Cuộc sống của anh thay đổi như thế nào kể từ khi rời Huế, chuyển vào TP. HCM làm Phó Giám đốc kênh VTV9?
- Thực ra, cái thú vị nhất đối với tôi khi thay đổi công việc đó là cảm giác. Tôi ví thế này, công việc của tôi trước đây ở Đài THVN cũng giống như tôi chỉ được ở duy nhất nhà mình, bây giờ tôi có thể ở nhà kế bên, nhà đối diện, nhà đầu ngõ… Cảm giác như cả khu phố là nhà mình.
Con trai nhà báo Lại Văn Sâm lần đầu lên tiếng chuyện kỷ luật mà vẫn được thăng chức. Ảnh: TL.
Tôi may mắn có cơ hội làm ở Hà Nội, rồi vào Huế, sau lại là TP.HCM… cảm giác được làm trên cả một hệ thống của VTV là rất thú vị. Việc quen với môi trường làm việc mới đúng là khó, ở đâu cũng có những cái khó riêng. Tuy nhiên, bản thân tôi thì thấy thú vị vì có những lúc mình tập trung vào công tác đạo diễn quá nhiều, có lúc mình làm công tác quản lí… nó giúp tôi học hỏi và cân bằng được nhiều thứ. Với cương vị quản lí, tôi nhận ra là, không hẳn mình cứ trực tiếp làm chương trình mà đặt được ai đó phù hợp vào làm chương trình, chương trình đấy hiệu quả thì cũng là sự thành công trong công việc.
Nói chung là có rất nhiều thứ mà cá nhân tôi đang phải học vì khi vào những nơi mới sẽ có nhiều thứ khác biệt. Khác biệt về văn hoá vùng miền rồi về cách triển khai công việc và loại hình công việc nữa. Tôi đã từng chia sẻ với chính các sếp của mình là bây giờ ngoài công việc ra thì còn phải đi học nữa, học từ cách quản lí, học với các đối tác trong và ngoài… Tất cả những cái đó rất mới mẻ nhưng lại rất hứng thú. Điều phải suy nghĩ lớn nhất là xa gia đình thôi. Cái này thì khi mình chấp nhận thử thách thì phải chịu thiệt thòi.
Sao anh không chuyển gia đình vào trong TP.HCM để yên bề gia thất?
- Cái đó là chuyện của tương lai, tôi chưa thể nói được. Tôi xin chia sẻ một chút, mong khán giả đừng nghĩ quảng cáo cho hãng máy bay nhưng thực ra bây giờ là khách hàng “xịn” của Vietnam Airlines vì bay suốt ngày. Đúng là rất tốn kém nhưng vẫn phải chấp nhận vì muốn thay đổi thì phải thiệt thòi thôi. VTV có chữ “chuyển động” là rất chính xác vì bản thân VTV và các cá nhân trong đài đều có sự luân chuyển rất linh hoạt.
Vợ anh có hối thúc anh chuyện chuyển gia đình vào phương Nam?
- “Đồng chí” vợ rất hiểu vấn đề và ủng hộ tôi. Gia đình không ủng hộ thì tôi không thể có sự thay đổi đó được.
Khi anh được luân chuyển vào làm PGĐ VTV9, có ý kiến cho rằng anh được luân chuyển tạm thời rồi lại quay trở lại Đài THVN làm chức vụ to hơn. Anh nghĩ sao về điều này?
- Thông tin đấy, trừ khi do chính TGĐ Đài THVH nói ra thì khán giả hẵng tin đó là thật còn người nào đó nói thì cần phải xem lại. Chúng ta vẫn hiểu, bất cứ ai cũng có quyền đưa ra nhận định nhưng nhận định đó chính xác đến đâu thì chúng ta phải tôn trọng sự thật. Đừng nhìn hiện tượng nào đó rồi đánh giá vội vàng.
Khi đối diện với những thông tin đấy anh có bị dao động chút nào không?
- Không, cá nhân tôi va vấp từ khi còn bé nên đối với những chuyện đó tôi không ảnh hưởng lắm. Có một câu chuyện rằng, khi tôi vào trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền, có một thầy (cho đến giờ tôi vẫn quý thầy ấy) khi mới lần đầu tiên bước vào lớp thầy đã hỏi trước lớp: “Anh Lại Bắc Hải Đăng là anh nào? Tôi muốn nhìn xem con trai Lại Văn Sâm ra sao?”.
Kể ra để muốn nói rằng, thực lòng là tôi đã quá quen với những luồng thông tin từ bên ngoài. Người ta muốn đặt để thông tin gì về mình đó là quyền của mọi người, còn mình không thể sống vì những thông tin ấy được. Cũng phải nói lại, tôi đã quen với những chuyện như thế từ lâu rồi nên nó cũng không ảnh hưởng lắm. Đó cũng là lí do mà thường tôi sẽ xin phép không chia sẻ những câu chuyện ngoài công việc.
Thường khi gặp các sự cố về nghề nghiệp thì công việc của người ta sẽ chững lại. Như năm ngoái, sự cố trong “Điều ước thứ 7” do anh "cầm trịch" thì lại được thăng chức PGĐ kênh VTV9. Liệu việc này có phải vì bố anh là người của nhà Đài?
- Liên quan đến việc này chắc cũng chỉ có lãnh đạo Đài THVN mới có câu trả lời chính xác nhất. Cá nhân tôi nghĩ rằng, mỗi thời điểm tôi ao ước được thực hiện một chương trình. Ví dụ, từ Úc về tôi muốn làm một chương trình thực sự mang tính chất trẻ con. Tôi muốn tạo ra một chương trình cho trẻ em mà không phải tài năng, không phải thi thố nhưng các cháu có cơ hội lên truyền hình, thể hiện cảm xúc đó chính là Đồ Rê Mí.
