Hình ảnh đối lập thang xuống máy bay của ông Obama và Thủ tướng Anh Theresa May (Ảnh: CNN)
Lãnh đạo Trung Quốc được cho là cố tình “hắt hủi” Tổng thống Mỹ Barack Obama sau khi người đứng đầu Nhà Trắng tới thành phố Hàng Châu dự hội nghị G20. Ông Obama đã phải xuống chuyên cơ bằng thang sắt khiêm tốn chứ không được sử dụng xe thang trải thảm đỏ trang trọng như những nguyên thủ khác.
Các nguyên thủ quốc tế được rước bằng thảm đỏ gồm thủ tướng Ấn Độ, tổng thống Nga, tổng thống Hàn Quốc, tổng thống Brazil và thủ tướng Anh. Duy chỉ có Obama, lãnh đạo quyền lực nhất toàn cầu lại không được hưởng vinh dự này.
Thậm chí, phái đoàn Trung Quốc và Mỹ còn tranh cãi nảy lửa ít phút trước khi ông Obama đặt chân xuống đất. Một quan chức Trung Quốc hét lớn bằng tiếng Anh: “Đây là đất nước của chúng tôi! Đây là sân bay của chúng tôi”.
Ông Obama phải dùng thang sắt ở đuôi chiếc Không lực Một.
Jorge Guajardo, cựu đại sứ Mexico ở Trung Quốc tin rằng hành động của Trung Quốc là một kế hoạch được tính toán cẩn thận: “Những việc này không xảy ra ngẫu nhiên, nhất là với người Trung Quốc”.
Ông Jorge nói: “Tôi làm việc cùng người Trung Quốc 6 năm. Tôi đã thực hiện những chuyến thăm kiểu này. Tôi còn đưa ông Tập tới Mexico. Tôi đưa 2 tổng thống Mexico tới Trung Quốc. Tôi biết mọi chuyện là thế nào. Tôi biết tường tận mọi chi tiết. Đây không phải là một sai sót. Không hề”.
Cựu đại xứ Mexico tiếp tục: “Đây là một sự hắt hủi rõ ràng. Chẳng khác gì nói “Ông biết đấy, ông chẳng là gì ở đất nước chúng tôi cả”. Đó là một sự khinh mạn kiểu Trung Quốc. Đây là một phần của kế hoạch khuấy động chủ nghĩa dân tộc trong nước. Đây là cách để nói rằng “Trung Quốc là siêu cường. Và các ông chẳng có gì đặc biệt cả”. Nghi thức ngoại giao này rất hiệu quả với người dân Trung Quốc”.
Jorge cho rằng ông Tập Cận Bình đang cầm lá bài chủ nghĩa dân tộc trên tay khi thực hiện hành động trên.
Bà Theresa May, Thủ tướng Anh xuống Hàng Châu bằng thang trải thảm đỏ.
Bill Bishop, chuyên gia chuyên nghiên cứu chính trị Trung Quốc nói rằng màn tiếp đón thiếu trọng thị của nước chủ nhà là hành vi cố ý. Việc này biến nước Mỹ trở nên “yếu đuối và nhỏ bé”.
Một quan chức ngoại giao Trung Quốc giấu tên phủ nhận đây là một “âm mưu chính trị”. Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng viết rằng chính đoàn Mỹ đã khước từ việc sử dụng xe thang trải thảm đỏ do tài xế không biết tiếng Anh.
“Cư xử thô lỗ với ông Obama không có lợi cho Trung Quốc”, quan chức Trung Quốc giấu tên nói.
Khi được hỏi về sự cố ở sân bay trong cuộc họp báo cùng thủ tướng Anh, ông Obama nói: “Tôi không trầm trọng hóa chuyện này vì đây không phải là lần đầu tiên nó xảy ra và không chỉ xảy ra ở mỗi Trung Quốc. Sự cố kiểu này từng gặp ở nhiều nơi, thậm chí cả ở những nước đồng minh của chúng tôi. Hành động trên không làm suy giảm chút nào mối quan hệ hai bên”.
Ông Obama cho rằng phái đoàn Trung Quốc hơi bất ngờ trước số người hộ tống hùng hậu của phía Mỹ: “Chúng tôi có nhiều máy bay, trực thăng, xe hơi và nhân sự. Nước chủ nhà đôi lúc sẽ cảm thấy hơi ngợp”.
Susan Rice, cố vấn an ninh nội địa Mỹ, nói bà ngạc nhiên bởi cách Trung Quốc tiếp đón tổng thống Mỹ: “Họ thường làm những việc không báo trước”. Tờ Thời báo New York nói rằng bà Rice “rất tức giận và ngạc nhiên” vì Tổng thống Obama phải bước xuống từ thang sắt. Chỉ khi nào Obama tới những quốc gia nguy hiểm như Afghanistan thì thang sắt mới được sử dụng.
Sự đón tiếp thiếu chu đáo của Trung Quốc và hàng loạt sự cố giữa quan chức Trung Quốc và Mỹ cho thấy quan hệ hai bên đang thực sự bất ổn. Tờ Washington Post viết rằng màn hạ cánh trúc trắc của ông Obama “phản ánh chính xác quan hệ giữa hai siêu cường đang ẩn chứa nhiều rủi ro”.
Bishop nói: “Ngoài vấn đề biến đổi khí hậu, hầu hết các lĩnh vực khác trong quan hệ hai bên đều có mâu thuẫn, đặc biệt là Biển Đông và quân sự trong khu vực”.
“Mỹ đang có vẻ yếu ớt, mệt mỏi nên tôi nghĩ rằng Bắc Kinh luôn sẵn sàng thay thế khi có thể. Tôi cho rằng họ nhận thấy cơ hội khi Obama yếm thế”, Bishop nhận định.
Bishop và Jorge nói rằng sự cố giữa phái đoàn Trung Quốc và Mỹ là điều hết sức bình thường ở nước chủ nhà. “Đây là phong cách đặc trưng Trung Quốc. Tôi nhớ rằng khi tổng thống Mexico tới Trung Quốc, một phóng viên còn có những mũi khâu trên người”, Jorge nói.