Anh có suy nghĩ gì về nghề diễn hài của anh? Vai diễn nào anh cho rằng mình thành công và anh ưng ý nhất?
-Nghệ sĩ Hoàng Sơn: Từ trước đến giờ, tôi không tự đóng khung mình trong những vai hài, nên nghề diễn hài là một phần nhỏ trong sự nghiệp nghệ thuật mà tôi đeo đuổi. Có rất nhiều cách diễn hài, nhưng khi hiểu đó là cái nghề thì tiếng cười phải có ý nghĩa. Tôi may mắn có được nhiều vai diễn được khán giả yêu thích trong các vở hài như: “Chuyện tình yêu”, “Sau cái mặt cười”, “Vua trả nợ”, “Cưới chồng”, “Tình gần”, “Hẻm nhỏ”, “Chuyện không ngờ”... vai ưng ý của tôi vẫn chưa tìm được.
NS Hoàng Sơn
Phải nói anh rất thành công trong lãnh vực hài. Anh có bí quyết nào không?
-Thành công hay không tùy thuộc vào sự kiên nhẫn và một chút duyên may. Tôi không may mắn lắm đâu. Hồi đó mới ra trường thất nghiệp, đi vá xe đạp ở lề đường để có cơm ăn. Bây giờ đi ngang góc đường đó tôi lại thấy bóng dáng của mình, ngồi vá xe, mà ngày đầu vá hoài chẳng xong, phải năn nỉ bác đi xe đạp tìm chỗ khác, vì tôi mới ra nghề.
Thăng tiến trong nghề không phải là cách nghĩ của một số em trẻ hiện nay, tham gia các game show, truyền hình thực tế rồi phút chốc sẽ thành "sao". Người xem trong thời đại hiện nay mau thích và nhanh quên. Bí quyết để được nổi tiếng nhanh có thể dễ dàng tìm thấy nhưng nền tảng để vững vàng trong nghề thì cần sự trải nghiệm mang tên thất bại.
Thành phố chúng ta có lúc đã tồn tại 40 nhóm hài, đó là một con số khá ấn tượng. Tuy nhiên hiện nay sân khấu tấu hài đã không còn hoạt động sôi nổi, nhiều điều đáng lo khi nạn chọc cười hời hợt, tự ý thoại những ngôn từ chói tai đã xuất hiện trong các game show, các chương trình truyền hình thực tế. Là một nghệ sĩ hài anh suy nghĩ gì về điều này?
- Là người quan tâm đến tình hình sân khấu hài của TPHCM tôi nhận thấy sự xuống dốc của bộ môn mà mình yêu thích. Phải nói tấu hài là bộ môn nghệ thuật khó và tôi đã sống với tấu hài 20 năm, thời còn gắn với nhóm “Tuổi đôi mười”, khi chúng tôi còn rất trẻ, chén cơm hằng ngày của chúng tôi là nhờ tấu hài mang đến. Điều khiến tôi đau lòng hiện nay chính là do một số nghệ sĩ diễn hài đã kém ý thức, chứ khán giả không bỏ rơi tấu hài, cũng như sân khấu hài rất cần sự góp ý của công chúng để ngày một tiến lên.
Gia đình NS Hoàng Sơn
Tôi cho rằng khi có sự tác động của khán giả, nhất là những phản ứng gay gắt thì các nghệ sĩ hài sẽ ý thức được vị trí của mình trên sàn diễn. Các game show sạch cần được phát huy, còn các game show nhảm thì khán giả sẽ tẩy chay. Bằng chứng là game sau xuất hiện đã “giết” game trước đó và lượt người xem giảm nhanh. Chẳng đọng lại điều gì cho người xem khi tiếng cười nhảm nhí, vô bổ.
Theo anh, tài sản lớn nhất của người nghệ sĩ là gì? Anh thấy mình được gì và mất gì khi nhìn lại chặng đường đã qua?
