Dân Việt

Đất rừng

06/05/2013 19:08 GMT+7
(Dân Việt) - Đất còn một phần nữa, rộng lớn hơn, đó là đất rừng núi. Còn nhớ các cụ ta xưa thường bảo “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”. Nghĩa là ba phần núi, bốn phần biển và chỉ có một phần ruộng!

Đất thiên nhiên rừng núi thong thả sống tự nhiên, cây cỏ tự nhiên và sự hỗ trợ lượng phân mùn hữu cơ gọi là phù sa cho đồng bằng rất lớn.

Nếu như đồng ruộng khai thác chỉ trên mặt đất thì rừng núi có đến ba tầng giá trị. Dưới đất, tầng giữa và trên cao. Đất cho củ, tầng giữa cho cây quả dược liệu, nuôi sống chữa bệnh cho con người, và tầng trên cùng là tán lá cho bóng rợp phủ mát cho mặt đất.

Cũng chính là giữ nước. Rừng là nơi điều tiết khí hậu thì ai cũng biết. Giá trị rừng và đất rừng lớn lao vô cùng. 1ha đất rừng ngang bằng 1ha đất đồng bằng, dù không phải là làm ra lúa gạo mà riêng việc điều tiết khí hậu thì rừng núi lại là giá trị gốc. Giá trị rất căn bản. Hàng trăm lần đi núi trong vài chục năm, một câu hỏi luôn hiện trong đầu tôi: Giá trị 1ha đất rừng và hécta đất ruộng cái nào lớn hơn?

Đất rừng ngoài việc cho ngô khoai sắn đậu đỗ (cả cây lương thực và cây màu), nó còn cho cây ăn quả và cây dược liệu giá trị cao. Nếu đánh giá đúng giá trị, đầu tư đúng giá trị thì 1ha đất rừng chẳng kém gì hécta đất ruộng, nếu không nói là giá trị có thể còn hơn. Nhưng chúng ta chưa từng có những kế hoạch có chiều sâu tầm cao cho đất rừng. Chúng ta không đầu tư khai thác đúng nghĩa mà bao năm nay lại tàn sát rừng để kiếm những mối lợi nhỏ. Và cái hại nhãn tiền là các biến đổi tiểu khí hậu đã xảy ra ảnh hưởng rất lớn đến toàn cục.

Chung quy lại vẫn là vấn đề thái độ ứng xử với đất của ta là tàn tệ. Chúng ta khai thác thô sơ, đầu tư thô sơ và những nhà hoạch định vĩ mô không có tầm chiến lược, mà vẫn nhìn rừng với con mắt thô sơ nên rừng sâu núi thẳm chỉ đóng góp được những giá trị nguyên thủy. Còn nơi có người qua lại thì rừng bị cướp bóc.

Thực trạng là như vậy.