Đó là ý kiến của ông Trần Văn Tiệp – Giám đốc Sở NNPTNT Hòa Bình cho biết như vậy khi trao đổi với PV Dân Việt.
Xin ông cho biết chương trình xây dựng NTM đã tác động thế nào đến sự phát triển của nông nghiệp tỉnh Hòa Bình?
Khi tỉnh Hòa Bình triển khai XDNTM thì mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Chính vì vậy đã thu hút được sự tham gia của hệ thống chính trị và người dân.
Dù là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng đến nay, 191/191 xã trong tỉnh đã hoàn thành quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất. Từ đó, giúp cho xóm, xã có định hướng và mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp rõ ràng hơn.
Bằng việc huy động các nguồn lực, tỉnh đã thực hiện nâng cấp 84 công trình thủy lợi và kiên cố hóa 395km kênh mương nội đồng. Đến nay đã có 11 xã hoàn thành tiêu chí về thủy lợi. Công trình hạ tầng thủy lợi giúp tăng 6.000ha diện tích cây hàng năm và lâu năm được tưới chủ động.
Để thúc đẩy phát triển sản xuất, tỉnh đã triển khai hơn 1.400 mô hình phát triển sản xuất, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng nông sản. Tổng sản phẩm thu được trên 1ha đất canh tác đã đạt 104 triệu đồng/ha. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng 2,5 triệu đồng/năm. Đến nay đã có 89 xã đạt tiêu chí về thu nhập, 81 xã đạt tiêu chí về giảm nghèo.
Ông Bùi Văn Tiến ở khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong, Hòa Bình) sở hữu 5ha cam, mỗi năm thu lãi khoảng 3 tỷ đồng. ảnh: Việt Tùng
Vấn đề quy hoạch vùng sản xuất đã được tỉnh Hòa Bình triển khai, theo ông hiệu quả của các vùng sản xuất đã đáp ứng được kỳ vọng của tỉnh?
Quy hoạch vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp là định hướng phát triển của tỉnh. Đến nay, tỉnh đã quy hoạch 2,5 nghìn ha chè, trong đó có 500 ha chè Shan Tuyết, 7,5 nghìn ha mía tím, mía ép nước, 5.100ha cam, 11.000ha rau. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành vùng sản xuất chè, mía, cam, rau tập trung. Trước yêu cầu phải nâng cao năng lực cạnh tranh, quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp, quy hoạch chăn nuôi tiếp tục được rà soát, điều chỉnh, bổ xung; lập mới quy hoạch phát triển cây dược liệu cho phù hợp với tái cơ cấu ngành.
Trong 2 năm thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, thu nhập trên một đơn vị đất canh tác nông nghiệp của Hòa Bình đã cao hơn mức bình quân cả nước khoảng 20% và thuộc diện đứng đầu các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc.
Song vẫn còn những yếu kém cần khắc phục như diện tích sản xuất trồng trọt đáp ứng đủ điều kiện an toàn thực phẩm còn hạn chế, sự liên kết trong sản xuất còn bất cập về lợi ích kinh tế; công tác xúc tiến thương mại chưa tốt, thị trường tiêu thụ nông sản còn hẹp; các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới và hoạt động chưa hiệu quả.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, vấn đề liên kết sản xuất theo chuỗi trong nông nghiệp đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là giải pháp quan trọng nâng cao giá trị, năng lực cạnh tranh nông sản của tỉnh. Trong đó doanh nghiệp đảm bảo đầu vào, đầu ra, quy định và quy cách chất lượng sản phẩm. Các tổ chức đại diện cho nông dân như Hợp tác xã, tổ hợp tác đóng vai trò tập hợp nông dân cùng sản xuất một sản phẩm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo lợi ích cho nông dân. Nông dân tham gia tự nguyện sản xuất theo yêu cầu của doanh nghiệp và tổ chức sản xuất của tổ chức đại diện.
Các cấp chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp đã nhận thức và chỉ đạo thực hiện nội dung này. Tuy nhiên, diện tích sản xuất theo chuỗi giá trị chưa nhiều. Đến nay, mới có một số chuỗi đi vào hoạt động như: chuỗi sản xuất gừng, dưa chuột xuất khẩu của Công ty Pacific; sản xuất cam theo cơ chế 50/50 của HTX Phúc Linh, chuỗi sản xuất rau hữu cơ tại Lương Sơn, sản xuất bí xanh, cà gai leo, chanh leo tại Yên Thủy… đã nâng cao thu nhập, ổn định sản xuất cho nông dân tham gia. Tỉnh cũng đang triển khai chuỗi sản xuất cá Sông Đà.
Việc hỗ trợ phát triển vùng chuyên canh đã tạo đà thúc đẩy xây dựng NTM của tỉnh Hòa Bình. ảnh: Tư liệu
Trước thực tế khó khăn như vậy, UBND tỉnh đã có những chính sách nào nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo chuỗi?
Ngành nông nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh Hòa Bình ban hành các chương trình, kế hoạch thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt và các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Cụ thể hóa chủ trương của tỉnh, các huyện, thành phố đã có các chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng chủ lực của địa phương như Nghị quyết về phát triển cây ăn quả có múi của huyện Tân Lạc, Lạc Thủy; hỗ trợ chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP (huyện Cao Phong); quy hoạch vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn (thành phố Hòa Bình)…
Tỉnh Hòa Bình cũng đẩy mạnh việc dồn điền đổi thửa, trong hai năm 2014 – 2015 đã chuyển đổi trên 3.000ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như rau sạch, mía… áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Để khuyến khích sản xuất theo chuỗi giá trị, ngành nông nghiệp đã tham mưu 4 chính sách phát triển sản phẩm có lợi thế: Cây có múi, rau an toàn, cá sông đà, mía. Trong đó có chính sách hỗ trợ sau đầu tư cho người sản xuất đáp ứng yêu cầu như: thuộc vùng quy hoạch, có hợp đồng hoặc cam kết tiêu thụ sản phẩm, sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Có chính sách hỗ trợ doanh nhiệp tham gia như: chính sách về đất đai, tín dụng, đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư công nghệ và tiêu thụ sản phẩm.
Hòa Bình đã ký kết chương trình hợp tác xúc tiến thương mại và liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với Sở NNPTNT Hà Nội; Tổng Công ty Sông Hồng liên kết hợp tác với Công ty TNHH MTV Cao Phong. Nhờ đó, vấn đề tiêu thụ sản phẩm đang có những chuyển biến tích cực, thị trường nông sản của tỉnh đang được mở rộng.
Hiện nay, vấn đề sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang được coi trọng. Xin ông cho biết tỉnh Hòa Bình đã có những giải pháp gì để phát triển theo hướng này?
Tỉnh Hòa Bình đã lập quy hoạch 3 vùng với 11 khu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao nhằm định hướng, thu hút đầu tư trong lĩnh vực này. Đến nay, đã có 11 công ty đăng ký. Đặc biệt, tỉnh sẽ thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực tham gia đầu tư liên kết với 4 công ty trong tỉnh gồm: Công ty TNHH MTV Thanh Hà, Sông Bôi, Cao Phong, 2/9. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều buổi làm việc với các nhà đầu tư có tiềm lực như: Tập đoàn VinGroup, Hòa Phát, Câu lạc bộ nông nghiệp công nghệ cao Hà Nội, Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước. Các doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến tiềm năng phát triển nông nghiệp của Hòa Bình. Về phía tỉnh, sẽ tạo điều kiện để thu hút đầu tư vào nông nghiệp và khuyến khích ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Trân trọng cảm ơn ông!