Nếu kỳ thi THPT quốc gia 2017 áp dụng thi trắc nghiệm môn Toán, sẽ có nhiều lợi ích như kiểm tra được kiến thức cơ bản, tránh được tiêu cực trong kỳ thi. Nhưng ngược lại, thi trắc nghiệm cũng dễ khiến học sinh học vẹt, làm ẩu, khó phân loại.
Đặc biệt, thời gian 9 tháng từ giờ tới thời điểm thi THPT quốc gia 2017 không đủ để chuẩn bị thi trắc nghiệm môn Toán. Ngoài ra, chương trình học hiện nay của bậc THPT chưa phù hợp hình thức này.
Thí sinh tại cụm thi ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP HCM. Ảnh: Phước Tuần.
Thi trắc nghiệm Toán giúp kiểm tra kiến thức cơ bản
Với hình thức tự luận, đề thi chỉ có 10 câu, phải trình bày chính xác từng dòng để đạt điểm tối đa (điểm chấm chi tiết đến 0,25 mỗi bước), học sinh học dập khuôn theo mẫu, không sáng tạo, thì với thi trắc nghiệm, thí sinh có thể dùng nhiều cách để tìm ra đáp án. Điều quan trọng là kết quả cuối cùng, không phải lo khâu trình bày bài.
Môn Toán chú trọng tính toán chuẩn trong thời gian nhanh nhất, chứ không yêu cầu khả năng diễn đạt như Ngữ văn, nên hoàn toàn có thể thi bằng trắc nghiệm.
Đề thi tự luận cũng không bao quát được hết kiến thức học suốt 3 năm phổ thông, trong khi thi trắc nghiệm giúp tránh tình trạng học lệch, ôn tủ.
50 câu trắc nghiệm cũng loại bỏ được những tiêu cực trong kỳ thi. Trong 90 phút, thí sinh có muốn quay cóp, mở tài liệu cũng không thể.
Thi trắc nghiệm môn Toán đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng từ lâu, tiêu biểu như SAT (Scholastic Aptitude Test), kỳ thi chuẩn đánh giá những kỹ năng cần thiết, điều kiện bắt buộc để tuyển sinh vào các trường đại học của Mỹ và một số nước.
Các bài thi SAT không kiểm tra kiến thức mà chú trọng kỹ năng ứng dụng kiến thức để giải quyết vấn đề. Chính vì vậy, các câu hỏi trong bài thi này không khó, chủ yếu yêu cầu người giải tìm ra cách làm thông minh, đạt được kết quả nhanh nhất.
Trong xu hướng hội nhập như hiện nay, việc xây dựng những chuẩn đề thi tương tự thế giới rất cần thiết.
9 tháng không đủ để giáo viên và học sinh "kịp trở tay"
Tại các nước có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, đề thi THPT không quá khó, chủ yếu kiểm tra kiến thức cơ bản. Những dạng toán mà học sinh Việt Nam quen thuộc như tích phân, hàm số, hình học không gian, nước bạn chỉ dành cho sinh viên nghiên cứu chuyên sâu về Toán ở bậc đại học.
Suốt 12 năm, học sinh được dạy và học chuẩn bị cho bài thi dạng tự luận, nay chỉ còn 9 tháng để làm quen dạng đề mới sẽ không kịp để thích nghi. Thầy cô giáo cũng không kịp chuẩn bị để hướng dẫn cách thi mới cho học trò. Cha mẹ chưa kịp làm quen với cách thi mới của con.
Vì thế, Bộ GD&ĐT nên có lộ trình 3 năm để thầy và trò cùng làm quen, luyện tập, tránh gây hoang mang.
Bên cạnh đó, về cấu trúc đề, những câu hỏi đại số, yêu cầu tính toán bằng máy tính, tính nhẩm, thời gian làm trung bình 1,8 phút một câu là vừa đủ. Nhưng với những bài hình học, hình học không gian, riêng việc vẽ hình đã mất từ 6-8 phút, chưa kể thời gian tưởng tượng hình. Các bài toán hàm số, vẽ đồ thị cũng phải mất tới 5 phút. Chính vì vậy, đề thi nếu không có sự phân bổ phù hợp, dễ làm khó thí sinh.
Điều cần quan tâm nữa là độ dài của đề thi trắc nghiệm. Để giải quyết được 50 câu trong 90 phút với nhiều dạng bài, học sinh cần có kiến thức rộng, học đều, tư duy nhanh nhạy, khả năng tính nhẩm nhanh, viết nhanh, bấm máy tính cũng cần nhanh.
Một loạt các yêu cầu này dễ khuyến khích học sinh học vẹt, học thuộc, chứ không dành thời gian suy nghĩ độc lập và tư duy phân tích.
Cũng không loại bỏ khả năng đề thi quá dài, thời gian ít dẫn tới việc thí sinh làm ẩu, tích bừa đáp án. Với 1,8 phút một câu, thí sinh không có thời gian kiểm tra lại bài, trong khi đây là bước quan trọng của môn Toán.
Cũng chính từ điều này, đề thi trắc nghiệm khó phân loại học sinh khá giỏi. Nếu đề thi tự luận có câu điểm 9, 10, thì thi trắc nghiệm, học sinh trung bình cũng có thể đánh bừa vào đáp án chính xác.
Ý tưởng thi trắc nghiệm sẽ rất phù hợp nếu có một sự chuẩn bị kỹ từ phía những nhà quản lý, người ra đề, thầy cô, và đặc biệt kiến thức cũng như tâm lý của thí sinh.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.