Bức ảnh chấn động thế giới khi người phụ nữ ôm xác chồng mình bên vệ đường.
Tiếng đài radio kêu lẹt xẹt. Linus Guardian Escandor biết chuyện gì sắp xảy ra. Một thông báo về vụ trấn áp ma túy mới nhất sẽ được đưa ra. Ngay lập tức, Linus lên một xe bán tải cùng 4 phóng viên ảnh khác, lao vút như bay giữa phố phường Manila, xuyên qua những khu ổ chuột hay ngõ nhỏ tối đen như mực. Họ sẽ dừng chân ở nơi thi thể nằm la liệt. Lạnh cóng và đẫm máu.
Tay của họ có thể bị trói. Gương mặt nham nhở vết băng dính. Máu rỉ ra từ những vết đạn ở đầu hoặc ngực. Đây là hình ảnh thật của chiến dịch truy quét ma túy hơn hai tháng qua đã khiến ít nhất 2.500 người chết ở Philippines.
Khung cảnh ghê rợn như vậy diễn ra liên tục hằng đêm, thậm chí là hai lần một đêm. Tuy nhiên lúc 2 giờ sáng ngày 8.9, phóng viên ảnh tự do Linus không phải ra hiện trường. Anh đang ngồi ở phòng họp báo tại sở cảnh sát Manila cùng hàng chục phóng viên khác. Họ ngồi đó, TV tắt tiếng và lắng nghe tiếng lẹt xẹt của radio.
Linus nói nếu bắn người vào buổi sáng, cảnh máu me sẽ rất khủng khiếp. Tuy nhiên nếu thực hiện vào tối, màu máu sẽ bị bóng tối che khuất tạo nên hiệu ứng ánh sáng rõ ràng và tương phản hơn.
Khi Linus bắt đầu công việc ca đêm của mình năm 2014, anh chỉ đưa tin về cứu hỏa và tai nạn xe hơi. Tuy nhiên kể từ ông Rodrigo Duterte chính thức nhậm chức tổng thống Philippines, mọi chuyện thay đổi chóng mặt. Cựu thị trưởng thành phố Davao thề sẽ quét sạch tội phạm ma túy trong nửa năm và ông đang thực hiện lời mình nói thực sự quyết liệt.
Linus kể lại câu chuyện chụp lại những khoảnh khắc ám ảnh trong cuộc chiến chống ma túy ở Philippines.
Kể từ khi nhậm chức hôm 30.6 tới nay, số người chết tăng lên mỗi ngày. Chính Linus cũng cảm thấy mình như rung lên theo từng nhịp đập của đợt trấn áp ma túy cân não. Linus và đồng nghiệp hằng đêm đều cố gắng truyền tải những bức hình ấn tượng nhất về cuộc chiến khốc liệt đang diễn ra.
Ngày 23.7, Linus nhận được thông tin về một cuộc trấn áp gần đó. Họ lái xe tới hiện trường và những gì chứng kiến ám ảnh họ tới ngày hôm nay.
Một phụ nữ trẻ ngồi bệt trên vỉa hè, ôm chặt xác của chồng mình và xung quanh là ánh đèn loang loáng của máy ảnh, máy quay. Một tấm bìa carton với dòng chữ “Kẻ buôn ma túy” đặt dưới chân họ. “Bảo bố tôi đến đây ngay”, người phụ nữ gào khóc thảm thiết. “Giúp chúng tôi với”.
“Tất cả chúng tôi đều sững người”, Linus nhớ lại. “Đó là lần đầu tiên chúng tôi có cảm xúc này”.
Linus tin rằng đây chính là bức ảnh để đời của anh. Một bức ảnh chớp lại khoảnh khắc xúc động có thể khiến suy nghĩ về chiến dịch trấn áp ma túy thay đổi phần nào. Linus từng cho rằng bức ảnh này sẽ giống “Em bé napalm” hồi chiến tranh Việt Nam cho thấy sự khốc hại của cuộc chiến. Hoặc bức ảnh năm 1993 khi con kền kền háu đói chuẩn bị ăn thịt cậu bé người Sudan đói lả nằm chờ chết trên sa mạc.
Linus đặt tên bức ảnh là “The Pieta”, theo tên của tác phẩm điêu khắc năm 1499 của danh họa Michelangelo. Bức tượng miêu tả Đức mẹ đồng trinh ôm chặt xác của Chúa Jesus.
Ngày hôm sau, nhật báo Inquirer của Philippines đăng tải bức hình này ở trang nhất của tờ báo. Dòng tít bên dưới ghi: “Nhà thờ: Ngươi chớ giết người”.