Ủy viên Bộ Chính trị - Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị trực tuyến 63 tỉnh, thành triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, tổ chức sáng 8.1.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, chủ trì hội nghị. TTXVN |
“Công việc hệ trọng, thực chất”
Khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nêu rõ: Lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là công việc hệ trọng của quốc gia, cần sự tham gia rộng khắp, thực chất của nhân dân. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Ý kiến của nhân dân phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác; phải được trân trọng lắng nghe, nghiên cứu tiếp thu nghiêm túc để góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992”.
Theo ông Phan Trung Lý - Ủy viên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Trưởng ban Biên tập, kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định chậm nhất đến ngày 15.3.2013, Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan thuộc Quốc hội phải được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).
Cùng ngày, Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư phải được gửi đến Chính phủ; Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp của các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam phải được gửi đến Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam để tổng hợp. Tiếp đó, chậm nhất đến ngày 31.3.2013: UBTVQH, Chính phủ, TANDTC, Viện KSNDTC, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận gửi Báo cáo tổng hợp ý kiến đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Cuối cùng, chậm nhất đến ngày 20.4.2013, Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình dự thảo Báo cáo kết quả lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và dự kiến những vấn đề cần giải trình, tiếp thu ý kiến của nhân dân để chỉnh lý các nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp; trình Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp xem xét, quyết định.
Kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh
Đóng góp ý kiến với Hội nghị, bà Lê Hồng Thu – Ủy viên thường trực HĐND tỉnh Bạc Liêu đề xuất: Ý kiến góp ý của các thành viên thuộc khối MTTQ và các cơ quan tư pháp theo quy định phải gửi về Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và Ủy ban T.Ư MTTQ theo ngành dọc. Đề nghị cũng phải gửi đóng góp cho cả địa phương để địa phương dễ nắm bắt và báo cáo.
Còn bà Trương Thị Anh - Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM góp ý: Để đảm bảo tổng hợp được đầy đủ ý kiến đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân, đề nghị chia làm 2 đợt để tổng hợp báo cáo và giá trị tổng hợp của 2 đợt là như nhau. Đợt 1 là vào ngày 15.3 và đợt 2 là ngày 5.4. Với đề xuất này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tán thành, nhưng điều chỉnh lại thời gian của đợt 2 là vào ngày 31.3. Ủy viên thường trực HĐND tỉnh Hải Dương Nguyễn Thành Công cho rằng cần phải mở rộng thêm phạm vi của các cấp chính quyền trong việc triển khai lấy ý kiến nhân dân tới cấp xã, huyện, bởi trong kế hoạch chỉ thấy nói triển khai tới cấp tỉnh, thành phố. Về ý kiến này, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cũng nhất trí và cho biết sẽ quy định cụ thể hơn trong kế hoạch.
Bế mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị - Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh yêu cầu: “Trong quá trình tổ chức lấy ý kiến, phải bảo đảm công tác quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đơn vị, kịp thời đấu tranh phòng, chống, ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ trong việc lấy ý kiến nhân dân để chống phá, tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Hải Phong