Trong khó khăn ấy, Mường La vẫn bứt phá vươn lên tạo dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Trang Trại Việt đã có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Đức Thành - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện xung quanh vấn đề ổn định đời sống dân cư và xây dựng NTM.
Mường La là huyện đặc biệt khó khăn, nhưng đã nỗ lực trong xây dựng NTM, xin ông cho biết một số kết quả nổi bật của huyện đã đạt được?
- Như nhiều người đã biết, Mường La là một trong những huyện nghèo của cả nước, nên xuất phát điểm để xây dựng NTM không cao. Nhưng NTM là một trong những chương trình rất quan trọng với tam nông mà Mường La thì bao đời nay nông nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo. Bởi thế, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân đều tập trung xây dựng NTM với quyết tâm cao.
Đến nay, chúng tôi đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, đã tạo những nền móng rất quan trọng cho các bước tiếp theo. Huyện đã có 1 xã đạt được 12 tiêu chí và cơ bản hoàn thành 2 tiêu chí khác. Có 5 xã đạt từ 7-10 tiêu chí. Số xã còn lại tuy nằm trong diện đặc biệt khó khăn nhưng cũng đã đạt từ 5 tiêu chí trở lên và đang dốc sức phát huy kết quả để tăng trưởng nhanh và bền vững.
Người dân bản Mường Bú (xã Mường Bú, huyện Mường La) chung sức làm đường nông thôn. Ảnh: Trọng Đạt
Ông chia sẻ rằng, những kết quả đó cũng chưa thật sự như mong muốn, vậy những khó khăn lớn nhất tạo “rào cản” trong xây dựng NTM của huyện Mường La là gì, thưa ông?
- Nói đến khó khăn của một huyện nghèo thì nhiều lắm mà gắn vào những tiêu chí NTM thì lại càng nan giải hơn bởi đó là một qui chuẩn ở mức cao so với nông thôn miền núi. Đặc biệt, Mường La lại là huyện trong mấy thập kỷ vừa qua đã có tới 2 lần bị ảnh hưởng bởi những Dự án thủy điện lớn của đất nước là thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La.
Với một địa bàn thuần nông, việc di dời – tái định cư dành đất ở và sản xuất cho những lòng hồ thủy điện đồng nghĩa với việc phải rời xa những yếu tố thuận lợi nhất để ổn định đời sống và sản xuất. Việc di dời ấy cũng gây ra những khó khăn khác như: Bố trí, sắp xếp ổn định dân cư, đội ngũ cán bộ, thiết chế văn hóa, y tế, thể thao… Đặc biệt là với cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống và sản xuất bị ảnh hưởng rất lớn. Điều ấy đòi hỏi phải có một quá trình và sự đầu tư ngân sách và sức lực, trí tuệ rất lớn thì mới mang lại sự ổn định để tạo đà cho phát triển…
Những khó khăn này đã tác động đến chương trình xây dựng NTM tại địa phương như thế nào?
- Nói một cách đơn giản, khi thực hiện di dân tái định cư tức là bắt đầu một cuộc sống mới trên một vùng đất mới với những mối quan hệ mới. Mỗi người dân phải quen dần với nơi chuyển đến, quen với khí hậu, thời tiết, địa hình, nếp sống, nếp canh tác, điều kiện đáp ứng các nhu cầu sống, sinh hoạt và sản xuất cũng như học tập, bảo vệ sức khỏe…
Vì thế, trên vùng quê mới luôn có những khó khăn mà người dân chưa quen hoặc chưa đủ khả năng để điều chỉnh trong khi Nhà nước thì chưa kịp đầu tư hoặc đầu tư chưa thỏa đáng, chưa kịp nâng cấp. Ví dụ khi đang ở dưới vùng đất trũng, bà con các dân tộc quen canh tác lúa nước cùng với hệ thống hạ tầng sản xuất, điều kiện khí hậu quen thuộc. Nhưng khi thực hiện di dân lên chỗ cao hơn để dành vùng thấp cho lòng hồ thủy điện thì bà con nông dân phải làm quen với việc canh tác trên nương, đất khan hiếm nước; thậm chí thay đổi hẳn loại cây trồng như từ lúa, ngô, khoai sang cây công nghiệp như: Chè, cà phê, mía đường… quá trình thay đổi nếp sống, nếp canh tác ấy phải có một thời gian hợp lý thì mới cho hiệu quả kinh tế cao và bền vững.
Nuôi cá tầm trên hồ thủy điện Sơn La. ảnh: Trọng Đạt
Như vậy, Mường La đã có những giải pháp như thế nào để hóa giải thách thức đó?
- Đúng là thách thức rất lớn, nhưng chúng tôi cũng xác định rằng đây cũng là thời cơ, cơ hội để chúng tôi phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, bền vững hơn.
Theo ông, để biến khó khăn thành cơ hội, Mường La sẽ ưu tiên đặc biệt cho mục tiêu nào?
- Là huyện đặc biệt khó khăn, bởi thế khi xây dựng NTM thì mục tiêu nào cũng thấy cần được quan tâm, cần được ưu tiên thực hiện. Nhưng chúng tôi phải tính tới các yếu tố tạo được lợi thế tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân là ưu tiên hàng đầu. Ví dụ như với địa bàn trồng lúa nước ở các xã như: Nậm Păm, Pi Tong, Mường Bú thì công trình thủy lợi sẽ được ưu tiên triển khai trước.
Với những địa bàn vùng cao như: Ngọc Chiến, Chiềng San, Chiềng Hoa… thì yếu tố cứng hóa giao thông lại được ưu tiên. Song song với quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng là những ưu tiên trong quá trình đầu tư chuyển đổi nhận thức như đưa khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư vào để nâng cao trình độ sản xuất hàng hóa cho người dân; thu hút đầu tư để tạo nhiều bứt phá trong nông nghiệp. Khi đời sống người dân được nâng lên thì sự đồng thuận sẽ cao hơn và hiệu quả xây dựng NTM sẽ nhanh hơn. Chính sự đồng thuận ấy lại trở thành động lực lớn để xây dựng NTM.
Hiện thực hóa các mục tiêu đó, tới thời điểm này, Mường La có mô hình nào thể hiện rõ hiệu quả của sự ưu tiên đầu tư như ông vừa nói?
- Có chứ, có nhiều điển hình lắm và chúng tôi đang nhân lên để tạo thành những phong trào có ảnh hưởng rộng hơn như những mô hình nuôi cá lồng, bè ở xã Ít Ong, Nậm Păm; mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm ở Mường Bú, Mường Chùm… Đặc biệt, tại xã Ngọc Chiến, với việc thu hút đầu tư và cơ chế khuyến khích phát triển thuận lợi, chúng tôi đã xây dựng được mô hình hợp tác xã rau – hoa – quả tươi rất lớn, có sự tham gia của đông đảo người dân.
Mô hình này tuy mới hình thành nhưng đã cho kết quả rất khả quan, đạt mức thu nhập tiền tỷ/1ha đất. Từ sự thành công ấy, cán bộ và người dân Ngọc Chiến lạc và hưởng ứng tích cực hơn với NTM. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, toàn xã Ngọc Chiến đã cứng hóa được gần 30km đường giao thông nội xã, hoàn thành việc xây dựng nhiều công trình thủy lợi, nhà văn hóa, trường học, quan tâm hơn tới môi trường… Điều ấy cũng khẳng định rõ: Cốt lõi của NTM là thu nhập của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.
Xin cảm ơn ông !