“Ăn không nói có”
Trong bản giải trình về việc đối chiếu công nợ của Ngân hàng Xây Dựng (VNCB), bà Hứa Thị Phấn (còn gọi Sáu Phấn, người sở hữu gần 84,92% cổ phần trong nhóm cổ đông Phú Mỹ và là chủ cũ của Trust Bank - tiền thân của VNCB) cho rằng, liên quan đến 9.444 tỷ đồng mà nhóm Phương Trang còn nợ Trust Bank thì nhóm này có sử dụng hơn 4.900 tỷ đồng trả nợ cho nhóm Phú Mỹ. Theo bà Phấn, các giao dịch vay mượn, hoàn trả và thanh toán giữa hai nhóm Phương Trang và Phú Mỹ là việc riêng của 2 nhóm, không liên quan đến VNCB.
Phiên tòa đang chuyển sang giai đoạn nghị án
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Luận, Chủ tịch HĐQT (đại diện Phương Trang) lại khẳng định họ không có bất cứ mối quan hệ vay mượn hay hợp tác làm ăn nào với cá nhân bà Hứa Thị Phấn và nhóm Phú Mỹ như bà Phấn đã trình bày với cơ quan điều tra.
Lý giải điều này, ông Luận cũng cho biết, bà Hứa Thị Phấn và ông Hoàng Văn Toàn (“chân rết" đắc lực của bà Phấn) đều đã thừa nhận với cơ quan điều tra là Phạm Đăng Quan và Nguyễn Hữu Luận (đều là người của Công ty Phương Trang) đến Trust Bank chỉ để vay tiền và xác lập quan hệ tín dụng. Hơn thế nữa, những đại diện này bắt đầu thiết lập quan hệ và vay mượn của Trust Bank từ khoảng tháng 5 - 6.2010. Thế nhưng đến tháng 2/2011, ông Luận mới lần đầu đến Trust Bank để chào hỏi, biết mặt bà Hứa Thị Phấn và ông Hoàng Văn Toàn.
Ngoài ra, về khoản tiền hơn 4.900 tỷ đồng nêu trên, ông Luận khẳng định, để che đậy cho hành vi của mình, Sáu Phấn cùng với các “chân rết” đắc lực đã chiếm hữu số tiền này rồi vu khống cho nhóm Phương Trang. Theo đó, Hứa Thị Phấn cùng với Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam, Ngô Kim Huệ và một số cán bộ chủ chốt của Trust Bank đã dùng các thủ thuật nghiệp vụ kế toán để ngụy tạo hồ sơ và ghi thêm thành dư nợ khống số tiền lên thêm hàng ngàn tỷ đồng cho Công ty Phương Trang.
Bị cáo Phạm Công Danh và các đồng phạm tại toà
Sự vu khống ấy còn được thể hiện rõ hơn khi Sáu Phấn không đưa ra được bằng chứng chứng minh nhóm Phương Trang đã vay số tiền đó. Chưa kể trong các khoảng thời gian 2010 - 2011 đó thì Trust Bank rất khó khăn về thanh khoản, không có tiền mặt thì tiền đâu cho nhóm Phương Trang vay rồi ghi nợ số lượng lớn như vậy?!
Theo kết quả điều tra, trong tổng số dư nợ tín dụng 9.434 tỷ đồng mà VNCB nói là của Công ty Phương Trang thì Hứa Thị Phấn thừa nhận đã chiếm đoạt và sử dụng trái phép số tiền hơn 4.900 tỷ đồng (chưa kể còn khoảng hơn 1.100 tỷ đồng đang được cơ quan công an điều tra để làm rõ). Như vậy, việc “rút ruột” làm Trust Bank “kiệt quệ” rồi lại “đổ tội” cho nhóm Phương Trang không chỉ làm ảnh hưởng tới uy tín của công ty này mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng cho Trust Bank dẫn đến sự đổ vỡ, mất thanh khoản của VNCB sau này.
Chính vì lẽ đó, đại diện nhóm Phương Trang đã đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an làm rõ các hành vi cấu kết, lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 5.000 tỷ đồng của bà Phấn, ông Toàn, ông Nam và các nhân viên của Trust Bank có liên quan.
Tạo dựng hàng loạt chứng cứ giả
Không chỉ bức xúc vì bị vu khống, Công ty Cổ phần Phương Trang còn đưa ra nhiều dẫn chứng chứng minh hành vi tạo dựng chứng cứ giả của Sáu Phấn. Điển hình như, Trust Bank đã ghi nợ 35 tỷ đồng theo khế ước nhận nợ của Công ty Phương Trang để thi công móng dự án 289 Trần Hưng Đạo, Q.1, TPHCM cho Công ty Bauer Việt Nam. Nhóm Phương Trang cho rằng, mặc dù khế ước nhận nợ rõ ràng như vậy nhưng bà Hứa Thị Phấn vẫn ép buộc nhân viên của họ ghi thêm giấy biên nhận 35 tỷ đồng cho chính khoản nợ nói trên.
