Được biết, huyện Mường Tè hiện có hơn 167.000ha rừng, với tỷ lệ che phủ gần 62%, trong đó có gần 100.000ha rừng phòng hộ và rừng đặc dụng.
Một cánh rừng đầu nguồn nằm sát sông Đà thuộc huyện Mường Tè (Lai Châu). Ảnh: K.K
Điểm dân cư Cu Ma Cao, Cu Ma Thấp và Lù Khò, xã Mù Cả, huyện Mường Tè là nơi sinh sống của 65 hộ dân di cư tự do người Mông, với hơn 350 khẩu về đây từ năm 2008. Sau khi chuyển đến đây định cư, họ đã phá đi một số diện tích rừng phòng hộ để làm nương rẫy. Ông Lý Khai Hòa - Chủ tịch HĐND xã Mù Cả, cho biết: “Toàn xã hiện có trên 38.000ha rừng, chủ yếu là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đầu nguồn. Từ khi có các hộ dân di cư đến, họ đã xâm lấn vào vùng lõi của khu rừng phòng hộ để định cư ở đó và đã phá rừng để lấy đất sản xuất. Địa phương đã nhiều lần vận động, tuyên truyền họ về nơi ở cũ, nhưng cứ đưa họ ra khỏi địa bàn được thời gian ngắn rồi họ lại vào rừng ở”.
Tà Tổng và Mù Cả là 2 xã đặc biệt khó khăn và cũng là 2 vùng “nóng” của huyện Mường Tè về di cư tự do thời gian qua. Để giải quyết vấn đề này, năm 2011 tỉnh Lai Châu đã triển khai dự án sắp xếp ổn định dân cư giai đoạn 2011 – 2015. Theo dự án, 2 xã Tà Tổng và Mù Cả sẽ có 137 hộ, 821 khẩu di cư tự do được bố trí nơi ở ổn định. Các hộ dân sẽ được đầu tư đầy đủ điện, đường, trường, trạm. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai thực hiện dự án, địa phương mới chỉ sắp xếp chỗ ở ổn định cho 93 hộ, 468 khẩu, do những khó khăn trong việc quy hoạch và thiếu kinh phí, trong khi số hộ dân di cư đến ngày càng tăng.
Ông Mai Văn Thạch - Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết: “Từ đầu năm đến nay đã có gần 150 lượt hộ dân di cư, với trên 350 khẩu ở các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lào Cai… vào địa bàn huyện. Hầu hết người dân đến đều vào các khu rừng già, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng để dựng nhà. Huyện cũng đã tập trung tuyên truyền và liên hệ với các địa phương có dân di cư đến để đưa bà con quay lại nơi ở cũ. Tuy nhiên, với lực lượng mỏng như hiện nay và thời gian hoạt động chủ yếu của dân di cư tự do vào ban đêm thì địa phương khó có thể ngăn chặn triệt để”.