Phúc Sen được biết đến với nghề rèn và dệt thổ cẩm nổi tiếng của đồng bào dân tộc Tày. Từ mấy năm nay, nghề truyền thống này đã trở nên khấm khá, đời sống được cải thiện, nhưng nỗi lo về nghèo đói vẫn thường trực do đầu ra còn nhiều bấp bênh.
Cơ sở hạ tầng ở Phúc Sen còn rất nhiều hạn chế. |
Theo ông Lương Văn Lượng- Bí thư Đảng ủy xã Phúc Sen, toàn xã hiện có 420 hộ với hơn 1.900 khẩu trong đó có 57 hộ nghèo chiếm gần 14%. Ông Lượng cho biết: "Do dân số chủ yếu là người Tày và số ít người Mông, nên việc xóa nghèo tiến tới làm giàu gặp không ít khó khăn, nhất là việc thay đổi tập quán sản xuất truyền thống theo hướng áp dụng các tiến bộ khoa học.
Hiện nay, dù trên địa bàn xã có khá nhiều các dự án của Nhà nước, tỉnh nhưng người dân vẫn chưa đủ năng lực để quản lý, đặc biệt là các dự án lớn vì thế chính quyền phải thường xuyên tuyên truyền, tập huấn cho bà con".
Có một thực tế ở Phúc Sen là, đồng bào vẫn chưa có kế hoạch làm ăn khoa học. "Đồng bào làm nhiều, chi tiêu cũng nhiều nhất là trong việc ma chay, cưới xin, thậm chí cả sinh nhật, vì vậy số vốn tích cóp được trong một năm không đáng là bao"- ông Lượng giãi bày.
Để thay đổi tập quán này, Phúc Sen đang rất cần đến đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, có năng lực, sâu sát đồng bào để phổ biến kiến thức, vận động bà con chi tiêu tiết kiệm, tránh lãng phí. Tuy nhiên, hiện đội ngũ cán bộ này thiếu cả về số lượng và yếu về năng lực dù đã được tỉnh và huyện hỗ trợ đào tạo.
Ông Linh Văn Phù- Chủ tịch UBND xã Phúc Sen nói: "Kiếm được cán bộ trẻ giỏi, có năng lực ở xã miền núi bốn bề núi đá này khó như… lên trời. Nhiều khi anh em cán bộ xuống cơ sở, tôi phải kiêm luôn công việc cả văn thư, cán bộ văn phòng".
Ông Linh Văn Phù
Chia sẻ với chúng tôi về những hướng đi sắp tới để xây dựng bộ mặt NTM hiện đại cho địa phương, ông Phù bảo, qua kinh nghiệm làm cán bộ hàng chục năm, ông cho rằng, điều đầu tiên là vẫn phải đột phá vào xây dựng cơ sở hạ tầng bao gồm đường, điện, nước, hệ thống mương nội đồng.
"Xã có nghề truyền thống nhưng địa hình núi đá chia cắt phức tạp, nếu không xây dựng hạ tầng cơ sở tốt thì việc giao dịch, buôn bán với các địa phương khác sẽ gặp nhiều khó khăn. Có đường, việc buôn bán thuận lợi, giá thành sản phẩm sẽ rẻ hơn, thị trường tiêu thụ sẽ rộng hơn, bà con sẽ chí thú với nghề truyền thống hơn"- ông Phù lý giải.
Bên cạnh khó khăn về hạ tầng, công tác thú y hiện cũng còn nhiều bất cập. Trong cả năm 2010 dù xã đã có công văn chỉ đạo, đôn đốc, thậm chí cán bộ xuống tận cơ sở nhưng cuối cùng chỉ có 2 xóm thực hiện tiêm phòng cho 88 con trâu (trong tổng số hàng ngàn con). "Nếu như được tăng cường đội ngũ cán bộ thú y trẻ, có năng lực được đào tạo bài bản, bà con sẽ nghe và làm theo thôi. Thiếu cán bộ giỏi, sự nghiệp xây dựng NTM của chúng tôi còn gian nan lắm" - ông Phù cho biết thêm.
Hữu Thông