Đại diện nhóm Phương Trang cũng cho biết, trình bày với cơ quan chức năng, bà Phấn nói là cho họ mượn 2 ha đất ở Q.2 làm tài sản thế chấp cho khoản vay 200 tỷ đồng của ông Trần Đăng Quang (nhân viên của Công ty Phương Trang, không phải Phạm Đăng Quan). Tuy nhiên, trên thực tế, nhóm Phương Trang không hề mượn tài sản như bà Phấn trình bày. Thay vào đó, bà Phấn chỉ đạo Trust Bank tự đưa tài sản đó vào để thế chấp cho khoản vay 200 tỷ đồng đứng tên Trần Đăng Quang. Ngay sau khi tạo dựng hồ sơ giả, Sáu Phấn cùng với “chân rết” câu kết với Trust Bank rút 200 tỷ đồng này ra sử dụng và ghi nợ khống cho ông Trần Đăng Quang.
Hứa Thị Phấn, người bán Trust Bank cho Phạm Công Danh
Không chỉ vậy, theo nhóm Phương Trang, Hứa Thị Phấn đã trình bày với cơ quan điều tra là nhóm này đã cho bà Phấn và nhóm Phú Mỹ vay 200 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhóm này khẳng định không có điều đó xảy ra. Bởi lẽ, vào tháng 11.2011 khi mà nhóm này đang rất khó khăn nên mới chỉ đạo bà Võ Thị Thu Hồng - một thành viên của nhóm Phương Trang làm hồ sơ vay tiếp của Trust Bank. Thế nhưng, số tiền vay này không được giải ngân cho bà Hồng mà lại bị chính Hứa Thị Phấn và “chân rết” lại một lần nữa chiếm đoạt - không giao đồng nào trong số tiền vay.
Ngoài ra, nhóm Phương Trang cũng quả quyết, họ không cho bà Phấn mượn tiền từ 3 khoản vay của các công ty: Ngôi Sao Tương Lai, Đại Việt Thị và An Hòa để tăng vốn điều lệ của Trust Bank như Sáu Phấn đã trình bày. Thực tế đây là khoản vay mà 3 công ty nói trên vay của Trust Bank để sản xuất kinh doanh. Đáng nói nhất là số tiền đó không được giải ngân cho người vay mà lại bị nhóm bà Phấn chiếm hữu sử dụng trái phép và ghi nợ khống cho các công ty nói trên.
Theo nhóm Phương Trang, Hứa Thị Phấn cùng với các thành viên chủ chốt của ban lãnh đạo cũ Trust Bank đã câu kết khéo léo sử dụng nghiệp vụ kế toán của mình để chiếm hữu tiền vay của khách vay và ghi nợ khống cho người vay dù họ không nhận được tiền giải ngân. Việc làm này không chỉ gây tổn hại cho các cá nhân, tổ chức vay tiền tại Trust Bank mà còn khiến ngân hàng này ngày càng “teo tóp”, suy yếu hơn. Đây cũng chính là “mầm mống” gây nên những chuỗi sai phạm “không có đường lui” sau này của Phạm Công Danh khi tiếp quản Trust Bank.
Chiều 25.8, trong phần tranh luận lại với luật sư của bà Hứa Thị Phấn, VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa vẫn giữ nguyên quan điểm và kiến nghị HĐXX cần phải khởi tố Vụ án tại tòa để điều tra làm rõ và cho rằng đây là kiến nghị khởi tố Vụ án chứ không phải kiến nghị khởi tố bị can, sau khi HĐXX khởi tố vụ án cần chuyển về VKS và Cơ quan CSĐT điều tra làm rõ. Luật sư bảo vệ bà Phấn cho rằng, những vấn đề VKS đưa ra thuộc tranh chấp giữa Nhóm Phú Mỹ và Nhóm Phương Trang, những tranh chấp này đã được ghi nhận tại trang 87 Bản Cáo trạng số 20/CT-VKSTC-V3 ngày 9/5/2016 của VKSTC. Bộ Công An đã xử lý khi phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đối với việc tranh chấp, tố cáo giữa các nhóm (Phú Mỹ, Phương Trang và Thiên Thanh). Trên cơ sở kết quả điều tra sẽ xem xét và quyết định xử lý sau. Luật sư của bà Phấn đề nghị HĐXX xem xét không chấp kiến nghị Khởi tố vụ án của đại diện VKS giữ quyền công tố. |