Dân Việt

Tăng tuổi nghỉ hưu để ứng phó già hóa: Không dễ thực hiện

Minh Nguyệt 08/09/2016 06:15 GMT+7
Việt Nam đang bước vào thời kỳ dân số vàng, kèm theo đó là xu hướng già hóa dân số “phi mã”. Để ứng phó với việc này, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đã chỉ ra, cần phải tăng tuổi nghỉ hưu của lao động. Thế nhưng, việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng không hề đơn giản.

Câu chuyện cũ

Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu được đặt ra từ khá lâu ở Việt Nam, không đơn thuần chỉ là ứng phó với già hóa dân số trong tương lai mà còn bởi nó là vấn đề đảm bảo quyền bình đẳng giới, hay là để đảm bảo cân bằng quỹ lương hưu… Mặc dù đã được nhắc tới từ năm 2014, nhưng tới nay Việt Nam vẫn chưa thể đưa ra quyết định nâng tuổi nghỉ hưu bởi nhiều lý do.

Số liệu từ Bộ Y tế cho thấy, hiện có hơn 10,5% dân số Việt Nam là người cao tuổi (trên 60 tuổi). Con số này sẽ tăng rất nhanh khi mà quá trình già hóa ở Việt Nam đang diễn ra với tốc độ “phi mã”. Trong khi các quốc gia phát triển khác quá trình già hoá dân số mất 70-100 năm thì ở Việt Nam chỉ mất 15 năm. Do đó nếu trong vài chục năm nữa, nếu Việt Nam không tận dụng sức lao động của người già thì thị trường lao động sẽ thiếu hụt nghiêm trọng.

img

Lao động già ở Việt Nam chủ yếu làm nông nghiệp.  Ảnh M.N

Trao đổi về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu để ứng phó với việc già hóa dân số, nguy cơ thiếu lao động trong tương lai tại hội thảo khu vực châu Á-Thái Bình Dương “Những tác động kinh tế của già hóa”, ông Nguyễn Trọng Đàm - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng: “Việt Nam đã nghiên cứu và nghĩ tới tăng tuổi nghỉ hưu để thích ứng với già hoá dân số và đảm bảo tận dụng, toàn dụng năng lực, trình độ, chuyên môn của lớp người cao tuổi, đã bắt đầu bước sang tuổi hưu hiện nay. Tuy nhiên, việc tăng tuổi làm việc phụ thuộc nhiều yếu tố. Ví như khi nguồn nhân lực xã hội không đáp ứng được sự phát triển kinh tế thì ta mới phải tính đến phương án tăng tuổi hưu”.

Ông Đàm cũng cho biết, hiện nay Chính phủ cũng đang rất đau đầu trong việc cân đối trong việc sử dụng nguồn nhân lực, làm sao vừa sử dụng được người già mà vẫn tạo cơ hội cho lao động trẻ phát triển. Để cân bằng, vấn đề cốt lõi là phải phát triển kinh tế, tạo ra nhiều việc làm đa dạng cho lao động. Thực tế, tại Việt Nam chỉ có khu vực chính thức quy định tuổi nghỉ hưu, còn phần lớn khu vực phi chính thức người già vẫn làm việc, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Ông Eduardo Klien- Giám đốc khu vực, Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi quốc tế cho rằng: “Không dễ để tăng tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam. Nếu Việt Nam tăng tuổi nghỉ hưu để ứng phó với già hóa, các bạn cũng nên cân nhắc tới vấn đề giới, về sức khỏe trong lao động. Không thể áp dụng việc tăng tuổi nghỉ hưu trong tất cả các ngành nghề, bao gồm cả những công việc vất vả”.

Nhiều việc làm cho người già

Nói về nỗi lo người trẻ còn đang thất nghiệp, nếu tận dụng “sức già” thì người trẻ càng có nguy cơ cao “ra đường”- ông Giang Thanh Long - Viện trưởng Viện Chính sách công và Quản lý (ĐH Kinh tế quốc dân) khẳng định, mỗi người có một thế mạnh riêng, nếu ai có năng lực, còn sức khoẻ thì không kể tuổi tác. Còn người không có năng lực mà trẻ tuổi cũng khó có việc. “Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đã nghĩ tới điều này. Ở một số lĩnh vực như y tế hay giáo dục, nếu lao động về hưu vẫn có mong muốn ở lại cống hiến thì sẽ được bố trí công việc theo đúng năng lực” – ông Long nói.

Ông Long cũng cho rằng có nhiều những công việc phù hợp với người già như: Nghiên cứu khoa học, giảng viên, lái xe taxi, dọn dẹp, cố vấn cho các lĩnh vực… Tùy thuộc vào khả năng, trình độ, sức khỏe để người già có thể lựa chọn.

Năm 2010 cứ 11 người Việt Nam có 1 người cao tuổi thì 15 năm nữa vào năm 2030 dự kiến 6 người Việt Nam có 1 người cao tuổi. Tiếp tục như vậy thì 50 năm nữa cứ 4 người Việt Nam lại có 1 người cao tuổi. Dân số già hóa quá nhanh, buộc Chính phủ Việt Nam phải tính đến bài toán sử dụng nguồn lực này”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Hiện nay, người lớn tuổi ở Việt Nam vẫn đang lao động, nhưng chủ yếu làm các công việc giản đơn trong lĩnh vực nông nghiệp, tại gia đình. Những công việc này nhiều khi không được trả lương, không được thống kê trong việc đóng góp cho GDP toàn xã hội.

Ông Long cho rằng tương lai cần phải thay đổi điều này. “Chất lượng lao động già sẽ được cải thiện đáng kể vào 20 năm nữa. Vì vậy, họ có thể đảm nhiệm nhiều công việc đòi hỏi tính chuyên nghiệp, sự chuyên môn hóa cao hơn từ đó nâng cao năng suất lao động” – ông Long phân tích.

Ông Philip O’Keefe-chuyên gia Kinh tế xã hội và Lao động toàn cầu (Ngân hàng Thế giới) cũng cho rằng: “Sự tham gia thị trường lao động không phụ thuộc vào lứa tuổi”. 

Thực tế, có rất nhiều người lớn tuổi có thể làm việc sau khi họ nghỉ hưu khi họ vẫn khỏe. Vấn đề chỉ là ngoài những kỹ năng đã có, họ cũng cần được tập huấn thêm các kỹ năng mới để phù hợp với những công việc mới mà họ có thể đảm nhiệm.