Các cuộc thi sắc đẹp đã đến hồi tàn?
Hoa hậu Hoàn vũ ngày càng sụt giảm rating
Trong quá khứ, Hoa hậu Thế giới từng là một trong những sự kiện quan trọng được ghim trên cuốn lịch với khoảng 28 triệu người theo dõi chung kết cuộc thi. Tuy nhiên, tới hiện tại, Hoa hậu Thế giới hoàn toàn bị thất sủng tại nơi sản sinh ra nó. Cuộc thi không còn được truyền hình trực tiếp tại Anh và cũng chẳng nhiều người dân xứ sương mù còn quan tâm tới sự kiện này. Thậm chí trong một bài khảo sát đăng tải trên Guardian, nhiều người còn không biết sự tồn tại của cuộc thi sắc đẹp lớn nhất nhì thế giới.
Tương tự, tại Mỹ - nơi sản sinh ra cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, trong những năm gần đây liên tục tụt giảm tỷ suất theo dõi. So với năm 2014, Hoa hậu Hoàn vũ 2015 tụt giảm 18% tỷ suất xem trực tiếp.
Các nhà hoạt động xã hội phản đối bên ngoài nơi tổ chức cuộc thi hoa hậu
Tại các nước phương Tây, có thể nói các cuộc thi sắc đẹp đã qua thời hoàng kim. Một trong những nguyên nhân về sự thoái trào này, theo nhiều người, đó là do yếu tố nữ quyền. Theo cây viết Amelia Perrin của Independen, nữ quyền và các cuộc thi sắc đẹp không thể “đội trời chung”, đó là lý do khiến 1 trong 2 phải chết. Và theo lý lẽ của Amelia, trong thời đại người người biểu dương nữ quyền, nhà nhà đấu tranh vì bình quyền nam nữ, thì bất lợi rõ ràng thuộc về các cuộc thi nhan sắc.
Làn sóng nữ quyền tấn công cuộc thi sắc đẹp manh nha vào năm 1970, khi một nhóm hoạt động giải phóng phụ nữ biểu tình với khẩu hiệu: “Chúng tôi không đẹp, cũng chẳng xấu xí mà đang tức giận”. Họ ném bom bột vào MC trong đêm chung kết Hoa hậu Thế giới. Sau nhiều năm, các cuộc thi mang tính chất đặt chị em lên bàn cân đong đo đếm nhan sắc, vẫn trở thành cái gai trong mắt nhiều nhà hoạt động xã hội. Báo chí phương Tây từng dấy lên nhiều tranh luận về cuộc chiến dai dẳng giữa yếu tố nữ quyền và các cuộc thi hoa hậu.
Phụ nữ Indonesia phản đối thi Hoa hậu Thế giới tổ chức tại đất nước họ
Theo quan điểm của Courtney E. Martin đăng tải trên Guardian “thi hoa hậu đã lỗi thời và phải chết”. Nữ tác giả của nhiều đầu sách về nữ quyến cho rằng thi sắc đẹp cũng giống như áo nịt corset, kìm hãm phụ nữ vào khuôn khổ. Theo Courtney E. Martin, những cô gái từng đăng quang hoa hậu chưa chắc đã đẹp nhất, và ngược lại, những người phụ nữ thực sự đẹp cả về thể chất lẫn tinh thần mà cô từng gặp, hoàn toàn có thể bị trượt vỏ chuối khỏi mọi cuộc thi hoa hậu. Martin khẳng định các đấu trường sắc đẹp cần phải bị đào thải theo dòng phát triển của xã hội.
Quan điểm của Courtney E. Martin nhận được khá nhiều sự đồng tính. Một bạn đọc có có nick Suzinne B ủng hộ quan điểm thi hoa hậu đã hết thời: “Tôi từng thích xem Hoa hậu Hoàn vũ khi còn nhỏ nhưng ngày nay, tại sao một phụ nữ lại giành được vương miện chỉ vì họ quyến rũ, mặc đồ bơi đẹp và trả lời trôi chảy vài câu hỏi ứng xử. Quá vô lý”.
Những người phản đối cho rằng các cuộc thi hoa hậu khiến phụ nữ bị gò ép theo tiêu chuẩn nhan sắc, đi ngược lại quan điểm "mọi phụ nữ đều là bông hoa đẹp"
Ngoài nữ quyền, sự xuống dốc trong việc tổ chức cũng như chọn lọc thí sinh trong cuộc thi hoa hậu cũng là yếu tố khiến nhiều người phản đối. Nữ nhà báo Jessica Valenti trong một bài viết sắc sảo về sự cố trao nhầm vương miện tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2015, đã đưa luận điểm các cuộc thi sắc đẹp ngày càng ngớ ngẩn, lệch so với tuyên ngôn cũng như tiêu chuẩn mà họ đặt ra ban đầu.
