Chiều 31.8, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát động cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội 2016. Cuộc thi được tổ chức nhân kỷ niệm 62 năm Giải phóng Thủ đô, nhằm mục đích tìm kiếm và bồi dưỡng những tài năng nghệ thuật và tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích, góp phần định hướng thẩm mỹ trong giới trẻ.
Các thí sinh nhận giải trong cuộc thi năm 2014.
Trước đó, những giọng ca đình đám của làng nhạc Việt đã thành danh từ cuộc thi này như Hồng Nhung (Giải nhất Giọng hát hay Hà Nội năm 1987), Mỹ Linh (Giải nhì Giọng hát hay Hà Nội năm 1993), Trọng Tấn (Giải nhất Giọng hát hay Hà Nội năm 1997), Tùng Dương (Giải nhất Giọng hát hay Hà Nội 2003,…) và năm 2014 là ca sĩ Tiến Hưng.
Điểm mới trong cuộc thi năm nay là việc BTC chấp nhận các thí sinh hát bolero – hay còn gọi là dòng nhạc “trữ tình”, “nhạc vàng”.
NSND Trần Quốc Chiêm Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết: “Năm nay Giọng hát hay Hà Nội có khá nhiều điểm mới. Ngoài dòng nhạc thính phòng, dân gian, nhạc nhẹ thì BTC cũng chào đón các thí sinh hát nhạc xưa, nhạc bolero- đây là những dòng nhạc gần gũi, thân thuộc và được rất nhiều khán giả mọi lứa tuổi yêu mến. Ngoài việc mở rộng dòng nhạc thì BTC cũng sẽ quan tâm nhiều hơn đến top 10 thí sinh lọt vào chung kết”.
Tuy nhiên,việc chấp nhận những thí sinh hát bolero cũng gây ra những lo ngại về tính chuyên môn của Giọng hát hay Hà Nội. “Bolero vẫn được coi là dòng nhạc dễ nghe, thí sinh hát dòng nhạc này không phải đòi hỏi quá cao về mặt chuyên môn thanh nhạc?”, một nhà báo đặt câu hỏi tại buổi phát động.
Hồng Nhung từng đoạt giải Giọng hát hay Hà Nội năm 1997.
Trả lời những nghi ngại này, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh – chủ tịch Hội nhạc sĩ Hà Nội cho hay, bolero xuất hiện tại Giọng hát hay Hà Nội không phải với tư cách một dòng nhạc mới mà chỉ là sự đa dạng trong màu sắc âm nhạc mà thôi. “Thính phòng, dân gian và nhạc nhẹ vẫn là sự phân chia 3 dòng nhạc tại Giọng hát hay Hà Nội”, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh cho hay.
Cũng theo nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, bolero vẫn là khái niệm gây tranh cãi trong giới chuyên môn. BTC Giọng hát hay Hà Nội cho rằng, bolero chỉ là một “tiết tấu” chứ không thể là một “dòng nhạc” giống như thính phòng hay nhạc nhẹ.
Theo Ban tổ chức, việc mở rộng tìm kiếm ấy khiến cuộc thi thu hút được nhiều người có khả năng ca hát hơn so với mọi năm, nhằm nâng cao quy mô và chất lượng của thí sinh. Tuy nhiên, đại diện Ban tổ chức cũng giải thích, điều đó không có nghĩa thí sinh hát bolero sẽ được ưu ái.
"Như năm ngoái, thí sinh đạt giải Nhì Lê Tâm có chất giọng tốt, hát rất cảm xúc nhưng thế mạnh của Lê Tâm là nhạc xưa. Chúng tôi cũng phải động viên bạn ấy dự thi vì bạn ấy nghĩ mình không phù hợp với tiêu chí của cuộc thi này. Thế nhưng, khi vào đến đêm chung kết, Lê Tâm lại chọn một ca khúc thính phòng và thể hiện khá thành công. Do đó, năm nay chúng tôi quyết định mở rộng cả đối tượng dự thi, miễn là họ có khả năng ca hát", nhà báo Ngô Bá Lục - thành viên Ban giám khảo lí giải thêm về việc chấp nhận những ca khúc bolero trong cuộc thi năm nay.
Ở cuộc thi năm nay vẫn chỉ có một giải Nhất (như cuộc thi Sao mai sẽ chia thành nhiều giải nhất cho mỗi dòng nhạc) và đó sẽ là thí sinh thể hiện tốt nhất, gây hiệu ứng tốt nhất trong cuộc thi, bất kể là dòng nhạc thính phòng, dân ca hay trữ tình.
Ban giám khảo của Giọng hát hay Hà Nội gồm: nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh (Chủ tịch Hội âm nhạc Hà Nội), nhạc sỹ Giáng Son, nhạc sỹ Nguyễn Xuân Phương (Chủ nhiệm khoa Âm nhạc – Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội), nhà báo Ngô Bá Lục, nhạc sỹ Vũ Quốc Bình (Giám đốc Âm nhạc Chương trình).
Giải thưởng của cuộc thi gồm 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 4 giải khuyến khích và 1 giải bài hát về Hà Nội hay nhất. Tổng giá trị giải thưởng cuộc thi năm nay là 150 triệu đồng
Các thí sinh đạt giải nếu có nguyện vọng sẽ được nhận vào làm việc tại các đoàn nghệ thuật thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.
Đêm chung kết Giọng hát hay Hà Nội diễn ra vào 23.10 tại cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô.