Ông Trịnh Xuân Thanh.
Mới đây, lãnh đạo Tỉnh ủy Hậu Giang đã thông tin, ông Trịnh Xuân Thanh xin nghỉ phép để trị bệnh gần một tháng qua. Còn ông Thanh bệnh gì và trị bệnh ở đâu thì lãnh đạo Tỉnh ủy Hậu Giang chưa rõ. Cũng theo lãnh đạo Tỉnh ủy Hậu Giang khi chưa nhận được kết luận, thông báo từ Trung ương về trường hợp của ông Trịnh Xuân Thanh, nên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang chưa thể phân công, bố trí công việc cho ông Thanh được.
Dư luận vẫn liên tục đặt câu hỏi hiện ông Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu? Nhiều phóng viên đã cố gắng liên lạc với ông qua các số máy điện thoại di động ông thường dùng nhưng đều không liên lạc được. Theo một vị nguyên là cán bộ điều tra, đối với những trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự mà đang bị cơ quan chức năng xem xét, chưa có kết luận, việc người đó đi đâu, làm gì đều được giám sát chặt chẽ.
Hôm qua 30.8, là thời hạn chót để Bộ Nội vụ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thuyên chuyển, tiếp nhận, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Trao đổi với Dân Việt hôm nay, GS -TSKH Phan Xuân Sơn (Học viện Chính trị - Quốc gia Hồ Chí Minh) đánh giá, thông thường khi một cán bộ của cơ quan nào đó bị kiểm tra, cơ quan chủ quản của người đó có thể ra quyết định cho người cán bộ tạm nghỉ làm việc để phục vụ điều tra. Còn không có quyết định mà người cán bộ tự nghỉ làm sẽ là vi phạm kỷ luật lao động.
Còn theo nhìn nhận của một vị nguyên là Ủy viên TƯ Đảng khi một người đã rơi vào hoàn cảnh đang bị các cơ quan chức năng xem xét như trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, về mặt tâm lý thì ông này ở vào tình huống khó xử khi đến cơ quan làm việc mà chưa có sự phân công.
Theo vị nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư này, hiện nay ông Trịnh Xuân Thanh chưa bị xử lý gì về mặt Đảng, ông vẫn là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Hậu Giang. Nếu bình thường khi đã xác định là người cán bộ, đảng viên, ông Thanh vẫn phải đến cơ quan làm việc, trừ trường hợp bị ốm phải nghỉ để điều trị.
Tuy nhiên, theo vị nguyên Ủy viên TƯ Đảng này, về lý thuyết là như vậy, còn trên thực tế một người đã rơi vào hoàn cảnh đang bị các cơ quan chức năng xem xét như trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, về mặt tâm lý, mối quan hệ thì ông Thanh và Tỉnh ủy Hậu Giang đang ở vào tình huống khó xử.
"Khó xử thứ nhất là hiện ông Thanh vẫn là cán bộ, bây giờ Tỉnh ủy giao nhiệm vụ gì cho ông Thanh làm để phù hợp. Thứ hai, khi làm việc thì vị trí của một Tỉnh ủy viên không thể không tiếp xúc với ai cả, mà tiếp xúc thì lại tâm lý" - vị nguyên Ủy viên TƯ Đảng nói.
Cũng trao đổi với Dân Việt, nhiều phóng viên trong mảnh nội chính cho biết, vấn đề ông Trịnh Xuân Thanh – nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đang ở đâu là câu hỏi dư luận đặt ra trong nhiều ngày nay. Và nếu điều kiện cho phép, họ sẽ đặt câu hỏi với đại diện các bộ ngành liên quan và người phát ngôn của Chính phủ trong cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8, sẽ diễn ra vào 16h30 chiều nay.
Trước đó, liên quan đến sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh, ngày 11.7.2016, Ủy ban Kiểm tra TƯ Đảng đã có kết luận bước đầu. Sau kết luận này, ông Thanh đã bị Hội đồng bầu cử quốc gia bác tư cách đại biểu Quốc hội (ông Thanh được giới thiệu ứng cử và trúng cử đại biểu Quốc hội ở Hậu Giang), tiếp đến ông Thanh xin không tái cử Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Sau kết luận của Ủy ban Kiểm tra TƯ Đảng, Tổng Bí thư đã yêu cầu vụ việc cần tiếp tục được làm rõ. Trong 4 nội dung công việc được Tổng Bí thư yêu cầu làm rõ, có nội dung đáng chú lý là: Ban Thường vụ Đảng ủy Công an TƯ chỉ đạo các cơ quan chức năng của ngành công an điều tra làm rõ vi phạm để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỉ đồng (giai đoạn 2011-2013) ở Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (thời ông Trịnh Xuân Thanh làm lãnh đạo)...