Dân Việt

Đời giông bão của 4 nghệ sĩ bị ung thư phổi

Thủy Nguyên (Tổng hợp) 07/09/2016 18:55 GMT+7
Những người nghệ sĩ luôn cống hiến cho nghệ thuật nhưng cuộc đời không mỉm cười với họ.

Ca sĩ Minh Thuận

Trong những năm 90, Minh Thuận nổi tiếng với những bản tình ca bất hủ như Tình thơ, Cô bé hờn dỗi, Mong đợi ngậm ngùi…

Anh và nam ca sĩ Nhật Hào trở thành bộ đôi được khán giả yêu mến qua các ca khúc nhạc Hoa, nhạc Anh lời Việt. Đỉnh cao sự nghiệp của đôi song ca này bắt đầu từ năm 1992 đến cuối 1995. Có đêm cả hai chạy tới 22 show diễn trong thành phố Sài Gòn, lập một kỷ lục chưa từng có.

img

Minh Thuận thời tóc dài lãng tử và hình ảnh những năm gần đây

Sau khi tách ra solo, Minh Thuận gặp nhiều khó khăn vì khán giả vẫn quen với sự xuất hiện của anh và Nhật Hào. Nhiều lần lên sân khấu anh đứng trước câu hỏi “Người kia đâu?” nhưng đành im lặng.

Minh Thuận nỗ lực khẳng định lại bản thân bằng việc hát đơn và kết hợp với nhiều giọng ca khác như Sỹ Ben, Phương Thanh, Cẩm Ly… Anh gặt hái thành công với nhiều album do chính mình biên tập như Rêu Phong, Ta chẳng còn ai, Mùa hạ mãi xa…

Thời điểm cuối những năm 90 đầu năm 2000, Minh Thuận là một trong những ca sĩ hot của làng nhạc Việt. Anh còn được fan ruột phong là “Vua nhạc trẻ”. Nam ca sĩ chạy show từ Nam chí Bắc. Mái tóc dài lãng tử và giọng hát trữ tình trở thành hình ảnh thương hiệu của anh.

Có lần anh tâm sự, năm 31 tuổi show diễn nhiều như lá đổ chiều thu. Anh chạy show 13 ngày liên tục khắp cả nước, thời gian nghỉ duy nhất là trên xe.

Ngay cả khi tên tuổi không còn hot như xưa, anh vẫn ra album đều đặn mỗi năm 1 album. Đó là niềm đam mê với nghề, cũng là món quà Minh Thuận gửi tặng khán giả yêu mến và luôn ủng hộ anh.

Nhưng cuộc đời không mỉm cười với người ca sĩ ấy. Đầu tháng 9 năm nay, anh được chẩn đoán mắc ung thư phổi. Trước đó anh chỉ nghĩ mình bị viêm phổi. Cơn tai biến mạch máu não khiến anh rơi vào nguy kịch. Đến chiều ngày 5.9, anh đã tỉnh lại và gặp gia đình. Người cha hơn 100 tuổi đã tức tốc bay từ Mỹ về thăm anh. Nguồn động viên của gia đình tiếp thêm sức mạnh cho Minh Thuận, giúp bệnh tình anh tiến triển.

img

Minh Thuận bị chẩn đoán ung thư phổi

Minh Thuận từng hai lần vượt qua bạo bệnh như kỳ tích. Một thời gian anh đã bị điếc cả hai tai vì virus ăn mòn dây thần kinh thính giác. May mắn anh gặp được bác sĩ người Đức điều trị về thính giác rất giỏi nên khôi phục lại khả năng nghe từ 50% đến 70%.

Đến tháng 11.2013, nam ca sĩ tiếp tục đứng trước cơn nguy hiểm vì bị liệt dây thần kinh ngoại biên. Khi đó cơ mặt anh không thể cử động. Điều này đồng nghĩa với dấu chấm hết cho sự nghiệp ca hát, diễn xuất nếu không chữa khỏi bệnh. Kỳ tích lại tới bằng nỗ lực và niềm lạc quan của Minh Thuận. Anh được chữa khỏi và tham gia Gương mặt thân quen, giành vị trí Á quân. Anh chia sẻ lý do tham gia chỉ vì tiền thưởng để dùng làm từ thiện.

Trong cuộc chiến lần này của Minh Thuận với ung thư, đồng nghiệp của khán giả cầu mong anh sẽ vượt qua được như hai lần kỳ diệu trước đó.