Sau đấy, tôi thấy hàng ngày chúng ta có hàng nghìn, hàng triệu câu chuyện… trên mặt báo cho thấy những mặt rất đen tối của xã hội nên tự dưng tôi lại muốn xây dựng một chương trình kể những câu chuyện thật đẹp. Đôi khi người ta còn không tin đó là chuyện có thật, người ta nghĩ đó là dàn dựng rồi thế này thế kia vì nó quá hiếm trong xã hội. Đấy là giai đoạn cá nhân tôi muốn góp mình trong một chương trình như thế nên bàn bạc với ê-kíp dàn dựng “Điều ước thứ 7”.
Đến thời điểm này tôi cũng đã bắt tay viết format cho một chương trình rồi. Dù quyền quyết định cuối cùng không nằm trong tay mình nhưng biết đâu có thể thực hiện được một serie mà tôi muốn đặt tên là “Khủng hoảng”. Tôi quan niệm, con người ta gặp khủng hoảng từ bé. Một em bé khi ăn cơm đánh rơi hạt cơm xuống đất cũng bị bố mẹ mắng, rồi chẳng may cầm phích nước vỡ cũng bị người lớn mắng, đi học chẳng may bị điểm kém cũng bị phụ huynh mắng… có rất nhiều khủng hoảng trong đời sống của một con người.
Bản thân tôi, nếu có ai đó hỏi tôi là muốn gây sốc hay sao mà làm chương trình “Khủng hoảng”, tôi sẽ trả lời là cá nhân tôi gặp khủng hoàng từ bé. Lúc bé, tôi rất hay bị bạn bè đánh mỗi khi đến trường chỉ vì da tôi trắng như người lai. Vì tôi được sinh ra ở Nga nên khi về da trắng hơn các bạn một chút thế là bị các bạn ghét, bảo thằng này là thằng người lai, không phải người Việt Nam. Mỗi lần như thế mình cương lên lại bị các bạn đánh...
Tuy nhiên, bây giờ nghĩ lại tôi không trách các bạn vì hồi đó trẻ con tránh sao được những suy nghĩ đó.
Sự cố ở “Điều ước thứ 7” cũng là một khủng hoảng thôi. Những vấn đề của “Điều ước thứ 7” chúng tôi đã chai sẻ hết rồi. Có nhiều người cứ nghĩ rằng, sự việc đó là một điều rất ghê gớm, quá khủng khiếp… Chúng tôi cũng chỉ muốn nhấn mạnh lại là đó là sự khủng hoảng và chúng tôi đã bằng cách này cách khác để giải quyết khủng hoảng đó để lấy lại niềm tin. Đó là lí do “Điều ước thứ 7” vẫn tồn tại và khán giả vẫn ủng hộ. Còn “Điều ước thứ 7” không phải là chuyện cá nhân của tôi. Đôi khi mọi người đánh giá chương trình này lại đánh giá cá nhân tôi. Tạo nên chương này là công sức của anh chị em trong ê-kíp chứ không riêng gì cá nhân tôi.
Nói vậy cũng có nghĩa là anh phải cám ơn sự cố của "Điều ước thứ 7” vì nhờ như thế mà anh có ý tưởng để viết kịch bản cho “Khủng hoảng”?
- Thực ra, nó cũng chỉ là một phần, cũng phải cám ơn những trận nước bọt vui vui thời nhỏ nữa, không chỉ đưa ra chỉ một khía cạnh trong đời sống (cười).
Vậy kể từ khi anh là người đàn ông của gia đình, anh có gặp khủng hoảng gì ghê gớm không?
- Chắc chắn là có rồi, tránh sao được. Người ta bảo cái khổ và cái sướng luôn đi kèm với nhau. Nếu không chịu được khổ sẽ không có cái sướng. Nên đừng phân vân những chuyện đó. Tôi nghĩ rằng, khi đã quyết định lựa chọn một việc gì đó rồi thì đừng nên lăn tăn về quyết định đấy.
Ở VTV nói chung, mọi người thường có tư tưởng giấu kín chuyện gia đình của mình như thể nói ra sẽ bị sơ sẩy hoặc gặp phải chuyện nào đó?
- Đấy là sự tôn trọng chính những người trong gia đình của mình. Chuyện tôi bị đánh đó là chuyện cá nhân, tôi có thể kể, tôi kể bởi có thể chịu trách nhiệm được cái đó. Còn những câu chuyện khác nó còn liên quan đến con cái, vợ, bố mẹ hai bên… Nếu đứng về luật Nhân quyền là mình phải tôn trọng luật đấy. Đó là quyền riêng tư của họ, mình không được phép nói.
Thực ra, khán giả nên yêu quý một tác phẩm chứ đừng đánh giá người tạo ra tác phẩm đó quá nhiều. Tôi nói đơn cử như một bài hát hay thì trước hết phải đánh giá đó là bài hát đó hay đã. Sơn Tùng có bài hát gây bùng nổ và có một lượng fan đông đảo như hôm nay thì trước hết hãy công nhận anh ấy đã. Còn anh ấy chẳng may, có việc A, việc B thì chỉ nên xét trên sự việc đấy thôi chứ đừng quy kết vào tội khác.
Tôi luôn nghĩ, câu chuyện của mình thì mình có thể chia sẻ, nếu mình thích. Còn câu chuyện của cá nhân mình mà gắn với những cá nhân khác thì không nên chia sẻ.
Cám ơn anh đã chia sẻ thông tin.