Dân Việt

Không phòng chống sốt xuất huyết sẽ bị xử phạt

Tuấn Kiệt 06/09/2016 14:56 GMT+7
Ngày 6.9, tin từ Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đẩy mạnh triển khai giám sát chủ động và các biện pháp phòng chống dịch do vi rút Zika trước tình hình dịch diễn biến phức tạp trên thế giới và bùng phát tại Singapore.

Lan nhanh từng ngày

PGS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện tình hình dịch bệnh do vi rút Zika đang diễn biến phức tạp. Tổ chức Y tế thế giới WHO đã phải khẩn cấp họp Ủy ban khẩn cấp thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) lần thứ 4 khẳng định, tình trạng dịch bệnh do vi rút Zika hiện nay là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế, khẳng định sự lan truyền vi rút Zika sẽ tiếp tục mở rộng.

img

Theo WHO, đến ngày 2.9 đã có 72 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc lây truyền vi rút Zika. Dịch bệnh lưu hành rộng tại các nước khu vực Nam Mỹ và Caribe; tại các nước khu vực Đông Nam Á, cũng đã ghi nhận sự lưu hành vi rút Zika tại một số nước như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia. Đặc biệt, trong thời gian từ cuối tháng 8.2016 đến nay, tại Singapore bùng phát dịch do vi rút Zika với số trường hợp mắc tăng nhanh hàng ngày. Chỉ sau 1 tuần (từ ngày 28.8), đến nay, Singapore đã ghi nhận 242 trường hợp mắc, trung bình mỗi ngày ghi nhận từ 20-27 trường hợp mắc mới. Kết quả giải trình tự gien cho thấy đây là chủng vi rút có nguồn gốc châu Á, không phải là chủng xâm nhập từ các nước khu vực Nam Mỹ.

“Tại Việt Nam, từ tháng 4 đến nay mới ghi nhận 3 ca nhiễm virus Zika. Tuy nhiên, các nước “hàng xóm” đang bùng phát dịch Zika, bệnh có nguy cơ lây truyền từ người sang người, giao thương, du lịch phát triển nên rất dễ “di chuyển” vi rút từ nước này qua nước khác. Trong khi đó loài muỗi truyền bệnh Zika chính là muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết,đang lưu hành rất phổ biến ở Việt Nam, mùa mưa vẫn còn kéo dài nên muỗi càng có cơ hội phát triển. Nếu có ca bệnh xuất hiện thì nguy cơ vi rút Zika lây nhiễm trên diện rộng là rất lớn” – PGS Phu lo ngại.

Theo WHO, vi rút Zika gây bệnh có triệu chứng sốt, mệt mỏi, xuất huyết dưới da gần giống với bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, vi rút này gây nhiễm độc thần kinh với thai nhi, là nguyên nhân khiến hàng nghìn trẻ trên thế giới sinh ra bị mắc bệnh đầu nhỏ (teo não) do mẹ bị nhiễm vi rút Zika khi mang thai.

Người dân vẫn chủ quan

Theo ông Phu, hiện tại Việt Nam, dịch sốt xuất huyết vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika vẫn đang “hoành hành”. Tuy nhiên, người dân rất chủ quan trong việc phòng bệnh, chủ động diệt muỗi. “Qua kiểm tra, chúng tôi vẫn nhận thấy người dân rất chủ quan trong việc diệt loăng quăng (bọ gậy). Trong nhà dân và vườn tược vẫn có rất nhiều vật dụng có thể chứa nước, đọng nước mưa – môi trường cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và virus Zika đẻ trứng và phát triển. Cán bộ y tế đến nhắc nhở, quay lưng đi là người dân lập tức lại “quên” – PGS Phu chia sẻ.

PGS cho biết, hiện vi rút Zika chưa có vắc xin phòng bệnh, lây truyền chủ yếu qua muỗi và đường tình dục do đó để chủ động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika. Để chủ động phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị trong ngành y tế yêu cầu giám sát chặt chẽ các hành khách nhập cảnh, đặc biệt là các hành khách về từ các quốc gia đang bùng phát, lưu hành dịch bệnh Zika để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ.

“Các địa phương cần triển khai mạnh mẽ chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy), huy động các ban, ngành, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội cùng vào cuộc, đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức loại bỏ và tiêu diệt bọ gậy. Tiến hành xử phạt hành chính các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch của địa phương” – PGS Phu nhấn mạnh.

Để chủ động phòng chống bệnh do vi rút Zika, người dân cần:

- Phòng muỗi đốt: ngủ màn, mặc quần áo dài, dùng kem đuổi muỗi, hương muỗi

- Diệt muỗi: dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi, tích cực phối hợp với cán bộ y tế trong triển khai các đợt phun hóa chất.

- Diệt loăng quăng (bọ gậy): đậy kín các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước nhỏ; thu dọn, lật úp các vật dụng chứa nước không cần thiết, không để nước đọng ở những vật dụng như vỏ lốp, gáo dừa, …; thường xuyên thay nước lọ hoa, bỏ dầu hoặc muối và bát nước kê chân chạn,…

-Sinh hoạt tình dục an toàn, sử dụng bao cao su để tránh lây truyền vi rút Zika qua đường tình dục.

-Phụ nữ mang thai trong vòng 3 tháng  đầu nếu có biểu hiện sốt hoặc phát ban và đau khớp, đau mắt đỏ nên đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và hướng dẫn theo dõi sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện nhiễm vi rút Zika và các dị tật của thai nhi.