Dân Việt

Khơi dậy khát vọng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Ngọc Lê (ghi) 10/09/2016 09:45 GMT+7
Ngày 8.9, tại Diễn đàn “Phát triển Doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã có bài phát biểu đánh giá sâu sắc về tiềm năng, lợi thế của ngành nông nghiệp.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề cập đến những khó khăn thách thức mà ngành đang phải đối mặt, trong đó khẳng định vai trò của doanh nghiệp là hạt nhân, là cầu nối quyết định một nền sản xuất hàng hóa hướng đến xuất khẩu. NTNN xin trích đăng lại bài viết của ông Nguyễn Xuân Cường- Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT.

 Manh mún, nhỏ lẻ

Phải khẳng định 30 năm qua, thực hiện nền kinh tế đổi mới về nông nghiệp, chúng ta đã có thành công cốt lõi là chuyển từ một nền nông nghiệp tự cung, tự cấp thiếu ăn, mỗi năm nhập khẩu đến 2 triệu tấn gạo sang một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, vừa đảm bảo đủ thực phẩm cho 90 triệu dân và còn dành xuất khẩu đến 30 tỷ USD, trong đó thặng dư tuyệt đối gần 10 tỷ USD. Khẳng định rằng, kết quả trong 30 năm đổi mới rất đáng trân trọng, chúng ta đã có tới trên 10 mặt hàng xuất khẩu thứ hạng thế giới, hiện nay có 12 mặt hàng xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên.

img

Sản xuất rau nhà kính tại Tập đoàn Vingroup. Ảnh: T.L

img

Kết quả trong 30 năm đổi mới vừa qua rất đáng trân trọng, chúng ta đã có tới trên 10 mặt hàng xuất khẩu thứ hạng thế giới, hiện nay có 12 mặt hàng xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên”.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường

Tuy nhiên, hiện nay nhìn nhận, đánh giá cơ bản nền nông nghiệp Việt Nam chúng ta vẫn là nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, sức cạnh tranh, năng suất lao động, năng suất kinh tế rất thấp; đời sống thu nhập của bà con nông dân chúng ta bình quân mới chỉ 24 triệu đồng/người/năm. Nhiều vùng kinh tế khó khăn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa thì đời sống còn khó khăn hơn nhiều.

Bên cạnh đó, chúng ta hiện nay nền nông nghiệp đang phải đối mặt với 3 thách thức rất lớn. Thách      thức thứ nhất là hội nhập kinh tế mà nền tảng của chúng ta sản xuất nông nghiệp là 13 triệu hộ, mỗi hộ 0,3ha, như vậy hết sức khó khăn cho công nghiệp hóa vào lĩnh vực nông nghiệp, tổ chức sản xuất hàng hóa tập trung, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào, hình thành vùng sản xuất lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị cao. Đây là một điểm rất khó.

Thách thức thứ hai, chúng ta đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt và hơn cả mức dự báo của chúng ta đã kịch bản năm 2012. 6 tháng đầu năm 2016 chúng ta đã biết tác động khốc liệt tất cả 7 vùng kinh tế xã hội của Việt Nam tổn thương, đặc biệt trong những vùng trọng điểm nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long lần đầu bị giảm lương thực tới 1,3 triệu tấn; toàn bộ Tây Nguyên, toàn bộ Nam Trung Bộ hạn nặng. 

Thách thức lớn thứ ba là hội nhập kinh tế thế giới. Sau khi chúng ta vào WTO năm 2007, hiện ta đã tiến hành ký kết, đang thực hiện 7 AFTA (khu vực thương mại tự do ASEAN), tiến tới tiến hành thực hiện 6 AFTA mới nữa cho thấy về mặt tích cực, chúng ta đang mở rộng, hội nhập sâu rộng với đời sống kinh tế thế giới. Đây là một cơ hội mở rộng thị trường để cho hàng hóa chúng ta xuất khẩu. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, sự thách thức ở giai đoạn ban đầu là cực kỳ căng thẳng, nếu chúng ta không tổ chức tốt, nền nông nghiệp không được hiện đại hóa, không chỉ hàng hóa Việt Nam không đi được quốc tế mà chính chúng ta sẽ bị thua trên sân nhà. Riêng năm 2015, chúng ta đã phải nhập tới 350.000 con bò.

Sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, chúng ta có thể khẳng định chương trình bước đầu đã có được kết quả ở các quy mô, mức độ, ngành hàng khác nhau. Về quy mô, chúng tôi có thể thấy rằng, tất cả 63 tỉnh, thành đã có sự chuyển biến. Ở các cấp độ khác nhau, tất cả 7 vùng kinh tế - xã hội, chương trình áp dụng công nghệ cao của Lâm Đồng với 25% diện tích hiện nay thu nhập bình quân tới 254 triệu đồng/ha.

