Dân Việt

13 năm nhà máy Xi măng Long Thọ bức tử môi trường

An Sơn 10/09/2016 06:22 GMT+7
Sau 13 năm kể từ khi bị Chính phủ liệt vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và sau 6 năm từ khi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có chủ trương di dời, Nhà máy Xi măng Long Thọ (phường Thủy Biều, TP.Huế) vẫn tiếp tục “bức tử” môi trường.

Lao đao vì ô nhiễm

Theo Quyết định 64/2003 của Thủ tướng Chính phủ, nhà máy Xi măng Long Thọ là một trong những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý triệt để. Sau khi có quyết định trên, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế triển khai di dời toàn bộ Nhà máy Xi măng Long Thọ ra khỏi thành phố Huế vào năm 2010. Do gặp nhiều vướng mắc nên sau đó tỉnh lùi thời gian thực hiện di dời vào năm 2012. Tuy nhiên, việc thực hiện di dời nhà máy sau đó gần như giẫm chân tại chỗ. Đến năm 2014, tỉnh lại phát văn bản ấn định thời gian hoàn thành di dời toàn bộ nhà máy là vào tháng 6.2016.

img

Nhà máy Xi măng Long Thọ vẫn tiếp tục hoạt động và gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: An Sơn

Vậy nhưng, đến nay, Nhà máy Xi măng Long Thọ vẫn tiếp tục hoạt động và gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, khiến cuộc sống của hàng loạt hộ dân bị ảnh hưởng. Bà Hoàng Thị Nhung, sống gần nhà máy bức xúc cho biết: “Cách đây hơn 6 năm, nghe tin tỉnh có chủ trương di dời nhà máy, gia đình tôi rất phấn khởi. Nhưng đến nay nhà máy vẫn chưa được di dời, gia đình tôi vẫn hàng ngày phải sống trong sự ngột ngạt bởi khói bụi và tiếng ồn”- bà Nhung bức xúc.

Cùng cảnh ngộ với gia đình bà Nhung là hàng trăm hộ dân khác sống xung quanh Nhà máy Xi măng Long Thọ. Ông Nguyễn Hữu, một người dân khác cho biết, ngoài tiếp tục sản xuất xi măng gây khói bụi mù mịt, hoạt động nổ mìn khai thác đá của nhà máy khiến người dân sống trong sợ hãi. “Là dân thành phố mà chúng tôi luôn luôn phải sống trong sự bất an bởi tiếng mìn nổ đinh tai nhức óc. Tội nhất là mấy đứa nhỏ, đang nằm ngủ nghe tiếng mìn nổ là giật mình khóc thét lên” - ông Hữu nói.

Chờ đến bao giờ?

Ông Nguyễn Việt Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TNMT) tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, để di dời Nhà máy Xi măng Long Thọ, UBND tỉnh đã thành lập một tổ công tác nhằm xây dựng phương án, bồi thường, hỗ trợ doanh nghiệp, giải quyết chính sách cho người lao động… Trước đây, tổ công tác đã xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ công ty di dời với số tiền khoảng 90 tỷ đồng. Tuy nhiên, do tỉnh cho rằng giá trị bồi thường này quá cao nên tỉnh đề nghị tổ công tác đề ra phương án khác với giá trị bồi thường thấp hơn. Hiện tổ công tác đang tiếp tục nghiên cứu phương án di dời khác để trình UBND tỉnh phê duyệt.

Ông Hùng cũng cho biết, theo quy định, Nhà máy Xi măng Long Thọ phải ngừng sản xuất vào tháng 6 vừa qua, việc đến nay nhà máy này vẫn hoạt động là trái quy định. “Tỉnh muốn di dời nhà máy này càng sớm càng tốt, do khu vực nhà máy tọa lạc đã được quy hoạch phát triển du lịch. Mặt khác, hiện công nghệ sản xuất xi măng bằng lò đứng của nhà máy không còn phù hợp vì công nghệ này đã quá lạc hậu”- ông Hùng nói.

Theo ông Hoàng Thăng Long - Chủ tịch UBND phường Thủy Biều, việc Nhà máy Xi măng Long Thọ gây ô nhiễm môi trường đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trên địa bàn phường trong thời gian dài. Ông Long mong tỉnh sớm thực hiện di dời nhà máy để người dân địa phương thoát khỏi cảnh sống chung với ô nhiễm.