Dân Việt

Trồng khoai tây bằng công nghệ khí canh

09/01/2013 10:09 GMT+7
(Dân Việt) - Công ty TNHH Dalat G.A.P (ở phường 8, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) sau nhiều năm nghiên cứu đã nhân giống và chuyển giao thành công phương pháp mới: Trồng khoai tây bằng công nghệ khí canh.

Ông Lê Văn Cường - Giám đốc công ty cho biết, sau khi được GS-TS Nguyễn Quang Thạch - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sinh học Nông nghiệp, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội chuyển giao phương pháp này, ông đã đầu tư 500 triệu đồng thực hiện mô hình trồng trên 500m2 trong nhà kính. Trải qua 3 vụ trồng thử nghiệm, ông Cường tự tin khẳng định phương pháp mới này đã cơ bản thành công và có thể ứng dụng để chủ động giải quyết nguồn giống sạch bệnh với “chất lượng ngoại mà giá cả nội”.

img
Ông Cường (phải) đang giới thiệu mô hình trồng khoai tây bằng công nghệ khí canh với Giáo sư Đặng Hùng Võ.

Theo phương pháp này, cây trồng được cố định trên một giá đỡ để bộ rễ phát triển trong môi trường không khí. Tất cả việc chăm sóc cho cây theo quy trình canh tác ở quy mô công nghiệp, được lập trình phù hợp theo độ tuổi của cây. Ở trong môi trường thoáng khí, phân bón được hòa vào nước, cứ 5 - 15 phút hệ thống tưới sẽ tự động phun theo dạng phun sương để cây dễ hô hấp, hấp thụ dinh dưỡng và sinh trưởng nhanh. Từ đó cây chủ động điều khiển được quá trình hình thành tia củ (tia củ nhiều thì cho củ nhiều).

Kết quả trồng thử nghiệm của ông Cường đã cho thu hoạch với năng suất cao, đạt 20 - 25 củ/gốc (trong khi theo phương pháp truyền thống chỉ từ 4 - 5 củ/gốc). Củ giống hoàn toàn sạch bệnh và có độ kháng bệnh cao. Hệ số nhân cây giống cũng nhanh và rẻ hơn nhiều so với phương pháp nuôi cấy mô và còn ưu việt hơn vì củ giống sẽ lớn hơn đủ dinh dưỡng cho cây phát triển. Trong một tháng, 1 cây sẽ tạo ra 8 cây con, và trên diện tích 1m2 sẽ tạo ra cả trăm cây giống sạch bệnh.

Trồng khoai tây theo phương pháp khí canh còn tiết kiệm được 90% lượng nước tưới, 95% lượng phân bón và không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đội ngũ lao động cũng được tiết kiệm tối đa, 500m2 diện tích canh tác của ông Cường chỉ cần có 1 kỹ sư chăm sóc là đủ. “Tôi nghĩ, phương pháp khí canh có thể ứng dụng cho việc trồng nhiều loại rau hoa khác tại Lâm Đồng. Tôi luôn ao ước, một ngày nào đó, phương pháp này được ứng dụng rộng rãi trên cả nước và kể cả ở những vùng biển đảo xa xôi của Tổ quốc” - ông Cường nói.