NSƯT Hán Văn Tình

Khán giả nhớ tên Chu Văn Quềnh của Đất và người bởi tính cách "thẳng như ruột ngựa" với câu nói cửa miệng “Không nên hoãn cái sự sung sướng ấy lại”. Nét duyên trong vai diễn người nông dân đã ngấm vào máu của nghệ sĩ Hán Văn Tình, để không chỉ một Chu Văn Quềnh mà còn là lão Trọc trong Canh bạc, người nông dân tên Sở trong Bão qua làng hay Tuần trong Người thổi tù và hàng tổng đều khó có thể lãng quên.

img

Hình tượng người nông dân gắn liền với nhiều vai diễn của nghệ sĩ Hán Văn Tình

Trong 40 năm làm nghề, nghệ sĩ ưu tú Hán Văn Tình cống hiến nhiều vai diễn trong phim và sân khấu kịch. Ông cũng được trao tặng nhiều giải thưởng cao quý. Song cuộc đời không bù đắp cho ông. Vì mưu sinh, ông phải làm nhiều nghề khác nhau, có lúc không ngại công việc lao động chân tay vất vả như sửa xe, bơm vá.

img

Nghệ sĩ Hán Văn Tình từng chia sẻ ông chỉ có lương ba cọc ba đồng, phải kiếm thêm nhiều nghề để phụ gia đình

Căn nhà cấp bốn chật hẹp chưa có sổ đỏ, đồ đạc vẫn ngổn ngang vì định tu sửa nhưng chưa kịp vì tin ông bị bệnh ung thư phổi đến quá bất ngờ. Chiếc xe máy cà tàng là phương tiện ông đi làm hàng ngày. Kể từ ngày ông mắc bạo bệnh, chiếc xe để bỏ ở một góc nhà, phủ kín bụi, chẳng ai động tới.

Trong hành trình gần 2 năm chiến đấu với ung thư, vợ ông phải tạm gác công việc ở cơ quan để chăm sóc chồng. Gánh nặng cơm áo gạo tiền lo cho hai con cộng với chi phí chữa trị đổ dồn vào vai người đàn bà bé nhỏ.

img

Căn nhà cấp bốn của gia đình nghệ sĩ còn dang dở chưa sửa xong

Số phận cứ bạc bẽo với con người hiền lành được đồng nghiệp quý mến. Người nghệ sĩ của công chúng lặng lẽ ra đi sau hai ngày hôn mê vì bệnh trở nặng. Ông ra đi trưa ngày 4.9, hưởng thọ 59 tuổi.

Nghệ sĩ Duy Thanh

Ông được khán giả yêu mến qua những bộ phim truyền hình nổi tiếng như Đất và người, Bão qua làng, Khi đàn chim trở về, Chạm tay vào nỗi nhớ… Gương mặt phúc hậu nhưng ông lại có tài đóng các vai phản diện. Tính cách ông đối lập giữa trong phim và ngoài đời. Xem phim, khán giả thấy một nhân vật mưu mô thủ đoạn còn ngoài đời, ông được bạn bè nhận xét là người điềm đạm, sống giản dị.

img

Nghệ sĩ Duy Thanh sống giản dị và lạc quan trong cuộc chiến chống ung thư

Một đời cống hiến cho những thước phim, chưa lúc nào nghệ sĩ Duy Thanh thôi ham muốn được đi diễn. Ngay cả khi ông phát hiện mắc ung thư phổi từ năm 2012, ông vẫn cố gắng tới trường quay những lúc bệnh tình tiến triển. Tinh thần lạc quan giúp nam diễn viên Đất và người vững vàng trong cuộc chiến chống ung thư.

img

Nghệ sĩ Duy Thanh hốc hác sau thời gian dài điều trị

Từ 80 cân, nghệ sĩ Duy Thanh sút 15kg vì quá trình điều trị. Ông vẫn sắp xếp thời gian để vừa đi truyền vừa đóng phim. Nghĩ tới thời gian sức khỏe yếu vì xạ trị và phẫu thuật trong đợt tới, ông chỉ buồn vì lo không còn đóng phim được nữa. Căn bệnh ung thư phổi biến ông từ một người có thân hình to béo trở nên gầy rộc. Hiện ông vẫn duy trì chế độ điều trị theo phác đồ của bệnh viện.

NSƯT Văn Hiệp

Vẻ hiền lành chất phát của nghệ sĩ Văn Hiệp khiến công chúng vẫn quen gọi ông là “trưởng thôn”. Từ những vai diễn trên sân khấu kịch đến truyền hình, ông đều mang lại thành công cho nhân vật. Ông có 40 năm cống hiến cho nghệ thuật và gắn bó nhiều với các vai hài.

img

Nghệ sĩ Văn Hiệp được khán giả yêu mến gọi tên "ông trưởng thôn"

Cuộc sống lúc sinh thời của nghệ sĩ Văn Hiệp giản dị, chân phương. Hơn 20 năm cuối đời, ông sống một mình trong căn nhà nhỏ với chút đồ đạc giản tiện vì vợ ông đi xuất khẩu lao động.

Những năm cuối cùng, ông mắc nhiều bệnh từ đau dạ dày, đại tràng đến lao phổi. Gần một năm trước khi mất, ông phát hiện bản thân bị ung thư phổi. Vì không muốn các con phải tốn kém, ông nhiều lần nằng nặc đòi về nhà, không ở bệnh viện.

Sau một tháng điều trị tại viện, ông được đưa về nhà vì bệnh ung thư đã di căn. Ông qua đời vào ngày 9.4.2013, hưởng thọ 71 tuổi.

Sau khi nghệ sĩ Văn Hiệp mất, ông được đặc cách lên Nghệ sĩ ưu tú. Dù danh hiệu gì, "trưởng thôn" Văn Hiệp vẫn mãi là người nghệ sĩ của nhân dân.