của cuộc đàm phán là vào tháng 12.1972 khi Mỹ tìm cách kéo dài thời gian, dùng máy bay B-52 “rải thảm” thủ đô Hà Nội, Hải Phòng nhưng đã vấp phải sự chống cự kiên cường từ quân và dân ta. Về phía Mỹ, Tổng thống Nixon đã mường tượng ra một điều rằng “không thể đánh bại bằng quân sự”. Đây cũng là nguyên do khiến họ chấp nhận dự thảo “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” và Dự thảo “Thỏa thuận về quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam” do phía ta đưa ra. Trong dự thảo có nội dung quan trọng là chấp nhận rút quân hoàn toàn khỏi Việt Nam và để vấn đề chính trị của miền Nam Việt Nam cho các bên của Việt Nam tự giải quyết.
Hướng về Hà Nội
Khẽ nhấp một ngụm nước, bà xúc động: Những ngày cuối năm 1972, tình hình thực tế trên chiến trường diễn biến theo hướng có lợi cho ta và cho cuộc đàm phán. Còn tại Mỹ, mâu thuẫn gay gắt giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà cũng như cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang cận kề. Lúc đó, Bộ Chính trị chỉ thị cho đoàn đám phán của ta đấu tranh quyết liệt để buộc Mỹ phải có động thái thực chất giải quyết vấn đề chiến tranh Việt Nam. Thế nhưng, sau khi tái đắc cử Tổng thống, Nixon đã “trở mặt” chỉ đạo đòi sửa lại 60 điều trong văn bản thoả thuận trước đó. Rồi phẫn nộ hơn là trong đêm 18.12, Mỹ bắt đầu cho máy bay B-52 giội bom xuống Hà Nội, Hải Phòng…
Trên bàn đàm phán, biết tin về hành động tàn bạo của Mỹ, hai đoàn đàm phán của phía Việt Nam đã bỏ họp để phản đối hành động tráo trở và leo thang chiến tranh của Mỹ. “Trên bàn đàm phán, chúng ta phải thể hiện sự vững vàng, rắn rỏi là vậy nhưng khi các thành viên về tới nơi nghỉ, chúng tôi rất lo lắng cho nhân dân, đất nước, cho Hà Nội, Hải Phòng… Thế rồi, khi được báo tin ta bắn rơi chiếc B-52 đầu tiên trên bầu trời Hà Nội, chúng tôi đã vui sướng vỡ oà. Rồi sau đó nữa, nhiều nhiều hơn máy bay B-52 bị bắn hạ, Mỹ đã thất bại hoàn toàn cả về quân sự, chính trị, ngoại giao. Thậm chí ngay trong lòng các nước phương Tây vốn từ đầu ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến tranh phi nghĩa này cũng đã lên tiếng phản đối hành động tàn bạo của Mỹ” - bà Nguyễn Thị Bình nhớ lại.
Tình thế trên chiến trường thay đổi, sức ép của quần chúng, nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới và sự phẫn nỗ ngay trong lòng nước Mỹ đã khiến chính quyền Nixon gửi công hàm mong họp lại và chấp nhận hoàn toàn dự thảo hiệp định được đưa ra trước đó.
Kỷ niệm khó quên
Bà Bình nhớ lại, trong giai đoạn 1968 đến 1973, cuộc đàm phán Paris trở thành sự kiện tâm điểm, thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới. Người dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới dõi theo sự kiện này qua các hãng thông tấn quốc tế và ai cũng đều hy vọng chiến tranh Việt Nam sớm kết thúc vì nó kéo dài quá lâu rồi. “Trên trang 1 của tờ New York Time (Mỹ) trong 10 năm liền chỉ nói về Việt Nam; các kênh truyền hình của thế giới đã ghi hình và phát rộng rãi trong gần 5 năm các cuộc đàm phán diễn ra vào thứ 5 hàng tuần. Các thành viên tham gia đàm phán đã trở thành những khuôn mặt quen thuộc với bạn bè quốc tế” - bà hồi tưởng.
Khi tôi hỏi rằng suốt quãng thời gian đàm phán, kỷ niệm nào là đáng nhất với bà, không chần chừ bà trả lời ngay: “Có một lần, trong chuyến đi từ Paris đến một quốc gia ở châu Phi, đi qua sân bay Ai Cập, có một số phụ nữ đã đến gặp tôi, tay bắt mặt mừng như những người bạn thân lâu ngày gặp lại, mặc dù tôi không hề quen biết họ. Tôi liền nói tôi chưa quen các vị. Các bà ấy nói là “ồ không, chúng tôi quen bà!”. Thấy thế, tôi liền hỏi: “Sao các bà quen chúng tôi?”. Họ trả lời “Chúng tôi quen bà trên vô tuyến truyền hình, mỗi thứ 5 đều chiếu hình ảnh bà ở Hội nghị đàm phán mà”… Tôi đã rất xúc động và tự hứa với lòng mình phải nỗ lực “chiến thắng” trên bàn đàm phán”.
Kể tới đây, bà khẽ mỉm cười và nói: Có lẽ phía Mỹ cũng không lường được hết những thuận lợi của ta khi chọn Paris là địa điểm đàm phán. Thời điểm đấy, chúng tôi đã tính Paris không chỉ là trung tâm thông tin quốc tế lớn để từ đó chúng ta có thể khiến thế giới chú ý và hiểu được cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta mà ở Paris, các tầng lớp nhân dân Pháp, đặc biệt là Đảng Cộng sản Pháp đã tích cực ủng hộ chúng ta. Ai cũng biết Paris còn có phong trào kiều bào rất mạnh. Kiều bào ta đã ủng hộ các hoạt động của đoàn Việt Nam tại Hội nghị Paris về cả về tinh thần và vật chất. Những yếu tố này cũng góp phần vào thắng lợi trên bàn đàm phán...
Khi tôi nói lời chia tay bà thì cũng vừa lúc một chiếc xe biển xanh 80B dừng ngay cổng, một đồng chí lãnh đạo cùng trợ lý vội vàng bước tới khoác tay bà với cử chỉ thân mật. Anh Hoàng - lái xe cho bà nhiều năm nay nói nhỏ: “Cụ không ngại đụng chạm, cụ góp ý thẳng thắn lắm, thậm chí gọi điện cho các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước để góp ý về những chỉ đạo, quy định, những vấn đề còn bất cập, chưa hợp lý hiện nay. Dù góp ý thẳng thừng là vậy nhưng các bác lãnh đạo vẫn rất quý cụ, xem cụ như phụ mẫu. Trước những quyết định, vấn đề hệ trọng của dân tộc, các bác lãnh đạo vẫn tranh thủ tham vấn ý kiến cụ”.