Về phân khúc ngành, có nhiều ngành đã tiếp cận được tái cơ cấu và hiệu quả. Về ngành chăn nuôi, chăn nuôi lợn đến hiện nay của chúng ta sức sản xuất đã đạt tới trên 4 triệu tấn, 55% sản phẩm lợn thịt được tổ chức ở những trang trại trung bình, trang trại lớn với quy mô hiện đại tất cả các khâu từ giống, thức ăn, chuỗi chế biến đã được tiếp cận sự hiện đại…

Tuy nhiên, những hiện tượng này, những quy mô này chưa trở thành phổ biến trong nền sản xuất của xã hội. Con số chứng minh là 3.416 doanh nghiệp tham gia vào nông nghiệp trên tổng số 500.000 doanh nghiệp đã chỉ rõ điều đó. Từ các kết quả vừa qua, chúng tôi đánh giá rất cao khu vực các doanh nghiệp vừa là vai trò hạt nhân, vừa là vai trò liên kết và khẳng định rằng, qua các mô hình xuất khẩu, sản xuất theo chuỗi, chính doanh nghiệp là hạt nhân, cầu nối quyết định nền sản xuất hàng hóa hướng đến xuất khẩu. Đây là động lực tới của sản xuất Việt Nam.

Tiềm năng nông nghiệp Việt Nam còn rất lớn

Vì vậy, có câu hỏi đặt ra là tại sao doanh nghiệp chưa vào nhiều khu vực nông nghiệp? Phải chăng đất nước chúng ta không còn tiềm năng phát triển một nền nông nghiệp hiện đại hay cơ chế, chính sách chúng ta chưa đủ hay là còn những vấn đề gì khác?

Về tiềm năng, phải khẳng định tiềm năng phát triển nông nghiệp Việt Nam còn tốt, chúng ta khái quát về mặt địa hình là “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”, 16 triệu ha rừng của Việt Nam mặc dù hiện nay chỉ còn một nửa, năng suất gỗ chỉ bằng 40% thế giới, năng suất chế biến chỉ bằng 30% thế giới, nhưng nhìn ở góc độ tiềm năng, đây là tiềm năng lớn.

Về biển, chúng ta là một quốc gia biển, 28 trên 63 tỉnh duyên hải của chúng ta với một diện tích 1 triệu km2 bờ biển, 5 ngư trường lớn với công suất khai thác ổn định, khai thác sâu từ 3-4 triệu tấn. Chúng ta có vùng nội địa 1 triệu ha đủ sức để có thể hình thành một ngành kinh tế thủy sản lớn mạnh trên thế giới. Còn dải đất liền chúng ta, 10 triệu ha trải dài trên 15 vĩ độ, ¾ là núi và cao nguyên, tạo ra một sinh thái hết sức đa dạng về khí hậu, thổ nhưỡng, về đa dạng sinh học. Ngoài ra, tiềm năng nữa của chúng ta là một quốc gia 60 triệu lao động đang trong giai đoạn dân số vàng, mỗi năm có nửa triệu sinh viên tốt nghiệp đại học và cao đẳng. Đó là nguồn nhân lực rất tốt. Như vậy, có thể khẳng định, tiềm năng phát triển nông nghiệp của chúng ta là còn.

Còn một điều nữa là khát vọng, làm sao ở cả các cấp bộ, ban, ngành, chính phủ cho đến các địa phương, khát vọng của doanh nghiệp chúng ta, khát vọng của người dân chúng ta tổng hợp lại thì mới khai thác hết tiềm năng đó.

Bộ NNPTNT sẽ có chương trình để tiếp cận, tạo ra những diễn đàn với các doanh nghiệp đầu tư khu vực nông nghiệp tập trung vào 3 nội dung lớn: Một là, tập trung khai thác lợi thế của 10 sản phẩm nông sản có tính thương hiệu quốc gia từ 1 tỷ USD trở lên; Thứ hai, tập trung vào phân khúc những sản phẩm chủ lực của tình, thí dụ như vải thiều Lục Ngạn, nhãn Hưng Yên, các tỉnh đều có mặt hàng lợi thế riêng của mình. Riêng vải thiều Lục Ngạn năm qua thắng lợi 5.000 tỷ đồng. Nhóm thứ ba, tập trung vào những sản phẩm mang tính chất đặc sản của từng tiểu vùng theo mô hình OCOP của Quảng Ninh, mỗi làng một sản phẩm – một chương trình mới thực hiện được 3 năm, nhưng đã hơn 100 doanh nghiệp ra đời ở khu vực đó, hơn 100 HTX kiểu mới, tạo ra hơn 238 sản phẩm có thương hiệu hàng hóa, tiêu thụ trên thị trường rất tốt. Ba phân khúc của 3 dạng sản phẩm sẽ có những chương trình gặp mặt, trao đổi, đề xuất để các doanh nghiệp tập trung hơn vào 3 nhánh sản phẩm để làm sao thúc đẩy sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, xây dựng kinh tế nông thôn, chương trình tái cơ cấu nông nghiệp được phát triển.