Xin chuyển khẩu
Bức xúc, buồn chán là cảm xúc lớn nhất của L.C.H (30 tuổi, Đông Sơn, Thanh Hóa) lúc này. Ngày 11.9, gặp phóng viên NTNN, H cho biết, anh có mong muốn đi làm việc tại Hàn Quốc từ rất lâu. “Từ năm 2012 mình đã xin đi học tiếng Hàn, nhưng vừa học được vài tháng thì nhận tin Hàn Quốc không tiếp nhận lao động Việt Nam nữa. Chờ đợi, hy vọng mãi tới tháng 5 vừa rồi khi Việt Nam và Hàn Quốc ký lại bản ghi nhớ bình thường về tiêp nhận lao động, mình đã rất vui và quyết định đi học lại. Niềm vui chưa được bao lâu thì lại nghe tạm dừng xuất khẩu lao động với 44 huyện, thị có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao” – H nói.
Lao động chuẩn bị đến Hàn Quốc làm việc (ảnh chụp tại Sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội, ngày 8.8). ảnh: NHẬT ANH
H cũng cho biết, trước đó tháng 8.2016 anh đã lên Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa để cấp tốc học tiếng Hàn. Bình thường, chi phí để học một khóa phải hết 4,5 triệu đồng, nhưng anh chỉ phải đóng 2,5 triệu đồng. Nhưng vừa học được một tuần thì có thông tin huyện anh ở trong danh sách bị tạm dừng nhận hồ sơ. Mặc dù đã lấy lại được số tiền 2,5 triệu đồng nhưng anh H rất buồn và thất vọng.
“Mình thấy như vậy là không công bằng, bởi bọn mình không có gây ra lỗi gì” – H bức xúc. H cũng cho biết, anh đang tìm cách để chuyển hộ khẩu. Nếu chuyển khẩu thành công, anh sẽ tiếp tục học để thi lại tiếng Hàn và mong có cơ hội đi làm việc tại Hàn Quốc.
H cũng cho biết, người anh em họ của anh ở xã cạnh đó đã chuyển khẩu thành công và đang tiếp tục học tiếng Hàn để thi. Nghe nói mất 10 triệu đồng để chuyển khẩu tới một huyện khác không có lệnh cấm. “Tôi đã gọi điện, được họ thông tin, nếu chuyển trong tỉnh “trọn gói” 10 triệu đồng, nếu chuyển các tỉnh khác hoặc Hà Nội thì phải mất 17-20 triệu đồng” – H nói.
Ông Đặng Sĩ Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết: “Trong năm tới, Bộ LĐTBXH sẽ rà soát lại tỷ lệ và số lượng lao động cư trú bất hợp tại Hàn Quốc của các địa phương và nếu số lượng và tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc của địa phương bị tạm dừng trong năm 2016 giảm xuống thì người lao động của các địa phương này có thể đăng ký tham gia kỳ thi tiếng Hàn để đi làm việc tại Hàn Quốc” – ông Dũng khẳng định.
Chuyển hộ khẩu trên 1 năm mới được thi
40.663 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS tính đến ngày 31.8, trong đó có 16.409 lao động đang cư trú bất hợp pháp. |
Nhằm hạn chế tình trạng lao động xin chuyển hộ khẩu, lách luật đăng ký thi tiếng Hàn, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã đề ra nhiều biện pháp. Theo ông Dũng, để hạn chế vấn đề chuyển hộ khẩu không đúng quy định nhằm mục đích đi làm việc tại Hàn Quốc, Bộ LĐTBXH đã trao đổi, thống nhất với phía Hàn Quốc quy định cụ thể về các đối tượng dự thi. Quy định nêu rõ những người có hộ khẩu chuyển từ các quận/huyện bị tạm dừng tuyển chọn đến các quận/huyện không tạm dừng tuyển chọn phải có thời gian cư trú tối thiểu tại địa phương chuyển đến là 1 năm tính đến ngày đăng ký dự thi tiếng Hàn mới được đăng ký dự thi.
“Bộ cũng có văn bản đề nghị UBND các tỉnh trực thuộc trung ương thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về các đối tượng dự thi, các nội dung có liên quan đến kỳ thi tiếng Hàn. Tổ chức cho người lao động đăng ký, đảm bảo công khai, minh bạch, không để xảy ra các hiện tượng tiêu cực, lừa đảo, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm. Chỉ đạo cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các cấp ngăn chặn và xử lý nghiêm việc chuyển hộ khẩu không đúng quy định nhằm mục đích đi làm việc tại Hàn Quốc” – ông Dũng nói thêm.
Ông Nguyễn Quang Huy - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa cho biết, với những lao động thuộc 4 huyện bị cấm tuyển chọn đã học tiếng Hàn ở các trung tâm thuộc quản lý nhà nước đều đã được trả lại tiền.
Nói về việc chuyển khẩu của lao động, ông Huy cho rằng đây là quyền lợi chính đáng của lao động, được pháp luật quy định. Vì vậy, lao động chuyển khẩu để thuận lợi cho việc sinh hoạt, làm ăn thì công an vẫn phải giải quyết. Tuy nhiên, nếu lao động có ý định chuyển khẩu để lách luật đi XKLĐ ở Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) thì không nên và không thể thực hiện được.
“Vấn đề này Cục Quản lý lao động ngoài nước và Trung tâm Lao động ngoài nước cần có những sàng lọc hồ sơ, hộ khẩu của lao động. Với những lao động có quá trình chuyển khẩu ngắn, ở những địa phương bị cấm dưới 1 năm thì cần loại bỏ. Điều này phải quản lý từ trung ương” – ông Huy kiến nghị.
Về việc lao động lách luật, chuyển khẩu để lợi dụng chính sách được đi XKLĐ, ông Huy cho rằng điều này không dễ. Chính quyền địa phương luôn có theo dõi về công dân, nếu lao động nào đi theo kênh này sẽ dễ dàng bị người dân phát hiện.
Để đối phó với việc chuyển hộ khẩu, Trung tâm Lao động ngoài nước cũng có văn bản hướng dẫn địa phương về thủ tục và giấy tờ để đảm bảo người lao động đăng ký dự thi đúng đối tượng và đủ điều kiện, như cung cấp bản sao sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân để đối chiếu.
Trước thông tin của lao động đang làm việc tại Hàn Quốc có hộ khẩu thường trú tại những huyện có lệnh cấm, sợ về nước không được quay trở lại thị trường này, Văn phòng quản lý lao động theo Chương trình EPS khẳng định: “Người lao động có hộ khẩu thường trú tại các địa phương bị tạm dừng Chương trình EPS nhưng về nước đúng hạn vẫn được áp dụng chính sách tái nhập cảnh Hàn Quốc bằng kiểm tra tiếng Hàn trên máy tính hoặc chế độ lao động mẫu mực”.