Đồng thời, triển khai công tác bảo đảm ATTP tại 30 tuyến phố văn minh. Thành phố cũng triển khai mô hình cảnh báo nhanh tại Bắc Từ Liêm và mô hình kiểm soát bữa cỗ tập trung đông người tại huyện Thanh Oai, Phú Xuyên; xây dựng và duy trì 60 chuỗi liên kết ATTP, trong đó, có 7 chuỗi liên kết về rau, thịt.
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã tổ chức 1.440 đoàn thanh tra, kiểm tra và thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành về ATTP, kiểm tra 50 lượt tiến độ hoạt động của 30/30 ban chỉ đạo ATTP quận, huyện, thị xã. Đã kiểm tra 77.388 lượt cơ sở, phát hiện 12.371 cơ sở vi phạm ATTP, phạt tiền 4.100 cơ sở với số tiền phạt 22,6 tỷ đồng; chuyển điều tra xử lý hình sự 3 vụ việc.
Cán bộ quản lý thị trường TP.Hà Nội lấy mẫu kiểm tra an toàn thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh. Ảnh: I.T
Các đơn vị quản lý chất lượng thực phẩm của thành phố đã lấy 2.970 mẫu thực phẩm gửi xét nghiệm, phát hiện 107 mẫu không đạt về chỉ tiêu vi sinh vật, hóa học và theo hồ sơ cơ sở tự công bố; xét nghiệm nhanh thực phẩm đạt 95%; chủ động giám sát ATTP phục vụ các hội nghị, sự kiện lớn của T.Ư và thành phố, với trên 150.000 suất ăn bảo đảm ATTP.
Được biết, TP.Hà Nội đã chọn huyện Thanh Trì và quận Nam Từ Liêm để làm điểm thực hiện ATTP từ nay đến năm 2017. Mỗi quận, huyện sẽ chọn 2 - 3 xã, phường thị trấn làm điểm và từng bước rút kinh nghiệm, nhân rộng. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu cũng cho biết, tới đây các ngành chức năng sẽ tăng cường kiểm tra ở chợ cóc, chợ tạm, tập trung các cơ sở vi phạm, các cơ sở sản xuất lớn... theo tinh thần không nể nang, né tránh, xử lý mạnh theo quy định của pháp luật để răn đe và ngăn các vi phạm khác phát sinh. Trước mắt, các đơn vị cần tuyên truyền cho các trường học sử dụng thực phẩm sạch, ở những cơ sở có uy tín, có giấy phép. Thành phố sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị xử lý việc vận chuyển thực phẩm vi phạm quy định pháp luật.