Dân Việt

Những thông tin “độc” khiến nông dân điêu đứng

Hải Hà (tổng hợp) 05/09/2016 13:00 GMT+7
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), hầu như năm nào khi vào vụ thu hoạch các loại trái cây cũng xảy ra các thông tin thất thiệt liên quan đến chất lượng nông sản. Dân Việt xin điểm lại một số “vụ” đình đám như thế.

Nhãn đẹp do dùng… lưu huỳnh: Báo điện tử V. mới đây đã đăng bài “Sự thật về loại nhãn khổng lồ, vỏ vàng bóng tràn khắp chợ”. Bài báo này sau đó đã nhận sự phản ứng dữ dội từ người trồng nhãn ở Hưng Yên và dư luận, sau đó báo đã phải sửa nội dung bài viết. Tuy nhiên, hậu quả bài báo gây ra là làm hàng nghìn hộ trồng nhãn ở Hưng Yên điêu đứng.

img

Những quả nhãn to, đẹp tự nhiên ở Hưng Yên bị “vu” cho là dùng lưu huỳnh để “xông” cho đẹp.

Ăn bưởi gây ung thư: Người trồng bưởi khó có thể quên được vụ việc xảy ra vào giữa tháng 7.2007. Thời điểm đó, một số báo chí nước ngoài đã công bố thông tin “Phụ nữ ăn nhiều bưởi sẽ có nguy cơ ung thư vú”. Thông tin này sau đó đã được nhiều báo trong nước dẫn lại đã làm nông dân trong nước điêu đứng. Rất tiếc, đó là thông tin sai lệch. Có thể nói, cho đến nay đây là “scandan” lớn nhất của truyền thông nước ta về nông sản và luôn được nhắc tới như một bài học để đời.

Gạo giả làm bằng cao su: Tháng 4.2012, một tờ báo mạng đăng thông tin “Xuất hiện gạo giả ở Hà Nội”, cho rằng hiện trên thị trường có một loại gạo bị làm giả bằng… cao su. Sau đó Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) đã lấy mẫu và khẳng định không có gạo giả như thế. Thông tin này xuất hiện từ câu chuyện “sáng tác” của một… sinh viên. Mặc dù không gây thiệt hại nhiều đến giá cả, nhưng những thông tin dạng này làm rất nhiều nông dân, nhà khoa học bất bình.

Bao trái xoài có chất gây ung thư: Vào tháng 4.2016, nhiều tờ báo, nhất là báo mạng, trang tin điện tử đồng loạt thông tin về việc xoài bọc “túi lạ”, nghi ngờ có chất độc tại các tỉnh ĐBSCL, đặc biệt là các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang. Ssu thông tin đó, giá xoài đầu mùa tại các tỉnh ĐBSCL đã ngay lập tức tụt từ khoảng 30.000 đồng/kg xuống có lúc chỉ còn 15.000 đồng/kg. Tìm hiểu kỹ cho thấy, đây là loại bao trái dùng bằng giấy bình thường, không gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Dừng ăn cá rô phi ngay lập tức: Một bài báo của  Báo XD mới đây có đăng bài dịch từ một nguồn thông tin nước ngoài có tựa đề “Lý do bạn cần dừng ăn cá rô phi ngay lập tức” cũng được nhiều mạng chia sẻ lại. Bài báo thiếu căn cứ này đã khiến nông dân ĐBSCL rất bất bình. Sau đó, nhiều nhà khoa học trong ngành đã lên tiếng khẳng định, đây là thông tin sai lệch hoàn toàn. Một bạn đọc bức xúc gửi tới Dân Việt bày tỏ bức xúc và nói: “Tôi là người nuôi cá rô tại Tứ Kỳ, Hải Dương. Tôi kính mong cơ quan chức nang vào cuộc xử lý thật nặng những thông tin sai trái làm hại tới người nuôi như chúng tôi”.

Dùng chổi quét rau để đánh lừa là… rau bị sâu ăn: Tháng 5 vừa qua, VTV đã đăng phóng sự “Cây chổi quét rau” phản ánh “tình trạng” người nông dân ở huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa để làm giả rau bị sâu ăn đã dùng chổi quét để cho… lá thủng. Hậu quả, bà con vùng trồng rau sạch VietGAP đã điêu đứng vì không bán được rau, buộc phải nhổ bỏ, gây thiệt hại lớn. Sau đó, VTV đã có văn bản xin lỗi bà con nông dân và bị cơ quan chức năng xử phạt 50 triệu đồng. Cho đến nay, đây là vụ tung tin đồn thất thiệt hiếm hoi bị xử phạt hành chính.

Sầu riêng bị nhúng hóa chất: Ngày 1.9, 2 tờ báo cùng đưa tin bài về việc “Phát hiện 2 tấn sầu riêng bị nhúng hóa chất cho mau chín” xảy ra tại huyện Di Linh (Lâm Đồng). Những người làm trong ngành chế biến thực phẩm và các nhà khoa học chuyên ngành liên quan cho rằng hóa chất nhúng này không độc và vụ việc có vẻ bị tác động bởi cuộc tranh mua (thu gom) sầu riêng đang cao giá để xuất đi Trung Quốc. Thực tế, đây là thông tin cũng bị các nhà khoa học phản bác kịch liệt.

Theo các chuyên gia, hiện những thông tin trên không dừng lại ở dạng “tin đồn” như trước đây, mà được chính các báo thông tin lại mà thiếu sự kiểm chứng. Hầu hết các bản tin này đều chỉ ghi nhận một chiều, mà không hề phỏng vấn hay kiểm chứng thông tin từ các cơ quan chuyên môn. Ông Hoàng Trung- Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết, chính những thông tin này đang làm xấu hình ảnh nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.