- Tài sản lớn nhất của người nghệ sĩ là những gì mình đã cống hiến cho công chúng trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Đã là nghệ sĩ thì tình cảm của công chúng dành cho mình là điều quý giá nhất. Khi được công chúng ban tặng nhiều tình cảm thì cái được nhiều hơn cái mất. Tôi chỉ sợ mình đánh mất lòng tin yêu của công chúng mà thôi, vì khó mà tìm lại được.
Được biết chị nhà cũng có một thời gian là diễn viên. Phải chăng anh ích kỷ không để chị ấy tiếp tục nghề diễn?
- Tôi không ích kỷ đến vậy. Đúng là vợ tôi- Phạm Thị Diệp Thanh học chung khóa diễn viên Trường Nghệ thuật sân khấu 2 (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM). Từ khi lấy chồng, cô ấy chấp nhận lui về chăm lo cho gia đình. Bù lại, tôi rất yêu thương vợ con, không có chuyện lăng nhăng tình cảm trai gái.
Thường những nghệ sĩ nổi tiếng hay quên đi quá khứ nghèo khó của mình. Anh có thuộc nhóm người như vậy?
- Tôi là người rất trân trọng quá khứ! Ngày trước từ dưới quê lên TP học trường Nghệ thuật sân khấu 2, tôi phải sống tự lập. Cuộc sống sinh viên khó khăn lắm, thiếu thốn trăm bề. Tôi nhớ ở chung nhà với anh Minh Nhí, em Lý Hải, Cát Phượng...toàn là những diễn viên ở dưới quê lên Sài Gòn học hành, lập nghiệp. Có tháng không có tiền thuê nhà, cả đám trốn bà chủ nhà mấy ngày. Nghệ sĩ hay bất cứ ai nếu quên quá khứ thì tự quên mình và không có điểm tựa để phát triển.
Anh được mời làm thầy huấn luyện cho chương trình Học viện danh hài, phát sóng mỗi đêm trên VTV 6. Vậy anh định nghĩa như thế nào về công việc của người đạo diễn?
- Người đạo diễn phải giải thích tác phẩm, là tấm gương soi cho diễn viên. Ngoài ra, nghề đạo diễn rất cần hiểu biết kiến thức tổng hợp để có thể bàn bạc với họa sĩ, nhạc sĩ, diễn viên và tác giả kịch bản. Theo riêng tôi, nghề này rất cần sự trang bị liên tục những thông tin được cập nhật hóa để bổ sung cho vở diễn. Làm hài kịch ở "Học viện danh hài" là một cách thể nghiệm để tôi mở ra hướng gắn bó lâu dài hơn với nghề này trong tương lai. 12 gương mặt diễn viên trẻ chưa biết nhiều về diễn xuất hài, họ cần trang bị kiến thức và trong số đó có con trai tôi tham gia. Cũng là một cơ hội để tôi tương tác với nghề, làm cho mình mới hơn khi tiếp cận với các bạn trẻ.
Xu hướng và quan điểm biểu diễn của anh hiện nay là gì? Anh đang ấp ủ điều gì để gửi tới khán giả sau hai đêm live show mà đã từng thực hiện cách đây không lâu?
- Tôi thích diễn những vai hài mượn tiếng cười gửi gắm đến người xem niềm trăn trở của cuộc sống. Xu hướng dàn dựng tiếng cười đối thoại với những vấn đề tiêu cực, tham nhũng và quan điểm lấy tiềng cười đả phá thói hư, tật xấu luôn là hướng đi mà giới diễn viên hài xác định.
Tôi đang ấp ủ những vai hài thâm thúy, đi sâu vào ngõ ngách của tâm hồn nhân vật, để qua lăng kính tiếng cười sẽ gợi mở nơi người xem ý thức cảnh tỉnh mình trong cuộc sống. Có thể tôi và các diễn viên trẻ, trong đó có con trai mình sẽ thực hiện một live show mang tính thể nghiệm những kiểu dàn dựng hài kịch mới. Đã là nghệ sĩ phải luôn làm mới mình trong mắt khán giả. Nhưng làm mới nhưng vẫn giữ đúng phong cách, còn trong cuộc sống thì không nên bỏ vợ. Phải có trách nhiệm với vợ con, gia đình.