Năm đầu tiên con được nhận vào học tại 1 trường mầm non công lập ở một thị trấn nhỏ, cũng là lần đầu tiên tôi được mời họp phụ huynh cho con. Rất hí hửng và hồi hộp. Sau phần rất ngắn gọn giáo viên thông báo về nội quy trường, số lượng cô phụ trách và đứng lớp là đến phần các khoản thu.
Đúng quy trình, các khoản thu chính về học phí, tiền ăn hàng tháng, tiền bán trú, tiền học liệu đầu năm, tiền nước và điện được ghi rất rõ ràng và chi tiết và hầu hết không có sự tranh cãi hay góp ý của phụ huynh. Những khoản thu này, được giáo viên trực tiếp thông báo.
Trước khi đến các phần thu “nhạy cảm” như xã hội hóa, quỹ hội phụ huynh, quỹ trường giáo viên phải làm thủ tục bầu ra Hội trưởng hội phụ huynh và hội phó hội phụ huynh của lớp để… thay mình điều hành. Năm ấy, tôi – không biết nên nói là may mắn hay xui xẻo mà được bầu vào 1 trong 2 vị trí này để quản lý tiền chi tiêu của quỹ hội phụ huynh.
Là năm đầu tiên, nên tôi và chị hội trưởng không biết phải thu bao nhiêu để chi những gì thì cô giáo chủ nhiệm nhanh nhảu đưa ra bảng thống kê các khoản chi của lớp năm trước để tham khảo. Tính sơ sơ, mỗi cháu sẽ phải đóng vào quỹ này 400.000 đồng. Ban đầu tôi nghĩ số tiền ấy cũng tương đối nhiều, lớp có 35 cháu tính ra tới những 14.000.000 đồng, một năm học 9 tháng, tiêu sao cho hết quỹ mỗi tháng hơn 1.500.000 đồng?
Nghĩ vậy mà không phải vậy?
Ngay sau khi thu được hết quỹ từ phụ huynh cả lớp, Hội phụ huynh lớp sẽ đóng vào quỹ Hội phụ huynh của trường 100.000 đồng/cháu; tiếp đến là góp tiền trang trí lớp học đầu năm gần 2.000.000 đồng, phụ thêm cho cô giáo mua học phẩm đầu năm hơn 500.000 đồng.
Tiếp đó, mỗi tháng quỹ lại trích tiền để làm sinh nhật cho các cháu của tháng đó, cả tiền mua quà cho cháu, tiền liên hoan cho cả lớp cũng ngót ngét 400.000 – 500.000 đồng. Đến kỳ Hội trại của trường, quỹ phụ huynh cũng phải ủng hộ để các con mua đồ trang trí. Không kể, thỉnh thoảng cô giáo chủ nhiệm lại nhắn tin, nhắc Hội phụ huynh trích quỹ mua cho lớp vài tập giấy A4 để các con làm bài tập tô, vẽ và dãn; mua thêm bút màu, đất nặn bổ sung vì đã bị gẫy, mất gần hết, thêu hình cho khăn mặt… Tất cả đều “trông chờ” vào số tiền trong quỹ hội phụ huynh.
Đến các ngày Lễ, Tết, 8.3; 20.10; 20.11… mới là khoản “đau đầu” với hai chị em Hội trưởng, Hội phó. Vì chưa có kinh nghiệm nên chúng tôi phải đi dò hỏi các Hội trưởng, Hội phó lớp khác xem phải tặng quà, mua hoa cho các cô như thế nào? Và tất nhiên, qũy hội phụ huynh phải chi vào khoản này là đáng kể nhất. Lớp có 3 cô, cộng thêm 1 cô bếp nấu ăn của trường cũng không được thiếu. Các năm trước phụ huynh đều làm thế, các lớp khác cũng vậy, vì vậy lớp con tôi đương nhiên là không thể khác. Để “góp vui” với các cô trong những ngày lễ lớn, Quỹ cũng trích ra 1 khoản để mua bánh kẹo cho các con liên hoan.
Vậy là, cuối năm học ngồi tổng kết lại chi tiêu, khoảng 14.000.000 đồng tiềnquỹ hội phụ huynh “to đùng” mà ban đầu tôi nghĩ đã “bốc hơi” một cách nhẹ nhàng như thế. Tính đi tính lại, Quỹ chỉ còn đúng 437.000 đồng…không đủ để các con liên hoan chia tay cuối năm học.
Bị “lạm chi” hai chị em tôi phải cắn răng bù tiền riêng mỗi người 500.000 đồng để các con được liên hoan 1 bữa, được mỗi con một xuất quà nho nhỏ gồm 1 cuốn truyện tranh, 1 bộ bút màu mang về… nghỉ hè.
Buổi họp cuối năm chúng tôi còn phải liệt kê danh sách các khoản chi trong năm và “giải trình” cho phụ huynh trong lớp mọi thắc mắc. Hết một nhiệm kỳ “thua lỗ” tôi tự hứa rằng từ nay mình nhất định sẽ không làm Hội trưởng hay Hội phó gì nữa, cũng sẽ “câm nín” để đóng tiền quỹ cho con, vì có kêu ca thì các khoản chi vẫn phải thế, luôn luôn thế, lớp trước chi được, lớp sau phải chi ngang bằng hoặc hơn…