Ông Đào Trọng Tứ cho biết, ông chưa nhận được thông tin về việc đập Cảnh Hồng (Trung Quốc) sẽ có một đợt xả nước lớn trong vài ngày tới, tuy nhiên vào thời điểm này các đập thủy điện Trung Quốc vẫn đang xả nước vì đây là mùa mưa lũ.
Ông Tứ phân tích, hàng năm lượng nước sông Mekong có khoảng 475 tỷ m3 đi qua các quốc gia và đổ ra biển. Trong tổng lượng nước đó, theo tính toán của các nhà khoa học, Trung Quốc chiếm 16%, Mianmar 2%, Lào 35%, Thái Lan 18%, Campuchia 18%, Việt Nam 11%. Đây có thể coi là lượng nước sản sinh cấp quốc gia đóng góp cho sông Mekong. Có tới 75-80% lượng nước sinh ra từ mùa lũ từ tháng 6 đến tháng 12 hàng năm. Nước lũ sông Mekong chảy qua các nước thượng nguồn, một phần vào biển hồ Campuchia, một phần vào ĐBSCL sau đó đổ ra biển.
Ông Đào Trọng Tứ, nguyên Tổng thư ký Ủy ban sông Mekong Việt Nam cho biết nếu đập Cảnh Hồng của Trung Quốc xả nước thì cũng không có tác động lớn tới ĐBSCL.
Hiện nay Trung Quốc làm 5 hồ thủy điện tích trữ khoảng 50 tỷ m3, nhưng so với tổng số lưu lượng nước sông Mekong thì chỉ chiếm 1 phần. Do vậy việc Trung Quốc xả nước ở các đập thủy điện không có tác động lớn đến nước ở ĐBSCL.
Còn đối với đập Cảnh Hồng, ông Tứ đánh giá, đây là đập không lớn của Trung Quốc, nếu con đập này xả hơn 1.000m3/giây thì chỉ trong vài tiếng là đập này hết nước. Vì vậy cho dù đập này xả nước khối lượng lớn thì sự tác động của nó tới các khu vực của Việt Nam là không nhiều.
Cũng trong chiều nay (4.9), trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Trần Quang Hoài – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT) cho biết: “Chúng tôi chưa nhận được thông tin gì về việc Trung Quốc sẽ có đợt xả nước lớn từ đập Cảnh Hồng trong một vài ngày tới.
Trước đó, vào ngày 3.9, một số tờ báo mạng đưa tin cảnh báo về một đợt xả nước lớn của Trung Quốc từ đập Cảnh Hồng. Cụ thể các báo dẫn lại lời của bà Pakaimas Vierra, Phó Chủ tịch Phòng thương mại Chiang Rai, Thái Lan ngày 25.8 cho biết, trung tâm điều khiển mực nước sông Mekong đã thông báo rằng đập Cảnh Hồng tại phía nam tỉnh Vân Nam đã xả một khối lượng nước lớn từ ngày 19.8.
Nếu một khối lượng nước lớn như vậy đã được xả từ đập Cảnh Hồng, nước sông Mekong sẽ có thể làm ngập các cộng đồng ven sông ở huyện Chiang Saen, tỉnh Chiang Rai và các tỉnh đông bắc khác như Nakhon Phanom và Nong Khai của Thái Lan trong vài ngày tới, bà Pakaimas Vierra cho biết.
Kết quả sau vụ xả nước cho thấy, mực nước sông Mekong lên đến 5,56 mét tại huyện Chiang Saen và 5,75 mét ở Ban Seaw ngày 25.8. Trong khi đó, lượng nước trung bình trong năm chỉ ở mức 3 mét. Một phần của lượng nước ngày càng tăng do những cơn mưa lớn ở khu vực phía bắc.
Bà Pakaimas, đồng thời là giám đốc công ty du lịch Mekong Delta Travel Agency, cho biết, thông thường trong một ngày, khoảng tối đa 1.200 mét khối nước/giây được xả từ đập Cảnh Hồng. Tuy nhiên, theo báo cáo từ trung tâm, kể từ ngày 19.8, lượng nước xả lên đến 1.400 - 2.800 mét khối/giây.
Theo như trung tâm, khoảng 1.873 mét khối nước được xả ra mỗi giây trong ngày 25.8, 2.831 mét khối nước vào ngày 24.8; 2.432 m3 vào ngày 23.8 và 2.008 m3 vào ngày 22.8.
Bà Pakaimas cũng cho biết, trung tâm cũng đã cảnh báo tất cả các tàu đánh cá phải hết thận trọng trong khi hoạt động. "Trước đây, trung tâm chưa bao giờ phải cảnh báo tàu cá" - bà Pakaimas nói.
Trong khi đó, cơ quan hàng hải ở Chiang Rai cũng đã cảnh báo những tàu đánh bắt phải cẩn trọng tối đa do lượng mưa lớn có thể dẫn đến mực nước tăng một cách đáng kể trên sông Mekong. Các con tàu cũng buộc phải giảm tốc độ để tránh trường hợp tai nạn.
Thực tế như báo Dân Việt đưa tin trước đó, hiện nay khu vực ĐBSCL nước lũ chưa về, mực nước đang ở mức rất thấp khiến nông dân lo sợ không đủ nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Vì vậy nếu quả thực phía Trung Quốc xả nước vào thời điểm này thì nông dân khu vực ĐBSCL sẽ có thêm lượng nước phục vụ cho công tác sản xuất nông nghiệp.