Dân Việt

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp HVNCLC Vũ Kim Hạnh và hai câu chuyện về "Hoa Sen"

Vũ Kim Hạnh 12/09/2016 14:25 GMT+7
Bài viết đầy cảm động của bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đăng trên VietnamFinance nhân câu chuyện dự án thép Hoa Sen Cà Ná đang thu hút không ít lo ngại của dư luận, trong khi một dự án "Hoa Sen" đầy tốt đẹp khác lại đang có nguy cơ tan vỡ.

“2h khuya, tôi chợt thấy bức ảnh hai chị em trên facebook. Tiến áo trắng học trò cười rất hiền, an nhiên.

Nửa đêm, tôi nhìn em cười mà lạnh người. Sáng nay nhà vừa đưa em đi hỏa táng rồi. Tiến 17. Chết vì ung thư, Phát hiện chỉ cách đây 5 tháng. Hôm đó, vừa nghe em vào bệnh viện, tôi chạy vô thăm thì người nhà vừa tức tốc đưa em về. Vì em hoảng hốt và xuống tinh thần ghê quá. Mới vô phòng, sáng một chú giường bên qua đời. Chiều, một anh nữa lại ra đi.

Tôi đến viếng tang em, khách toàn dưới 20. Tôi thấy 4 bạn trẻ cùng lứa để tang. Má Tiến nói, mấy cháu đòi để tang bạn, tôi không cho nhưng các cháu dẫn cha mẹ lại cùng xin cho cháu, tôi đành phải chịu. Các bạn kể, Tiến thương bạn, chăm sóc, chở che, khuyên bảo. Mấy bạn nghèo, thiếu ăn, chiều chiều Tiến dẫn về nhà bới cơm nguội cho ăn. Có bạn mất xe đạp, Tiến lén mẹ đi làm kiếm đủ tiền cho bạn mua xe…

Vậy mà Tiến phải chết. Bản án của môi trường sống, đột ngột, khủng khiếp. Gần đây tôi cứ nghe quá chừng người quen bị ung thư. Tiến sợ, gia đình và cả bạn bè sợ, hôm Tiến trở nặng, tối nào tôi cũng nghĩ tới em, thầm mong phép lạ, không ngờ em đi nhanh quá sức.

Tiến có ánh mắt vui, nụ cười rất giống mẹ mà tối qua, làm đám ma cho cậu con trai duy nhất, con út, ánh mắt bà sâu thẳm buồn. Tôi sợ má Tiến gục ngã. Nhưng may bà còn có niềm tin vào đức Phật. Bà đau đến không muốn quàn con thêm một ngày, không cho chụp bức ảnh nào của đám tang nhưng hình như bà có chút nhẹ lòng, an ủi khi nghe thầy “khai thị”, Tiến là người hiền, phước đức, đã hết nợ trần nay về với Phật.

Niềm tin vào đức Phật. Ung thư. Tôi ngồi trong đám tang Tiến, nghe kể về những đau đớn của em thời gian cuối mà lặng lẽ nghĩ tới “cư sĩ Vũ Hoa Sen”, một Phật tử “ăn chay trường tỉnh thức” (?) đang sôi sục thách đố cả xã hội không muốn kiếm tiền bằng cách rao bán cái chết như của Tiến: các ông các bà tất thảy đều ngu, không ngu sao phê phán tôi, mỗi lần bị phê phán là Hoa Sen phát triển thêm, không ngu sao không biết kiếm tiền, ngu gì mà không làm thép, dễ thế, chắc ăn thế?

img

Thiên hạ lên án ông ác, sáng nay đã có lời “đỡ” cho ông: Bộ Công Thương cho biết, ông Vũ không làm thì công trình thép Cà Ná vẫn được người khác xây.

