Công trình đi vào hoạt động đã góp phần giảm tải cho bãi chứa rác và tạo ra lượng phân vi sinh để ND bón cho các vườn bưởi.
Xã Chí Đám có Quốc lộ số 2 chạy qua và có dáng dấp một thị tứ đang phát triển. Trên địa bàn xã có nhiều nhà hàng, quán ăn, chợ thị tứ, bệnh viện nên việc thu gom, xử lý rác thải là vấn đề nan giải của địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Xã viên HTX Môi trường xã Chí Đám thu gom rác thải đưa về khu vực phân loại. |
"Chia lửa" với bãi rác
Để giải quyết vấn đề rác thải trong sinh hoạt, xã Chí Đám quy hoạch bãi chôn lấp rộng 1ha. Sau nhiều năm sử dụng, lượng rác quá tải, bãi chôn lấp phải mở rộng thêm 0,5ha. Rác thải sau khi thu gom ở các khu dân cư được đưa về đây và thường xử lý bằng cách đốt. Theo ông Nguyễn Xuân Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã Chí Đám, việc đốt rác cũng chỉ giải quyết được một phần rác thải mang tính ngắn hạn, còn về lâu dài thì cần phải có giải pháp hiệu quả hơn.
Qua khảo sát, tháng 9.2012, Trung tâm Môi trường nông thôn thuộc Hội NDVN phối hợp với Hội ND tỉnh Phú Thọ hỗ trợ xã Chí Đám xây dựng 1 lò xử lý rác thải thành phân hữu cơ. Cùng thời điểm, HTX Môi trường cũng được thành lập trên cơ sở tổ vệ sinh môi trường hình thành từ năm 2005.
Anh Trần Ngọc Bình - Chủ nhiệm HTX Môi trường xã Chí Đám cho biết: "Chúng tôi đã đi tham quan, học tập mô hình lò ủ rác thành phân hữu cơ ở huyện Lâm Thao. Khi được T.Ư Hội NDVN, Hội ND tỉnh hỗ trợ xây dựng lò ủ rác thải tại địa bàn, bà con trong xã rất phấn khởi. Công trình lò ủ rác thải góp phần giảm tải cho bãi rác và tạo thêm thu nhập cho HTX Môi trường…".
Rác thải tại các khu dân cư, nhà hàng, quán ăn, bệnh viện được xã viên HTX Môi trường thu gom về một khu riêng tại bãi rác rồi phân loại. Những loại rác hữu cơ được đưa vào lò, sử dụng chế phẩm sinh học ủ. Sau khi ủ 20 ngày (mùa hè) và 40 ngày (mùa đông) rác sẽ trở thành phân hữu cơ dùng để bón cho cây trồng.
Lợi cả đôi đường
Chí Đám là đất của bưởi Sửu và bưởi Bắc Luân - hai loại bưởi đặc sản của huyện Đoan Hùng. Ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội ND xã Chí Đám cho biết: "Với việc xây dựng lò ủ rác thải thành phân hữu cơ, đã góp phần giảm tải cho bãi thải và tạo ra nguồn phân hữu cơ giá rẻ để người dân chăm bón cho cây bưởi đặc sản".
Anh Nguyễn Đức Hoạch - Trưởng thôn Chí 2 cho biết: "Cả thôn có 15 hộ trồng bưởi, bình quân mỗi hộ trồng 4 sào. Năm đầu tiên thu hoạch thường cho thu nhập 10 triệu đồng/sào, từ năm thứ 2 trở đi thì 1 sào bưởi đạt từ 25 triệu đồng trở lên".
Thôn Lô Giang hiện cũng có hơn 20 hộ là thành viên HTX Bưởi đặc sản xã Chí Đám với diện tích lên tới 35ha. Diện tích trồng bưởi đặc sản của cả thôn phủ khắp vùng bãi sông. Theo anh Phạm Hữu Tài - Trưởng thôn Lô Giang, so về thu nhập thì chỉ cần 1 cây bưởi Sửu đã "đánh ngã" 1 sào trồng sắn. "Thu nhập cao, nhưng chi phí chăm sóc cây bưởi cũng khá lớn. Chủ yếu là chi phí cho phân bón. Nếu có phân ủ từ rác hữu cơ của HTX Môi trường, người trồng bưởi giảm được khá nhiều chi phí".
Ông Trần Ngọc Bình - Chủ nhiệm HTX Môi trường thông tin, hiện HTX Bưởi đặc sản đã ký hợp đồng mua phân hữu cơ ủ từ rác để bón cho cây bưởi. Giá bán ban đầu được định rất thấp để khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng loại phân này…
Phương Đông