Ngày 1.9, ông Vinh cho biết, vấn đề giảng dạy phòng chống tham nhũng không khó. Bộ GD-ĐT đã có công văn chỉ đạo và hướng dẫn Sở GD-ĐT các tỉnh, đồng thời không yêu cầu bắt buộc thành tiết học hay số lượng thời gian giảng dạy.
“Cái chính là các giáo viên phải đưa nội dung vào các bài giảng một cách linh hoạt, sinh động, tinh tế. Trước khi lấy chuyện tiêu cực của xã hội để làm ví dụ, thầy cô nên hỏi học sinh về những biểu hiện tham nhũng ở chính môi trường các em sống, điều các em có thể nhận thấy và cần tránh xa” – ông Vinh nói.
Thanh niên được giáo dục về phòng chống tham nhũng từ khi ngồi ghế nhà trường.
Theo ông Vinh, bài giảng về tham nhũng không cần tích hợp xa xôi, ngay việc chạy trường chạy lớp, copy bài vở của bạn cũng chính là hành động gian dối, đạo đức trong học tập. Đó cũng chính là những biểu hiện bước đầu của việc tham nhũng. Không nên cho rằng những ví dụ về tham nhũng đưa vào trong tiết học cho học sinh là khó, là nhạy cảm.
Ông Vinh cho rằng, việc làm này chỉ khó khi bản thân giáo viên không đủ bản lĩnh vượt qua cám dỗ của tiêu cực trong thi cử và tự thấy tâm mình không sáng. Bản chất của nghề sư phạm đã là dạy các em làm người tử tế. Vì vậy, chưa cần đến nội dung học phòng chống tham nhũng thì ngay chính trong cách giáo dục từ ngàn xưa đã hướng các học trò tránh xa tham nhũng, tiêu cực.
“Từ nay cho tới hết năm học 2016, Bộ GD-ĐT sẽ cung cấp đủ cho giáo viên các tài liệu tham khảo cần thiết để giảng dạy về phòng chống tham nhũng. Cung cấp nhiều hình ảnh chính thống về thực trạng tham nhũng, kết quả công tác phòng chống tham nhũng để thầy cô giáo và học sinh cùng học” – ông Vinh khẳng định.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi công văn yêu cầu các trường THPT cả nước tiếp tục lồng ghép, tích hợp nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy cho các em học sinh vào các môn học như Giáo dục công dân, Đạo đức và Lịch sử, bắt đầu từ năm học 2016-2017.
Cô Nguyễn Thu Hoài – Giáo viên giảng môn Giáo dục công dân của Trường Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho rằng, thường các giáo viên có kinh nghiệm sẽ biết được đâu là bài học hay là những vấn đề nhạy cảm đang diễn ra để truyền tải tới các em học sinh những bài học bổ ích nhất.
Cô Hoài cũng cho biết, trong quá trình giảng dạy tích hợp với các bộ môn xã hội khác, có rất nhiều câu hỏi khá nhạy cảm của các em học sinh hỏi về vấn đề phòng, chống tham nhũng hay những thông tin về các vụ án tham nhũng đang được dư luận quan tâm.
“Tôi thường có những phân tích về các vấn đề, cung cấp thông tin liên quan về các vụ án để trả lời những câu hỏi cho học sinh. Những vụ việc tham nhũng được báo chí, cơ quan công an công khai thì đó là những bài học lớn để những người như chúng ta lấy đó làm bài học cho chính mình. Học sinh sẽ tự thảo luận, phản biện và đánh giá về các vụ án đó”- cô Hoài trao đổi.