Dù đang ở xa nhưng khi hay tin người em thân thiết của mình là NSƯT Hán Văn Tình vừa qua đời, nhà văn Phạm Ngọc Tiến - "cha đẻ" của kịch bản phim truyền hình "Đất và người" đã chia sẻ những dòng cảm xúc ngậm ngùi.
Người ta thường gọi NSƯT Hán Văn Tình là “lão Quềnh” bởi ông quá thành công với vai diễn này trong bộ phim “Đất và người” do nhà văn Phạm Ngọc Tiến viết kịch bản, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần làm đạo diễn. Vai diễn của ông không chỉ để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả mà còn để lại nhiều ấn tượng trong lòng “cha đẻ” của “lão Quềnh”.
Những ngày cuối cùng của năm Ất Mùi (2015), nhà văn Phạm Ngọc Tiến cũng đã đến bệnh viện thăm nghệ sĩ Hán Văn Tình. Sau khi trở về, ông có chia sẻ câu chuyện ít ai biết phía sau nhân vật Chu Văn Quềnh.
Nghệ sĩ Hán Văn Tình đã nắm chặt lấy tay nhà văn Phạm Ngọc Tiến khi ông vào thăm. Ảnh: NVCC.
Ông cho biết: "Dạo chuẩn bị chuyển thể tiểu thuyết "Mảnh đất lắm người nhiều ma" của nhà văn Nguyễn Khắc Trường thành kịch bản "Đất và người"mình bàn với đồng biên kịch Khuất Quang Thụy là phải sử dụng nhân vật Chu Văn Quềnh xuyên suốt tác phẩm.
Trong tiểu thuyết Quềnh chỉ là một gã dở người xuất hiện rất ít, được ăn một bữa và chết vì no. Nhưng Quềnh sẽ phải đảm nhiệm trong phim một vai trò khác và là nhân vật chính. Ngay từ lúc đó mình đã nhập tâm vào diễn viên Hán Văn Tình sẽ thủ vai Chu Văn Quềnh bởi khuôn mặt vóc dáng và lối diễn khoa trương của một diễn viên tuồng.
Mình gặp Tình và đề nghị anh nhận vai này. Tình hỏi kịch bản thế nào. Mình bảo chưa viết nhưng nếu đóng thì Hán Văn Tình sẽ mất tên. Tình nhũn nhặn hứa sẽ đóng sau khi xem kịch bản và thấy hợp lý. Phim "Đất và người" chưa phát sóng xong thì vợ chồng Hán Văn Tình đến nhà mình chơi. Tình nói bác đúng em mất tên thật rồi. Dạo bác mời nói thật em nghĩ là gặp một thằng điên kiêu ngạo, làm đếch gì có cái vai ấy chứ. Vậy mà mất thật. Không chỉ mất bác làm thay đổi cuộc sống của em. Mình ngượng quá bảo “Ấy chết phim thành công là nhờ diễn viên các bạn nhờ đạo diễn mình chỉ là thằng làm phim trên giấy thôi".
Theo tác giả kịch bản “Đất và người” thì thời điểm ấy vợ chồng Hán Văn Tình rất quan tâm đến bệnh tật tiểu đường của ông nên hay mang tặng thuốc. Vì lẽ đó ông với nghệ sĩ Hán Văn Tình có khá nhiều kỷ niệm. “Mình xây nhà thợ xây đòi phải cho uống rượu với Quềnh thế là nhờ. Họp họ cũng phải mời Quềnh về cho mấy người trong họ được xoa cái đầu trọc nhẵn bóng. Đến họp phụ huỵnh các thày cô giáo cũng bắt phải mời bằng được Quềnh đến. Mua xe ô tô được hãng giảm cho 2.000 USD nhưng phải kèm điều kiện là mời Quềnh đến nhậu nhận xe... Nói một cách thẳng băng, Chu Văn Quềnh làm sang cho hành trang tác phẩm của mình, làm sang cho một thằng nhà văn quèn", nhà văn Phạm Ngọc Tiến kể.
Trong mắt nhà văn Phạm Ngọc Tiến, nghệ sĩ Hán Văn Tình là người hiền lành sống văn hóa và thật sự là một tài năng. Nhà văn hay tin người em thân thiết của mình ra đi khi ông đang ở xa, không về tiễn đưa ông em được.
Trong mắt nhà văn Phạm Ngọc Tiến, nghệ sĩ Hán Văn Tình là người hiền lành sống văn hóa và thật sự là một tài năng. Ảnh: TL.
“Hán Văn Tình là một diễn viên trí tuệ và lịch lãm sống chừng mực, không phóng túng. Bắt tay ai bao giờ Tình cũng đứng lên rất bặt thiệp. Mình chỉ biết Tình qua vai diễn Chu Văn Quềnh nhưng cũng đủ cảm nhận về con người Tình. Một nhân cách ở trong một nghề nghiệp và môi trường đầy “bả độc” và cạm bẫy rất dễ đánh mất bản thân.
Tình ơi đi nhé. Đau đớn và khổ ải kiếp người để lại ở thế gian này. Thanh thản mà bước về miền cực lạc. Những gì cần làm, Tình đã làm đủ. An lòng mà đi.
Anh Tiến muốn im lặng tiễn Hán Văn Tình theo đúng bản tính không bao giờ viết về người vừa nằm xuống nhưng lại vẫn chính người bạn yêu nhân vật Quềnh đang đi Đà Lạt cùng nhắc, viết về anh ấy ít dòng thì viết mà cũng chả biết viết gì. Thôi coi như một lời chào vậy. Chuyến tàu số phận kẻ trước người sau. Đi nhé Tình ơi...!”, nhà văn Phạm Ngọc Tiến ngậm ngùi gửi lời tiễn biệt nghệ sĩ Hán Văn Tình.