Trong 5 năm, Quảng Nam đã bê tông hóa hơn 1.552km đường giao thông nông thôn và 390km
giao thông nội đồng, cứng hóa 2.798km giao thông nông thôn.
Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NNPTNT, kiêm Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Quảng Nam cho biết, qua hơn 5 năm triển khai chương trình, Quảng Nam đã xây dựng được rất nhiều mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả. Hiện nay, toàn tỉnh đã phê duyệt 89 đề án phát triển sản xuất, với hơn 200 mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả và đang được nhân rộng.
Tỷ lệ cơ giới trong khâu làm đất, thu hoạch đạt trên 85%.
Hình thành nhiều cánh đồng sản xuất hoa màu, rau quả cho thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng/ha.
Quảng Nam đã xây dựng nhiều cánh đồng lớn, cánh đồng kỹ thuật với diện tích gieo trồng hằng năm trên 7.600ha. Các hợp tác xã nông nghiệp đã liên kết với các doanh nghiệp sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho ND, từng bước thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, xây dựng thành những vùng sản xuất chuyên canh tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hoá trong quá trình sản xuất.
“Nhờ liên kết sản xuất lúa giống, hàng ngàn ND của Quảng Nam có thu nhập tăng gấp 1,5-2 lần so với sản xuất lúa thường, nên bà con ND rất phấn khởi…” – ông Muộn chia sẻ.
Nhiều cánh đồng lớn, cánh đồng kỹ thuật của Quảng Nam trở thành hình mẫu cho các địa phương học tập.
Theo ông Muộn, thu nhập của người dân ở Quảng Nam tăng lên đáng kể. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân đầu người chỉ hơn 10 triệu đồng/người/năm, nhưng đến nay bình quân thu nhập đầu người ở khu vực nông thôn đã tăng lên 21,108 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo từ 24,2% năm 2010 giảm xuống còn dưới 9% vào năm 2015, bình quân mỗi năm giảm 3%, đạt chỉ tiêu đề ra.
Mạng lưới trường lớp được đầu tư rộng khắp và quy củ, đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em vùng nông thôn.
Qua 5 năm, toàn tỉnh đã dồn điền đổi thửa với diện tích hơn 6.037ha.