Valenti đưa ra dẫn chứng chẳng hạn như các thí sinh Hoa hậu Mỹ từng bị cấm không được bỏ thai, chụp ảnh nude vvv. Nhưng rồi người ta đã có một Tara Conner – Hoa hậu Mỹ 2006 ăn chơi thác loạn hay Rebekah Revels – Hoa hậu Bắc Carolina lộ cả loạt ảnh nude. Thậm chí có cả một nàng Hoa hậu tuổi teen Mỹ còn quay phim sex sau khi đăng quang. Nữ tác giả Jessica Valenti nhấn mạnh “cả cuộc thi không có gì ngoài tôn vinh nhan sắc, để phụ nữ cạnh tranh lẫn nhau. Tại sao thi hoa hậu lại vẫn có thể tồn tại?”
Các cuộc thi hoa hậu ngày càng xuống dốc (ảnh minh họa)
Cái lý của những người vẫn yêu thích cuộc thi hoa hậu
Vào năm 1960, phụ nữ từng xuống đường đốt áo lót để thể hiện nữ quyền.Tuy nhiên, trong thời hiện đại, một quan điểm nhận được nhiều sự ủng hộ từng được đăng tải trên Guardian, đó là “Bạn không cần nhất thiết phải đốt áo nịt ngực mới là ủng hộ nữ quyền”. Và cũng như vậy, nhiều người cũng cho rằng không phải nhờ phản đối thi hoa hậu thoái trào là đẩy mạnh nữ quyền. Lauri Knowler– cựu thí sinh Hoa hậu Anh, khẳng định trong một bài viết dài trên independent: “Tôi tin trong cuộc thi hoa hậu có cả nữ quyền”.
Từ kinh nghiệm của một người từng tham dự cuộc thi sắc đẹp lớn, Lauri đưa quan điểm: Ngay cả khi các thí sinh mặc bikini diễu qua diễu lại trước khán giả, đó không phải sự xúc phạm phụ nữ, bởi khi tràng pháo tay cất lên, phụ nữ được tôn vinh, họ cảm thấy tự tin khi vẻ đẹp hình thể của bản thân được ca ngợi. Vì thế các cuộc thi sắc đẹp xứng đáng được tồn tại, để phụ nữ hiểu rằng mình đẹp.
Lauri cũng phản bác lại các định kiến cho rằng cuộc thi hoa hậu là “cỗ máy làm tiền trên sự tự ti của phụ nữ”. Theo cô, hàng năm các tổ chức hoa hậu đã vận động được rất nhiều tiền ủng hộ cho các hoạt động từ thiện trên khắp thế giới.
Tuy nhiên nhiều bình luận đặt ra vấn đề: Sẽ nhẹ nhàng và dễ chấp nhận hơn nếu như chỉ coi cuộc thi hoa hậu là thi đánh giá về nhan sắc thay vì là cuộc thi tôn vinh những tiêu chuẩn vô hình như trí thức, học vấn, nhân cách hay phẩm giá. Chẳng hạn như sau khi cuộc thi Hoa hậu Thế giới tìm cách lấy lòng các nhà hoạt động khó tính bằng việc đổi sang khẩu hiệu “Sắc đẹp có mục đích – Beauty with Purpose” đã nhận phải nhiều lời chế giễu về chuyện khoác lên người tấm áo quá rộng.
Bên cạnh đó cũng có ý kiến chỉ ra điểm tốt của các cuộc thi hoa hậu. Nữ nhà báo Hilary Levey Friedman - người từng tốt nghiệp đại học Harvard, nhận xét thi hoa hậu cũng là cách để nhiều cô gái mở rộng cánh cửa đến tương lai thông qua những phần thưởng học bổng. (Các cuộc thi Hoa hậu phương Tây thường trao tặng phần thưởng tiền học bổng). Nhiều cô gái đã chi trả được tiền nợ học phí đắt đỏ nhờ giành giải trong các cuộc thi sắc đẹp. Do đó, nhìn theo một số phương diện, cuộc thi hoa hậu cũng có mục đích tốt chứ không hoàn toàn vô tích sự như nhiều quan điểm đặt ra.