Dân Việt

Nông dân trổ tài hài hước

10/08/2011 15:22 GMT+7
(Dân Việt) - Ở cuộc thi hài theo kiểu “Idol” mang tên “Vua hài đất Việt” đang diễn ra tại Hà Nội, khán giả có thể gặp khá nhiều người dân nông thôn đã mạnh dạn “lên tỉnh” để khoe khả năng gây cười của mình.

Rất đông thí sinh khu vực từ Hà Tĩnh trở ra đã đến Công viên nước Hồ Tây (Hà Nội) để dự thi “Vua hài đất Việt” - cuộc thi tuyển chọn các tài năng hài không chuyên do Công ty Heartlink tổ chức trong hai ngày (9 và 10.8).

img
Ông Chu Văn Bồng diễn hài với bộ trang phục có tuổi đời 43 năm.

Bộ quần áo “43 tuổi”

Trong dàn thí sinh trẻ trung toàn các cô cậu 8x, 9x, ông Chu Văn Bồng (69 tuổi) đến từ thôn Xuân Các, xã Yên Trung, huyện Yên Phong, Bắc Ninh, bỗng dưng “nổi bần bật” mặc dù ông bé nhỏ, gầy gò.

Nhìn từ xa, bộ phục trang biểu diễn tiết mục tấu hài “Pháp-Mỹ xâm lược Việt Nam phải khóc” của ông thực sự là một “công trình” thời trang vô cùng độc đáo. Trán ông buộc một dải băng đỏ, chiếc áo may theo kiểu các anh lính đội nón dấu trong chèo cổ bằng loại vải chéo- loại vải đến giờ có lẽ đã tuyệt nhiên vắng bóng. Chiếc áo ấy đã bạc màu và sờn, chỗ có khuy thì ông cài khuy, chỗ mất khuy thì ông thay bằng một chiếc kim băng to tướng. Thắt lưng thì ông dùng bằng một dải lụa vàng.

Hỏi anh Tình- con trai ông, mới biết, bộ quần áo của ông Bồng có từ năm 1968, hơn cả tuổi anh và nó gắn bó với “sự nghiệp diễn xuất” của ông Bồng trong suốt 43 năm nay.

Ông Bồng vốn là bộ đội phục viên, nguyên Đội trưởng đội chèo nghiệp dư (nay đã giải thể) của xã Yên Trung. Cả đời ông lúc nào cũng gắn với tiếng hát chèo. Tiết mục độc tấu hài của ông dựa trên phong cách của thể loại hề chèo.

Giữa các thí sinh chỉ bằng tuổi cháu mình, trong lúc chờ đợi, ông Bồng đứng biểu diễn rất hồn nhiên và chuyên nghiêp. Tay múa dẻo, miệng hát khéo, ông khiến đám trẻ mắt chữ i mồm chữ o rồi vỗ tay khen ngợi nhiệt liệt.

Đi theo “hộ tống” ông là một đoàn gồm 3 người con, 3 đứa cháu. Chị Nhạ - con gái ông bảo: Cả nhà khuyên ông tuổi cao rồi, ham hố đi thi làm gì nhưng ông không nghe, sáng qua ông nhịn đói đến đây chờ để lấy số báo danh. Lấy được rồi, ông mừng quá, bảo: “Thế là bố chắc chắn được thi rồi, nếu có giải bố sẽ cho mẹ mày đi du lịch một chuyến”. Mẹ chị Nhạ năm nay đã 72 tuổi, cả đời quanh quẩn với ruộng vườn, bảo ra Hà Nội để cổ vũ cho chồng đi thi thì bà thấy ngại nên không đi.

Hỏi ông Bồng có hay xem hài trên TV không, ông ngần ngại một lúc rồi nói: “Tôi cũng thích xem lắm nhưng nhìn các cháu diễn viên trẻ diễn hài mà ăn mặc quần áo hở hang, tôi thấy không được, mình người nhà quê mà, nhìn không quen mắt”.

Mẹ Đốp phiên bản 2011

Trong danh sách hơn 100 tiết mục dự thi của khu vực phía Bắc, rất nhiều các bạn trẻ vẫn lựa chọn các trích đoạn chèo cổ như “Xã trưởng - mẹ Đốp”, “Thị Màu lên chùa”, “Thầy bói”, “Cu Sứt”...

img
“Thầy bói” Hoàng Văn Huấn (phải) chụp ảnh lưu niệm với một thí sinh.

Hai bạn trẻ Đặng Thị Mai Hương (SN 1990) đến từ Hải Dương và Hoàng Văn Quang (SN 1988) đến từ Hà Nam đã quyết định lựa chọn 2 nhân vật xã trưởng, mẹ Đốp để thi tài.

Mai Hương cho biết: “Bọn em chọn trích đoạn này vì sự hấp dẫn trong màn đối đáp chua ngoa của mẹ Đốp nhưng nội dung thì sẽ “làm mới” bằng những chuyện nóng của hôm nay như sinh đẻ có kế hoạch, rút ruột công trình. Tiểu phẩm dự thi của em vẫn có chuyện Thị Màu chửa hoang, có rao mõ nhưng đưa vào khá nhiều các ca khúc hiện đại”.

Hầu hết các thí sinh đều không dám nhận mình là “Vua hài” nếu may mắn đoạt giải cuộc thi này. Họ khiêm tốn bày tỏ: Nói là đi thi “Vua hài” nhưng người đoạt giải cũng chỉ nên được gọi là “tài năng hài” thôi, các nghệ sĩ chuyên nghiệp còn chả dám nhận vua nhận chúa nữa là mình.

Tất cả các thí sinh đi thi đều tự biên tự diễn tiểu phẩm, tự lo trang phục lấy cho mình, họ hăm hở, nhiệt huyết, tự tin, chẳng cần ai tư vấn giúp đỡ. Bạn Lê Văn Doanh (20 tuổi) đến từ Ninh Bình chỉ vào bộ quần áo bà già màu nâu gụ trên người, hồn nhiên khoe với chúng tôi: “Bộ này em mượn của bà em, chẳng tốn một đồng nào đi thuê”.

Còn Hoàng Văn Huấn- một chàng trai 20 tuổi khác đến từ Thác Bà (Yên Bái) cũng tiết kiệm tiền thuê trang phục bằng cách vào chùa mượn các sư thầy một chiếc áo dài để đóng vai thầy bói. Huấn diễn khá “nghề”, một mình đóng cả hai vai. Bố mẹ Huấn làm ruộng, Huấn cũng thế, lúc rảnh thì hai mẹ con lại cùng nhau diễn kịch, diễn tiểu phẩm để phục vụ bà con làng xóm nên Huấn không hề e ngại khi đến chỗ đông người.

Các thí sinh đi thi “Vua hài đất Việt” đã có những màn “chào hỏi” thật vui ở vòng sơ khảo phía Bắc. Tới đây, vào các ngày 25, 26.8, một cuộc thi tương tự sẽ được tiến hành ở khu vực phía Nam.