Dân Việt

Ông Trịnh Xuân Thanh xin ra khỏi Đảng

Việt Tường 07/09/2016 15:06 GMT+7
Sau một tháng xin nghỉ phép để trị bệnh, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh vẫn không trở lại địa phương này và làm đơn xin ra khỏi Đảng.

Ngày 7/9, ông Bùi Văn Sáu, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, đơn vị chưa nhận được thông tin về việc ông Trịnh Xuân Thanh - Tỉnh ủy viên, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh - xin ra khỏi Đảng. Hiện, ông Thanh đã hết hạn 1 tháng xin nghỉ phép (từ ngày 3/8) nhưng cán bộ này vẫn chưa trở lại Hậu Giang.

Đã làm đơn xin ra khỏi Đảng

Theo báo Thanh Niên, ngày 4/9, ông Thanh bất ngờ gọi điện thoại cho một phóng viên ở Cần Thơ. Sau khi trình bày nhiều nội dung có tính chất “giải trình” những vấn đề liên quan đến mình như báo chí thông tin, ông Thanh cho biết đã làm đơn xin ra khỏi Đảng và đã gửi đến các cơ quan chức năng ở Trung ương cũng như Tỉnh ủy Hậu Giang.

Cụ thể, ông Thanh khẳng định giữa tháng 7/2016, ông đã ký đơn gửi Thường trực Tỉnh ủy xin ra khỏi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 do bản thân không còn làm Phó chủ tịch UBND tỉnh nữa “nên giữ chức vụ Tỉnh ủy viên là không cần thiết”. Đến ngày 29/8, ông cũng đã ký đơn gửi Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang xin ra khỏi Đảng.

Trao đổi với phóng viên Zing.vn vào tuần trước, ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang xác nhận việc ông Thanh nghỉ phép để điều trị bệnh. Người đứng đầu Tỉnh ủy Hậu Giang cũng khẳng định, ông chưa nghe thông báo nào liên quan đến ông Thanh từ các cơ quan Trung ương.

 

img

Ông Trịnh Xuân Thanh khi còn là Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Hậu Giang. Nhiều sai phạm nhưng vẫn thăng chức

6 tuần trước, Ủy ban Kiểm tra Trung ương ra thông báo về kỳ họp thứ IV và thứ V của cơ quan này. Trong đó chỉ rõ hàng loạt vi phạm của ông Trịnh Xuân Thanh trong quá trình công tác từ năm 2007 đến nay như: Buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, để xảy ra sai phạm thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng khi đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC); dùng biển số xe công gắn vào ôtô tư nhân để sử dụng là trái quy định, gây phản cảm, bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân khi đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch UBND tình Hậu Giang.

Dù có nhiều sai phạm nhưng vẫn đề nghị, để các cơ quan chức năng làm quy trình tiếp nhận, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang là thể hiện thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm và thiếu gương mẫu…

Với các sai phạm, khuyết điểm trên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định tiến hành quy trình xem xét, xử lý kỷ luật với ông Trịnh Xuân Thanh. Tại phiên họp lần 7 của Hội đồng bầu cử Quốc gia ngày 15/7, ông Thanh không được xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội dù được cử tri Hậu Giang bỏ phiếu tín nhiệm, đạt 75,28% số phiếu hợp lệ.

Lãnh đạo và Tỉnh ủy Hậu Giang nhận khuyết điểm

Liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang đã họp kiểm điểm tập thể Ban Thường vụ và các cá nhân.

Ban thường vụ đánh giá Tỉnh ủy Hậu Giang có khuyết điểm trong việc tiếp nhận ông Thanh về công tác tại Hậu Giang là không chỉ đạo các cơ quan tham mưu rà soát quá trình và năng lực công tác của ông Thanh. Khi thực hiện chủ trương xin tăng cường cán bộ về làm phó chủ tịch UBND tỉnh, thường trực Tỉnh ủy chưa bàn bạc, thảo luận kỹ với tập thể Ban thường vụ Tỉnh ủy.

Qua kiểm điểm, thường trực, Ban thường vụ Tỉnh ủy nghiêm khắc nhận trách nhiệm về các hạn chế, khuyết điểm, đồng thời nghiêm túc rút kinh nghiệm trước tập thể Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang.

Nguyên Bí thư Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc cũng nhìn nhận khuyết điểm, chủ quan khi không chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thẩm định kỹ hồ sơ, quá trình công tác của ông Thanh trước khi tiếp nhận... Việc làm này dẫn đến dư luận không tốt, ảnh hưởng đến cá nhân và tập thể Đảng bộ tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh lúc đó là Phó bí thư kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2010-2015, đã thiếu trách nhiệm trong tham gia góp ý kiến việc thẩm định hồ sơ cán bộ và quá trình công tác trước khi tiếp nhận ông Thanh.

Đối với việc cấp biển số xe 95A-0699 (xe cá nhân nhưng gắn biển số xanh) do ông Thanh tự mượn sử dụng khi về công tác tại Hậu Giang là để tạo điều kiện cho ông Thanh đi công tác chứ không có mục đích khác.

Từ đó, ông Chánh thừa nhận việc chỉ đạo giám đốc công an tỉnh cấp biển số xanh là không đúng với quy định. Ông Chánh nghiêm túc tự kiểm điểm với vai trò là Phó bí thư Tỉnh ủy nhưng chưa đề xuất, bàn bạc trong thường trực Tỉnh ủy để thẩm tra hồ sơ và nhân thân ông Thanh trước khi tiếp nhận về công tác tại Hậu Giang. Ông Chánh xem đây là bài học kinh nghiệm trong phương pháp lãnh đạo, điều hành công việc chung của địa phương.

Ông Trịnh Xuân Thanh, 50 tuổi, quê xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Ông Thanh có trình độ Đại học kiến trúc, Kỹ sư Quy hoạch đô thị, Lý luận chính trị cao cấp, ngoại ngữ tiếng Nga.

Trước khi được Bộ Công Thương luân chuyển vào Hậu Giang và HĐND tỉnh này bầu làm Phó chủ tịch UBND tỉnh vào tháng 5/2015, ông Thanh là Chánh văn phòng Ban cán sự Đảng của Bộ Công Thương; thường trực Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp của Bộ này.

Cuối tháng 5/2016, người dân TP Cần Thơ phát hiện xe Lexus 570 biển số xanh chở ông Thanh nên chụp ảnh và cung cấp cho báo chí.

Ngày 9/6 Văn phòng Trung ương Đảng có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung mà báo Thanh Niên nêu liên quan đến Phó chủ tịch UBND Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh.

Công văn nêu rõ, báo Thanh Niên ngày 3/6, có đăng bài "Xe tư nhân gắn biển số xanh và 'di sản' của Phó chủ tịch Hậu Giang". Tổng bí thư yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng với các cơ quan, địa phương liên quan nhanh chóng tổ chức việc kiểm tra, kết luận, coi đây là việc cần làm ngay và báo cáo kết quả với Ban Bí thư.

Ngày 14/6, ông Thanh có đơn xin rút khỏi danh sách đề nghị tái cử chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2016-2021.

Ngày 16/6, ông Thanh không có tên trong tờ trình của UBND tỉnh trình HĐND khóa mới tại kỳ họp lần thứ nhất để bầu các Phó chủ tịch UBND.