Dân Việt

Tỷ phú xóm núi

Trần Quang (Trang Trại Việt) 01/09/2016 19:00 GMT+7
Từ một hộ nghèo, nhờ mạnh dạn chuyển đổi sang chăn nuôi đa canh, ông Nguyễn Đình Lâm ở thôn 3/2B, xã Thành Lập, huyện Lương Sơn, Hoà Bình đã có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Trang trại của ông còn tạo việc làm cho hàng chục lao động của địa phương với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng.

Bước khởi đầu gian nan

Ông Lâm kể, năm 1990, ông lập gia đình, chả có gì ngoài mảnh vườn tạp cằn cỗi. Hai vợ chồng trồng chè, khoai, sắn và chăn nuôi quần quật nhiều năm vẫn không đủ ăn.

Năm 2000, Công ty C.P của Thái Lan về tỉnh xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi và mở rộng trang trại vệ tinh trong huyện. Công ty cử cán bộ đến tận gia đình bàn về hợp tác chăn nuôi gia công. “Lúc đó, tôi mừng vì có cơ hội làm ăn lớn để đổi đời, nhưng cũng lo vì chưa làm thuê cho công ty nước ngoài bao giờ, sợ làm không được sẽ bị phạt” – ông Lâm nhớ lại.

Sau nhiều ngày bàn bạc, vợ chồng ông đã quyết định nhận lời. “Ngay sau đó, tôi đã vay vốn về xây chuồng trại hơn 400m2 để nuôi 3.000 gà trắng” – ông Lâm kể.

Dù đã được cán bộ công ty kèm cặp, chuyển giao kỹ thuật nuôi, nhưng do chưa nắm bắt được hết lại xây dựng chuồng hở nên vào mùa đông lạnh quá, gà chết nhiều, khiến hai vợ chồng ông nhiều ngày mất ăn, mất ngủ. “Cũng may là do mới làm, theo cơ chế của công ty không bị phạt, chỉ mất tiền công chăm sóc nhiều tháng trời thôi” – ông Lâm ngậm ngùi.

img

Ông Nguyễn Đình Lâm đang cho đàn lợn ăn trong trang trại. Ảnh: Trần Quang

Năm 2006, vợ chồng ông lại xoay vốn đầu tư 300 triệu đồng để xây chuồng kín, quy mô hơn 5.000 gà/lứa. Nhưng một năm sau, dịch cúm gia cầm bùng phát tại huyện. Do chủ quan, thiếu thông tin nên không kịp chủ động phòng trừ, hơn 90% số gà trong chuồng đến tuổi xuất bán bị chết hàng loạt. Cú “sốc” này đã khiến gia đình ông điêu đứng, bị công ty phạt trên 200 triệu đồng. “Lúc đó cũng nản lắm, nghĩ mình sẽ hết cơ hội làm ăn nhưng lại được công ty cho nợ trả dần vào các năm sau nên tôi mới dám nhận gà về nuôi tiếp” – ông Lâm kể.

Bước phát triển vững chắc

Sau những thất bại, ông Lâm không nản chí, ông bỏ công nghiên cứu kỹ thuật và mời các cán bộ của Công ty C.P đến hỗ trợ và bàn giải pháp an toàn cho quá trình chăn nuôi tiếp theo. Nhờ thế mà nhiều năm sau hai vợ chồng ông chăn nuôi liên tục có lãi. Hiện, trung bình mỗi năm trang trại của ông Lâm giao sản lượng trên 100 tấn gà trắng công nghiệp cho công ty, nhận thù lao trên 300 triệu đồng.

Từ năm 2010 đến nay, ông Lâm có thêm vốn đầu tư vào chăn nuôi gần 10 bò đẻ, 200 lợn thương phẩm và nuôi cá, thu trên 16 tấn mỗi năm. Nhờ đó, hàng năm trang trại đem lại nguồn lợi nhuận khoảng trên 1 tỷ đồng. Chia sẻ về kinh nghiệm làm kinh tế, ông Lâm bảo: “Theo tôi muốn làm kinh tế giỏi, trước hết phải là một người dám nghĩ dám làm, thêm nữa là phải biết tận dụng thời cơ và có kiến thức. Dù chăn nuôi hay trồng trọt thì phải biết dựa vào địa thế để đầu tư cho phù hợp. Sở dĩ tôi chọn hướng phát triển trang trại đa canh để “lấy ngắn nuôi dài”, dù có gặp rủi ro cũng không đến nỗi trắng tay”.

Ông Lâm cũng cho biết, hiện ông còn đang giữ chức Chủ nhiệm câu lạc bộ chăn nuôi của thôn với 45 thành viên. “Các thành viên thường xuyên giao lưu chia sẻ kinh nghiệm. Đến nay, phần lớn các chủ  trang trại này đều tự tin làm ăn lớn, có thu nhập từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng/năm, nhiều hộ còn thu tiền tỷ” – ông Lâm chia sẻ.