Không hiểu, không hiểu, tôi không hiểu nổi, vậy là “định mệnh” dân tộc mình phải chọn thép, mà phải xây ngay bờ biển, mà khi thị trường thừa, khi ai cũng biết thứ công nghiệp đại ô nhiễm này chắc chắn tàn phá toàn vùng biển quanh nó, nên Formosa 1 chưa yên, lập tức mọc ra Formosa 2 Hoa Sen Cà Ná? Kiếp nạn gì vậy, và sao lại là Hoa Sen?

Hoa Sen. Có một nỗi đau đớn khác cũng liên quan đến Hoa Sen. Trường Đại học Hoa Sen phi lợi nhuận đang có nguy cơ chính thức rơi vào tay những người bỏ tiền kinh doanh giáo dục, bằng tiền chiếm quyền lãnh đạo nhà trường theo đúng quan điểm đinh đóng cột: vì lợi nhuận.

Chuyện dùng ma thuật quốc tế về tài chính để thắng cuộc chiến cổ phiếu cổ phần, thắng ở nhiều cấp, nhiều loại hình cơ quan, với luật pháp buổi giao thời (đổi mới đại học) vẫn còn tiếp tục thay đổi, thì những ai biết kinh doanh lạ gì câu chuyện thương trường ma quỷ.

Điều đau đớn là biết bao nhiêu sinh viên, phụ huynh đang yên ổn với ngôi trường có uy tín học thuật, đảm bảo tương lai cho sinh viên, được giới đại học quốc tế tin tưởng ủng hộ vì chủ trương phi lợi nhuận nay chắc chắn phải quay đầu lao theo dòng xoáy của tiền, để kiếm lợi nhuận sao tránh khỏi kinh doanh mua bán chữ nghĩa, bằng cấp, mà ở nước ngoài, tôi còn nghe cả thông tin mua bán luôn nhà trường với hình thức thông dụng là...hợp tác.

Trời, sao bỗng dưng thấy giống như “chân lý” của ông Vũ Hoa Sen, “ngu gì không kiếm tiền”. Kiện thưa thì tới nay, nhiều thầy cô giáo nhân viên nhà trường đang kiện thưa, tòa còn chưa xử xong. Chính quyền thành phố ngay từ khi trường thành lập năm 1991 đã ủng hộ Đại học Hoa Sen rất nhiều vì đường hướng phi lợi nhuận, nay tất cả cơ sở vật chất, cơ ngơi được thành phố chăm lo hỗ trợ cho trường bỗng rơi hết vào tay một nhóm người luôn minh thị vì lợi nhuận, và họ chiến thắng cũng để tiếp tục đường lối vì lợi nhuận?

Nhớ lại, chính vì đường lối phi lợi nhuận mà Đại học Hoa Sen phát triển được như ngày nay, từ lâu giới học thuật đã quen với nếp nghĩ, thành phố Hồ Chí Minh chăm lo, nuôi nấng được một đại học tư phi lợi nhuận như Hoa Sen, tự hào biết bao nhiêu?

Vậy mà, nay chuyện thật buồn. Đại học hướng phi lợi nhuận Phan Chu Trinh của Hội An Quảng Nam đã phải dừng, rồi bao đại học tư khác đang bí lối ngắc ngoải trong khi Hoa Sen lớn mạnh. Bao nhiêu tiền, mà lớn hơn nhiều là biết bao tâm huyết, công khó, tình yêu từng ngày chăm bẵm, nuôi lớn thành đại học Hoa Sen ngày nay?

Vậy rồi mai này, sau khi phải quay đầu “ngu gì không kiếm tiền” thì Hoa Sen sẽ ra sao?

Tôi không dám nghĩ về sự tiếp nhận của đội ngũ sư phạm nhà trường, phụ huynh và sinh viên Hoa Sen khi đổi thay diễn ra, ngược với sự lựa chọn căn bản ban đầu của họ.

Chuyện đó là chuyện quá lớn, không thể xong với một tờ A4: chuyện niềm tin, chuyện thế hệ, chuyện trách nhiệm với vận mệnh tương lai thành phố, dân tộc, mà nhìn, thấy và chiêm nghiệm cả đời biết có thấu hết?".