Dân Việt

Ánh sáng từ mùa thu độc lập đầu tiên

Đêm đêm, trên ngôi nhà lịch sử 48 Hàng Ngang (Hà Nội), vang lên lách cách tiếng đánh máy chữ. Không ai biết rằng đó chính là lúc Hồ Chủ tịch đang thảo một văn bản lịch sử vô cùng quan trọng: Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa...

Cuộc gặp góp  ý dự thảo Tuyên ngôn độc lập

Ngày 28.8.1945, một buổi sáng mùa thu bình thường mát lạnh trong lòng Hà Nội. Với vóc dáng gầy gò sau nhiều ngày đi từ chiến khu trở về, nhưng đôi mắt vẫn rực sáng ánh lên niềm tin vào ngày mai của dân tộc, Hồ Chủ tịch cho mời những cộng sự thân tín đến căn phòng làm việc nhỏ của mình để trao đổi. Các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng… quây quần quanh chiếc bàn nhỏ, chăm chú lắng nghe.

img

Bác Hồ và các thành viên trong Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. ảnh:  T.L

Chủ tịch Hồ Chí Minh chậm rãi đọc bản dự thảo Tuyên ngôn Độc lập sẽ đọc trong ngày lễ độc lập ấn định tổ chức vào  ngày 2 tháng 9 tới. Tuy còn chút yếu mệt nhưng niềm vui hoàn thành một công việc hệ trọng vẫn được lưu giữ và truyền lại qua giọng đọc trầm ấm, nhấn nhá, hùng hồn mà gần gũi... “Hay quá, sáng sủa quá! Chắc chắn, đơn giản, đanh thép…”. Mọi người đều có chung nhận xét như vậy khi Hồ Chí Minh đọc xong dự thảo Tuyên ngôn Độc lập. Bác vui vẻ nói với các đồng chí của mình:

 “Hay quá, sáng sủa quá! Chắc chắn, đơn giản, đanh thép”. Mọi người đều có chung nhận xét như vậy khi Hồ Chí Minh đọc xong dự thảo Tuyên ngôn Độc lập...

-Đề nghị các đồng chí nghe và góp nhiều ý kiến bởi vì ta sẽ đọc bản Tuyên ngôn không chỉ để đồng bào mình nghe mà còn để cho chính phủ và nhân dân Pháp, cho các nước đồng minh nghe. Đây vừa là bản tuyên cáo, vừa là một văn bản pháp lý chặt chẽ để thế giới thấy rằng chúng ta giành lại đất nước từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp…

-Dạ thưa Bác –  đồng chí Trần Đăng Ninh rụt rè hỏi- Có cần phải phân biệt rõ ràng giữa Nhật và Pháp không, bởi vì chúng cùng một giuộc, cùng là quân xâm lược cả… Pháp hay Nhật không quan trọng, cái chính là ta đã khởi nghĩa thắng lợi giải phóng đất nước, giành chính quyền về tay nhân dân…

-Rất cần – Hồ Chí Minh giọng thân mật – Đó là vấn đề pháp lý ta cần làm rõ để cho thực dân Pháp có muốn quay lại “đòi” thuộc địa cũ cũng không thể vì từ ngày 9.3.1945, Việt Nam, Đông Dương không còn là thuộc địa của Pháp nữa… Điều này hiện tại chưa mấy quan trọng và nguy cơ vẫn còn lờ mờ nhưng chắc chắn sẽ rõ dần lên và tầm quan trọng về tính pháp lý càng ngày càng được khẳng định.

-Nhưng thưa Bác – ông Trần Đăng Ninh dường như muốn hiểu thêm – Tại sao bản tuyên ngôn của ta lại trích dẫn Tuyên ngôn độc lập Mỹ và Tuyên ngôn nước Pháp mà không trích dẫn bản tuyên ngôn của Lý Thường Kiệt hay Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi.

-À! À….- Hồ Chí Minh cười rất vui- Như thế mới là dân tộc, mới là yêu nước, mới là Việt Nam à? Sẽ có nhiều người thắc mắc như vậy, nhưng một văn bản quan trọng như thế phải viết làm sao phù hợp với tư tưởng thời đại. Bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ nói lên nguyện vọng các dân tộc thuộc địa Bắc Mỹ đứng lên giải phóng khỏi ách đô hộ của thực dân Anh. Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp là thành quả cuộc cách mạng dân chủ tư sản lật đổ chế độ phong kiến điển hình.

Một nước Việt Nam độc lập theo chế độ dân chủ, cộng hòa thực hiện theo tư tưởng của 2 bản tuyên ngôn đó thì chắc chắn các dân tộc trên thế giới sẽ đồng tình. Và khi những tư tưởng tốt đẹp và đúng đắn đó không được thực hiện, bị chà đạp, bị phá bỏ thì chắc chắn nhân dân Mỹ và nhân dân Pháp sẽ ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam…

-Vâng, cháu hiểu rồi ạ! Đồng chí Trần Đăng Ninh tỏ vẻ tâm phục, khẩu phục – Tức là ta lấy gậy ông đập lưng ông.

Hồ Chí Minh giờ tay, mỉm cười: Cũng có thể hiểu như vậy!

Những vấn đề đầu tiên của buổi họp đầu tiên

Ngay trong buổi họp đầu tiên của Chính phủ ngày 3.9.1945, Bác đã đưa ra 6 vấn đề đầu tiên cần giải quyết ngay.

Vấn đề thứ nhất: Giải quyết nạn đói. Yêu cầu Chính phủ phát động một chiến dịch thi đua tăng gia sản xuất. Trong lúc chờ đợi thu hoạch ngô, khoai vụ đông xuân, phải 3-4 tháng nữa, cần mở một đợt lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả đồng bào ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được sẽ góp lại phát cho người nghèo.

Vấn đề thứ hai là giải quyết nạn dốt. Hồ Chủ tịch cho rằng: Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Chính phủ phải mở ngay chiến dịch chống nạn mù chữ.

Vấn đề thứ ba, Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay một cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu.

Vấn đề thứ tư, mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: Cần, kiệm, liêm, chính.

Vấn đề thứ năm, cần bỏ ngay 3 thứ thuế- thuế thân, thuế chợ, thuế đò và tuyệt đối cấm hút thuốc phiện.

Vấn đề thứ sáu, Chính phủ nhanh chóng ra tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và lương - giáo đoàn kết.