Dân Việt

Chủ hàng trên xe tải cứu xe mất phanh cũng đáng được tuyên dương

Bùi Hoàng Tám 09/09/2016 09:03 GMT+7
Trong vụ tài xế cứu xe tải mất phanh, còn một người nữa cũng rất đáng được tuyên dương. Đó là vị chủ hàng “vô danh”, người đã đồng ý cho tài xế Phan Văn Bắc thực hiện hành động đầy mạo hiểm này bởi nếu không có sự đồng ý của chủ hàng, anh Bắc khó có thể có hành động này.

Trong mắt nhân dân, anh Bắc đã là một anh hùng, anh hùng thật sự chứ không phải “anh hùng khai man” như vị cựu Bí thư Thừa Thiên – Huế Hồ Xuân Mãn và cũng không phải anh hùng “thỏa đáng, rất thỏa đáng” như Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam thời ông Trịnh Xuân Thanh, để rồi năm trước “Anh hùng”, năm sau tan nát.

Một người tài xế bình thường đã được nhiều trang báo đăng tải, cộng đồng mạng xôn xao cảm kích, có người đề nghị phong tặng danh hiệu “Anh hùng”, có bạn đọc gửi số điện thoại về báo Dân trí đề nghị cho biết địa chỉ để gửi biếu anh 10 triệu đồng. Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng tuyên dương, khen thưởng…

Anh là Phan Văn Bắc (30 tuổi, ngụ thôn 6 xã Đạ Oai, H. Đa Huoai, Lâm Đồng), lái xe biển kiểm soát 49C-098.51.

img

Anh Phan Văn Bắc kể lại hành động dùng xe tải dìu chiếc xe khách mất thắng. Ảnh: Báo Lâm Đồng

Vào khoảng 14 giờ 30 ngày 6.9, trên đoạn đèo Bảo Lộc (Đạ Huoai, Lâm Đồng), anh Bắc phát hiện chiếc xe khách BS 53N- 2824 của Công ty TNHH Thương mai dịch vụ Tấn Hà do tài xế Toàn 40 tuổi (Cần Đước, tỉnh Long An) chở 30 du khách từ Đà Lạt về TP.HCM đang lao rất nhanh, có biểu hiện mất phanh và nguy cơ lao xuống vực. Hỏi nhanh ý kiến chủ hàng và được đồng ý, anh Bắc ra hiệu cho xe anh Toàn “kế” vào đuôi xe của mình để dìu xuống chân đèo trên đoạn đường dài hơn 500m.

Do tốc độ xe khách quá cao nên cú va chạm làm đầu xe khách hư hỏng nặng, song toàn bộ số hành khách trên xe và tài xế đã an toàn, hơn 30 người thoát nạn trong gang tấc.

Mưu trí, dũng cảm và một hành động anh hùng. Đó là những cụm từ được nhắc đi, nhắc lại trong các comment bạn đọc gửi về.

Hành động của tài xế Phan Văn Bắc đúng là rất thông minh và dũng cảm. Thông minh vì anh đã tìm ra phương cách xử lý nhanh nhất trong thời gian chỉ tính bằng giây. Dũng cảm bởi không phải ai cũng đủ can đảm “đỡ” một chiếc xe nặng nhiều tấn, lao với tốc độ đổ đèo khi mất phanh mà hậu quả thì không thể lường trước. Thậm chí, xe của anh Bắc hoàn toàn có thể bị xe của anh Toàn xô xuống vực sâu.

Song, vượt lên trên tất cả là một tấm lòng vàng. Chỉ có một tấm lòng vàng, dám xả thân mình cứu giúp người khác mới có một hành động như anh Bắc đã làm.

Chính vì thế, khi chiếc xe du lịch được dìu xuống chân đèo, tất cả hành khách đã ôm chầm lấy anh Bắc để bày tỏ lòng biết ơn vô hạn.

img

(Chiếc xe tải bị móp đuôi của anh Bắc)

Không có hành động anh hùng của anh Bắc thì hôm đó, sẽ có những người và thậm chí, có thể có nhiều người mãi mãi không được trở về căn nhà của mình nữa.

Cũng cần nói thêm, đèo Bảo Lộc vốn nổi tiếng với nhiều vụ tai nạn thương tâm mà gần đây nhất, cuối tháng 4/2016, một vụ tai nạn thảm khốc đã làm 6 người bị thương vong.

Vì thế, rất nhiều người đã lên tiếng đề nghị tặng thưởng xứng đáng cho anh Bắc, có người còn đề nghị Ủy ban An toàn giao thông làm hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Từ nước Nga, Tổng Biên tập báo điện tử Dân trí Phạm Huy Hoàn cho biết, đề tài này đã được lãnh đạo một số báo từng nhiều năm ở nước Nga bàn luận như Phó TBT báo Nhi Đồng Phan Việt Hùng,TBT báo Dân Việt Lưu Quang Định, TBT Đại Đoàn kết Hồng Thanh Quang… bàn luận và cho biết, theo nguồn của báo chí Nga đã có 23 người đã được tôn vinh Anh hùng Liên bang Nga qua những việc cứu người trong các vụ tai nạn.

Tất nhiên, việc phong tặng danh hiệu Anh hùng ở Việt Nam vốn “không đơn giản” nhưng trong mắt nhân dân, anh Bắc đã là một anh hùng, anh hùng thật sự chứ không phải “anh hùng khai man” như vị cựu Bí thư Thừa Thiên – Huế Hồ Xuân Mãn và cũng không phải anh hùng “thỏa đáng, rất thỏa đáng” như lời của bà Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà với việc phong danh hiệu Anh hùng cho Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam thời ông Trịnh Xuân Thanh, để rồi năm trước “Anh hùng”, năm sau tan nát.

Song, còn một người nữa cũng rất đáng được tuyên dương. Đó là vị chủ hàng “vô danh”, người đã đồng ý cho tài xế Bắc thực hiện hành động đầy mạo hiểm này bởi nếu không có sự đồng ý của chủ hàng, anh Bắc khó có thể có hành động này.

Người xưa có câu: “Cứu một người phúc đẳng hà sa”, anh Bắc, vị chủ hàng và cả người phụ lái đã cứu giúp cho hàng chục con người tức là sẽ có hàng chục lần “phúc đẳng hà sa”.

Một lần nữa, chúng ta hãy cùng nhau bày tỏ sự khâm phục sự thông minh, dũng cảm của “người anh hùng thật sự” Phan Văn Bắc, phải không các bạn?